Đưa văn hóa Tây Nguyên vào chuỗi du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nhiều đơn vị đưa văn hóa Tây Nguyên vào chuỗi du lịch, dịch vụ và không ngừng làm mới để gia tăng sức hấp dẫn cho hoạt động kinh doanh.

Đêm cao nguyên huyền thoại

Hơn 1 tháng sau chuyến du lịch trải nghiệm Gia Lai, vợ chồng bạn tôi vẫn còn rất nhiều cảm xúc. Bạn nhắn tin nói rằng rất nhớ cảm giác trong đêm cao nguyên gió lạnh, cầm ngọn đuốc châm vào đống củi làm bùng lên ngọn lửa ấm trong một quán gà nướng cơm lam.

Khi “bạn đến chơi nhà”, tôi đã dẫn bạn đi nhiều nơi, giới thiệu nhiều thắng cảnh đẹp, nhiều quán ăn ngon. Nhưng đọng lại sau cùng là cảm xúc trong bữa ăn ở quán truyền thống, ngồi bệt trên sàn nhà, vít cần rượu và lắng nghe các chàng trai, cô gái của núi rừng cao nguyên trình bày những bài hát tình ca Tây Nguyên nồng nàn, tha thiết. Bạn bất ngờ khi được chủ quán trao vào tay ngọn đuốc và mời thắp lên ngọn lửa.

Trong âm thanh rộn rã chiêng cồng, bên ánh lửa bập bùng, bạn vừa xoang vừa la lớn: “Vui quá! Vui không thể tả”.

Phục vụ cồng chiêng miễn phí tối cuối tuần tại quán Nghệ nhân Ksor Hnao. Ảnh: M.C

Phục vụ cồng chiêng miễn phí tối cuối tuần tại quán Nghệ nhân Ksor Hnao. Ảnh: M.C

Cái quán gây thương nhớ ấy chính là quán Nghệ nhân Ksor Hnao, một địa chỉ ẩm thực truyền thống không còn xa lạ với người dân cũng như du khách khi đến Gia Lai. Có lẽ là bởi quán không ngừng tìm tòi, làm mới khi đưa văn hóa Tây Nguyên vào dịch vụ ẩm thực. Nếu các món ăn truyền thống chạm đến cảm xúc của thực khách qua con đường dạ dày, thì những trải nghiệm văn hóa khiến cảm xúc ấy càng thăng hoa.

Đến với quán vào mỗi tối thứ bảy hàng tuần, những người yêu mến văn hóa Tây Nguyên thêm một lần được thưởng thức và trải nghiệm hoạt động cồng chiêng và văn nghệ dân gian sôi động.

Trong những nghệ sĩ thường xuyên góp mặt phục vụ khách ở quán, chàng trai Y Khơi (làng Jút 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) tuy không phải giọng ca nổi bật nhưng lại khá đa năng. Anh vừa là thành viên của đội cồng chiêng, vừa chơi được các loại nhạc cụ dân tộc lẫn hiện đại, lại có thể ca hát. Ngoài 20 tuổi, Y Khơi ý thức rất sâu “sức mạnh mềm” của văn hóa khi đưa vào hoạt động kinh doanh.

Anh chia sẻ: “Thực khách đến quán không chỉ để thưởng thức ẩm thực, nhiều người rất hào hứng với các tiết mục văn nghệ và bày tỏ sự yêu mến nghệ sĩ, nghệ nhân biểu diễn. Do đó, mình cũng không ngừng trau dồi để các tiết mục văn nghệ đặc sắc hơn, hay hơn. Mình vừa học chuyên môn ở Trường Cao đẳng Gia Lai vừa biểu diễn, học thêm nhạc cụ dân tộc, cách hát dân ca từ Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih để làm phong phú thêm các tiết mục”.

Y Khơi không ngừng trau chuốt kỹ năng, kỹ thuật cá nhân để đem lại cảm xúc mộc mạc, đầy ắp hồn Tây Nguyên cho du khách. Có lẽ vì vậy mà văn nghệ “tăng thêm” trong một quán ăn truyền thống chạm đến cảm xúc của nhiều người, khiến người ta muốn hòa mình để một lần được sống trong đêm cao nguyên huyền thoại.

Anh Phạm Ngọc Sơn-Chủ quán Nghệ nhân Ksor Hnao-cho biết: “Cồng chiêng và văn nghệ cuối tuần ở quán từ chỗ chỉ phục vụ thực khách thưởng thức thì nay đã chuyển hướng để khách được trải nghiệm, hòa mình vào các hoạt động. Nhờ vậy, quán nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ khách, trong đó có cả khách nước ngoài”.

