Gắn kết nhà khoa học với doanh nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trên đời này có những cái tưởng rất xa nhau, không dính dáng gì tới nhau nhưng hóa ra lại rất gần nhau, như nhà khoa học và doanh nhân. Nhà khoa học thì nghiên cứu khoa học, cả khoa học lý thuyết và khoa học ứng dụng. Còn doanh nhân thì tổ chức sản xuất hay làm dịch vụ. Mục đích của doanh nhân là kiếm tiền, còn mục đích của nhà khoa học chân chính là tạo ra những sản phẩm giúp ích cho con người.
Nhờ nhập, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hiện đại mà Vinamilk đã vươn lên thành doanh nghiệp sửa hàng đầu Việt Nam và khu vực (ảnh tư liệu)
Nhờ nhập, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hiện đại mà Vinamilk đã vươn lên thành doanh nghiệp sửa hàng đầu Việt Nam và khu vực (ảnh nguồn internet)
Nhưng thế giới phát triển đã đưa hai “nhà” này lại gần nhau, nhu cầu phát triển đã gắn kết họ với nhau và lợi ích từ việc phục vụ con người đã khiến họ hài hòa hai mục đích với nhau. Ở đây, doanh nghiệp đặt hàng cho nhà khoa học, tiền của doanh nghiệp tạo điều kiện vật chất để nhà khoa học nghiên cứu sáng tạo. Ngược lại, sản phẩm của nhà khoa học phục vụ trực tiếp cho sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp nhằm mang lại lợi nhuận.
Ở những quốc gia phát triển, không chỉ nghiên cứu khoa học ứng dụng mới có sự liên kết với doanh nghiệp mà nghiên cứu khoa học lý thuyết, khoa học nền cũng rất cần liên kết với doanh nghiệp. Bởi không ở đâu mà tiền của doanh nghiệp rót vào lại mang ý nghĩa thực tế và tạo ra không chỉ sản phẩm mà cả động lực sáng tạo cao như khi rót vào nghiên cứu khoa học.
Các trường đại học, cao đẳng và các viện nghiên cứu chính là những đầu mối thực hiện “đơn đặt hàng nghiên cứu khoa học” từ các doanh nghiệp. Dĩ nhiên, những người trực tiếp thực hiện đơn đặt hàng ấy là các nhà khoa học.
Ở Việt Nam thì tình hình không được “xuôi chèo mát mái” như vậy. Theo kết quả khảo sát đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp thuộc dự án First-Nasati thực hiện mới đây, có tới gần 85% doanh nghiệp ở Việt Nam tự thực hiện các hoạt động nghiên cứu phát triển để có được các sản phẩm mới, chỉ có khoảng 14% doanh nghiệp phối hợp với các đơn vị bên ngoài để triển khai nghiên cứu đổi mới sản phẩm.
Con số gần 85% doanh nghiệp “tự nghiên cứu” nói lên điều gì? Không phải nói lên những doanh nghiệp ấy đã “kiêm nhiệm” được việc nghiên cứu khoa học mà chỉ vì một lẽ giản đơn: Họ không biết và không thể “đặt hàng” vào cơ quan, tổ chức khoa học hay nhà khoa học nào. Họ phải tự mày mò làm vì đã “bí đường” kết nối. Tìm trong nước thì không có, tìm ngoài nước thì không đủ khả năng, kể cả khả năng tài chính.
Vì thế đã dẫn tới thực tế là, theo kết quả khảo sát tại 10 ngành nghề của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2016, trong đó có 7 ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo cho thấy, có đến gần 60% doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang sử dụng các công nghệ có tuổi đời trên 6 năm. Công nghệ đến chủ yếu từ các nước đang phát triển (chiếm khoảng 65%), trong đó có tới 26,6% công nghệ có xuất xứ từ Trung Quốc. Tỷ lệ các công nghệ có xuất xứ từ các nước phát triển như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản hay EU chỉ chiếm khoảng 32%, trong đó có trên 18% là công nghệ trước năm 2005.
Một bức tranh rất không sáng sủa về đổi mới công nghệ, nó cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ chọn mua hàng “second hand” cho rẻ tiền mà còn vì họ rất lúng túng khi muốn thay đổi công nghệ. Các cơ sở khoa học, nhà khoa học trong nước đã không trợ giúp được cho họ trong việc sử dụng công nghệ mới, chứ đừng nói tới sáng tạo công nghệ mới và cung cấp sản phẩm cho họ.
Có một thực tế rất đáng buồn là lâu nay, hầu hết công trình nghiên cứu khoa học sử dụng tiền ngân sách nhà nước đều không áp dụng được vào sản xuất, không mang lại lợi nhuận cho nhà sản xuất. Rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học sau khi được nghiệm thu đã được... “cất vào rương” và “ẩn cư” vĩnh viễn trong đó. Kể cả khi được công bố, xuất bản, chúng cũng không được ai ứng dụng.
Những chức danh không thể làm nên một nhà khoa học mà chỉ có những sáng tạo thực sự có lợi ích, có khả năng ứng dụng mới làm nên tên tuổi thực sự của nhà khoa học. Ở Việt Nam thì ngược lại, nhiều người có chức danh khoa học nhưng có rất ít nhà khoa học thực sự.   
Nếu không thay đổi được cung cách nghiên cứu, giảng dạy tại các trường đại học, không cải tổ triệt để các viện nghiên cứu khoa học thì các doanh nghiệp vẫn không thể tiếp cận với các trung tâm khoa học để đặt hàng, còn những nhà nghiên cứu khoa học chân chính cũng không có cơ hội nhận được những đơn đặt hàng từ doanh nghiệp để sáng tạo những công trình, sản phẩm. Mà nếu không có sự liên kết thực sự và hữu hiệu này thì Việt Nam tiếp tục là thị trường tiêu thụ những công nghệ cũ, lạc hậu từ nước ngoài.
Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.