(GLO)- Mỗi khi trời mưa, con đường liên xã nối từ ngã ba La Sơn (xã Chư Hdrông, TP. Pleiku) đi đến các xã phía Bắc huyện Chư Sê như: Ia Tiêm, Bờ Ngoong và Ia Băng, Ia Pếch (huyện Đak Đoa) lại biến thành… sông với chi chít ổ gà, ổ voi. Tình cảnh khổ sở này đã diễn ra nhiều năm, nhưng vẫn chưa được cải thiện.
Trên 10 năm sinh sống tại ven con đường này, ông Võ Hồng Phú-chủ một tiệm kinh doanh nệm mút tại thôn Hàm Rồng (xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) đã quá chán ngán với nỗi khổ phải chịu đựng khi làm ăn, sinh sống và ngày ngày đi lại trên con đường xuống cấp thậm tệ. “3-4 năm nay, con đường xuống cấp dữ dội như vậy. Nguyên nhân chính là do các xe tải hạng nặng liên tục chạy qua đây, bất chấp con đường đã xuống cấp. Sống quanh đây rồi chúng tôi cũng phát bệnh tật với nó. Khổ nhất là tụi nhỏ mỗi ngày đi học”-ông Phú nói. Theo ông, mỗi khi trời mưa, hàng loạt ổ gà, ổ voi ngập nước. Có những hố nước to như cái ao, đục ngầu. Người đi lại không quen đường ngã xe như chơi. Tại những “ao” nước này, có khi trời tạnh mưa cả tuần mới rút cạn hết nước.
Đường chằng chịt ổ gà, ổ voi. Ảnh: H.L |
Mưa khổ kiểu mưa, nắng khổ kiểu của nắng, đường xuống cấp gây đủ mọi khó khăn cho người dân sinh sống, lưu thông qua đây. Ông Phú nói: “Trời nắng con đường trở nên mù mịt bụi. Nhà tôi phải đầu tư cửa kính để chắn bụi, lỗ thông gió phải bịt kín mít nhưng bụi vẫn len vào, bám phủ khắp đồ đạc, vật dụng và hàng hóa. Công việc làm ăn vì thế cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều”.
Anh Trần Nam Việt, làm nghề lái xe sinh sống tại thôn Hàm Rồng cho hay, đường dày đặc ổ gà, ổ voi vô cùng nguy hiểm cho người đi đường. “Tụi tui ở cạnh đây liên tục chứng kiến các vụ tai nạn giao thông, nặng nhẹ có hết. Nguyên nhân hầu hết là do sập ổ gà, ổ voi, trượt ngã… Mới hôm trước có anh tài xế xe taxi không quen đường, sụp hố móp đầu xe. Tụi tui phải hè nhau lại đẩy giúp”-anh Việt dẫn chứng.
Là giáo viên một trường THCS trên địa bàn xã Ia Tiêm, hàng ngày cô giáo Nguyễn Thị Hiền phải đi-về thường xuyên trên con đường này. “Trời nắng hay mưa thì các cô nhà ở Pleiku đều phải mặc áo mưa nếu không muốn lấm lem hết quần áo. Thậm chí, có lúc thầy cô phải mang theo quần áo dự phòng. Nhưng điều chúng tôi lo lắng nhất vẫn là sự an toàn cho bản thân mỗi ngày đến trường để dạy cho các em. Nguyện vọng của tôi cũng như người dân sinh sống hay thường xuyên đi lại qua con đường này là mong con đường được sửa sang, nâng cấp để đảm bảo an toàn cho việc lưu thông”- cô Hiền chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi về tình trạng xuống cấp của con đường trên, ông Phạm Quý Thành-Chủ tịch UBND xã Ia Băng cho biết: Con đường này có từ ngày trước giải phóng, trước đây được gọi là tỉnh lộ 438. Năm 2007, UBND tỉnh đã phân cấp từng đoạn, giao về cho các đơn vị là: TP. Pleiku, huyện Đak Đoa và Chư Sê cùng quản lý. Sau nhiều năm vận hành và khai thác, con đường trở nên xuống cấp trầm trọng, nhiều đoạn không còn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông, nhất là tại khu vực thôn Hàm Rồng. Hàng năm, huyện có trích ngân sách để đổ đá cấp phối, giảm bớt trơn trượt, để việc lưu thông qua đây bớt khó khăn song vì kinh phí hạn hẹp nên việc làm này cũng chẳng thấm tháp vào đâu. Chúng tôi cũng đã nhiều lần đề xuất lên các cấp cao hơn nhưng chưa biết cụ thể thời điểm nào con đường mới chính thức được nâng cấp.
Đồng quan điểm trên, ông Rcom Việt-Bí thư Đảng ủy xã Ia Tiêm cho biết: Trong các cuộc họp dân hay tiếp xúc cử tri, nhiều người dân đã có ý kiến phản ánh về vấn đề này và bày tỏ mong mỏi sẽ sớm được các cấp, các ngành quan tâm triển khai tu sửa. Tuy nhiên, đã nhiều năm trôi qua nhưng tình trạng vẫn chưa có gì đổi khác. Chúng tôi cũng hy vọng trong thời gian tới, số phận con đường sẽ được thay đổi, nhất là khi năm học mới đã tới, các em học sinh phải đi lại mỗi ngày trên con đường này rất đông.
Hải Lê