Cồng chiêng trên mặt nước

“Nếu có hoạt động nào khiến khách du lịch thấy phấn khích, sẵn sàng hòa mình “vui tới bến” thì đó chính là cồng chiêng”-ông Nguyễn Chất Sâm-Chủ Farmstay Sâm Phát Ia Ly-khẳng định chắc nịch khi nói về dịch vụ cồng chiêng phục vụ khách du lịch tại farm.

Ông Sâm cho rằng, do mang tính cộng đồng nên khi đưa vào hoạt động kinh doanh dễ dàng kết nối du khách, khiến họ có sân chơi chung, niềm vui chung và sẵn sàng chơi hết mình.

Không gian Tây Nguyên quyến rũ du khách. Ảnh: Hoàng Ngọc

Không gian Tây Nguyên quyến rũ du khách. Ảnh: Hoàng Ngọc

Theo chủ Farmstay Sâm Phát Ia Ly, trình diễn cồng chiêng, xoang tạo trải nghiệm mới lạ cho du khách, nhất là khách phương xa. Khi Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam thực hiện dự án khôi phục, bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể tại làng Mrông Yố (xã Ia Ka, huyện Chư Păh), Farmstay Sâm Phát Ia Ly đã hỗ trợ các nghệ nhân địa điểm tập luyện, tặng đồng phục cho gần 50 thành viên của đội.

Ông Sâm còn mời đội chiêng thiện nghệ này biểu diễn tại farm để phục vụ các đoàn du khách đến trải nghiệm. “Người làm kinh doanh nào cũng đặt lợi nhuận lên hàng đầu, nhưng với kinh doanh văn hóa, lợi nhuận phải được đặt sau giá trị trải nghiệm cho du khách. Mỗi lần mời 1 đội cồng chiêng, chi phí tôi bỏ ra dao động 3,5-5 triệu đồng. Nếu tính bài toán kinh doanh lỗ-lãi, tôi sẽ không làm nhưng đây là hoạt động tạo ấn tượng, tiếng vang cho tour trải nghiệm farmstay”.

Ông chủ Farmstay Sâm Phát Ia Ly còn hiện thực hóa ý tưởng táo bạo là đưa cồng chiêng lên mặt nước. Trên hành trình kết nối Gia Lai-Kon Tum qua đường thủy sông Sê San, ông Sâm mời các đội chiêng biểu diễn, đàn hát phục vụ khách suốt hành trình. Xem những nghệ nhân cồng chiêng như “múa” trên mặt nước, hát tình ca là trải nghiệm khiến du khách nào cũng thích thú.

“Tôi đánh liều đưa cồng chiêng phục vụ trên nhà hàng nổi, hay cùng tham gia với du khách suốt hành trình khám phá du lịch trên sông. Phải liều mới thấy sức hút của văn hóa khi đưa vào chuỗi dịch vụ kinh doanh”-ông Nguyễn Chất Sâm chia sẻ.

Theo các đơn vị kinh doanh, đưa văn hóa Tây Nguyên vào hoạt động kinh doanh chưa bao giờ dễ dàng, nhất là vừa phải giữ được đặc trưng, bản sắc, vừa làm mới để tránh trùng lắp. Văn hóa bản địa là “kho báu” cho nhiều ngành nghề, đặc biệt là trong kinh doanh dịch vụ, du lịch. Và nhu cầu của du khách thì ngày càng khắt khe, đa dạng và tinh tế hơn.

Có thể bạn quan tâm

Singapore mở đường bay thẳng tới Phú Quốc

Singapore mở đường bay thẳng tới Phú Quốc

Sau một loạt đường bay mới từ Hàn Quốc và các nước Trung Á, Đông Âu, đảo Ngọc Phú Quốc tiếp tục khẳng định sức hút mới của mình khi đón đường bay thẳng từ Singapore, trở thành điểm đến cuối tuần mới của nhiều du khách quốc tế.

Du lịch Khánh Hòa sắp thu nhiều tiền nhất từ trước đến nay

Du lịch Khánh Hòa sắp thu nhiều tiền nhất từ trước đến nay

Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, trong 10 tháng, tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 47.000 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ, vượt 17,2% kế hoạch. Dự kiến, năm nay Khánh Hòa sẽ đón hơn 10 triệu lượt khách du lịch, doanh thu từ hoạt động du lịch trên 50.000 tỷ đồng - mức cao nhất từ trước đến nay.

Mãn nhãn cùng hội hoa dã quỳ Chư Đang Ya

Mãn nhãn cùng hội hoa dã quỳ Chư Đang Ya

(GLO)- Qua 3 ngày đầu diễn ra với nhiều chương trình ý nghĩa (từ ngày 8 đến 10-11), Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya 2024 để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách về một vùng đất, một loài hoa đã góp phần làm nên biểu tượng của du lịch Gia Lai.