Du lịch canh nông: Hướng đi đầy triển vọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gia Lai hiện có khoảng 8.000 ha cây ăn quả phân bố ở nhiều địa phương. Trong đó, nhiều trang trại nằm ngay trên cung đường dẫn đến các điểm du lịch. Đây là tiềm năng rất lớn để phát triển loại hình du lịch canh nông.
Nhà vườn rục rịch chuyển mình
Mùa này, các vườn chôm chôm tại thôn 6 (xã Ia Tô, huyện Ia Grai) đang vào độ chín rộ. Những chùm quả đỏ rực lúc lỉu trên cành trông rất thích mắt. Ngoài thương lái đến thu mua, thỉnh thoảng các nhà vườn chôm chôm ở đây cũng đón chào những du khách phương xa đến tham quan, chụp ảnh và mua sản phẩm. Chị Lê Thị Kim Liên-chủ vườn ở thôn 6-chia sẻ: “Mặc dù khách đến tham quan tại vườn chủ yếu do người quen giới thiệu và vẫn còn khá ít nhưng cũng giúp nhiều người biết đến sản phẩm chôm chôm của nhà tôi nói riêng và của địa phương nói chung”.
Vườn chôm chôm của một hộ dân ở xã Ia Tô (huyện Ia Grai). Ảnh: Đ.T
Vườn chôm chôm của một hộ dân ở xã Ia Tô (huyện Ia Grai). Ảnh: Đ.T
Là người tiên phong trồng cây có múi trên đất Kon Gang (huyện Đak Đoa), ông Nguyễn Duy Đô (làng Kop) ấp ủ xây dựng mô hình du lịch canh nông. Trong những năm qua, sản phẩm trái cây sạch của gia đình ông đã nổi danh khắp trong và ngoài huyện, được nhiều khách hàng ưa chuộng. Vào dịp cuối tuần, ngày lễ, nhiều gia đình tìm đến tham quan, vui chơi và chụp ảnh tại khu vườn rộng 2 ha trồng bưởi da xanh, cam Vinh, quýt đường… của gia đình ông. Ông Đô cho hay: “Tôi luôn chào đón khách đến tham quan vườn, tìm hiểu quy trình chăm sóc và tự tay chọn lựa, hái quả. Tôi xem đây là cách để giới thiệu, quảng bá sản phẩm hiệu quả nhất”.
Cũng là một điểm đến thú vị, Longs Rose Farm (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) đã đón tiếp nhiều lượt khách đến tham quan. Trang trại này hiện trồng các loại cây ăn quả như: thanh long, sầu riêng, quýt, mít, mắc ca… và hơn 6.000 gốc hoa hồng thuộc 100 loài. Xác định phát triển trang trại thành một điểm du lịch trong tương lai, anh Nguyễn Văn Thanh Long-chủ trang trại-tâm sự: “Các loại cây ăn quả của trang trại đã cho thu hoạch. Vừa rồi, tôi đón một số đoàn khách đến tham quan. Mọi người đều rất vui vẻ, thoải mái khi được đi dạo trong vườn, hái quả, ngắm hoa hồng. Tôi đang tiếp tục đầu tư, cải tạo khu vườn để có nhiều khoảng xanh hơn, phong phú hơn rồi mới bắt đầu khai thác, thu hút du khách”.  
Giàu khả năng phát triển
Khi cây ăn quả đang dần thay thế nhiều diện tích cây công nghiệp ở tỉnh ta do phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu thì Gia Lai hoàn toàn có thể phát triển loại hình du lịch canh nông. Những vườn bơ, sầu riêng, thanh long, chanh dây, nhãn, quýt, bưởi, mít, ổi… sẽ là điểm đến hấp dẫn dành cho các du khách để vừa tham quan, hòa mình vào thiên nhiên, vừa thưởng thức các loại trái cây. Đặc biệt, nhiều vườn trái cây còn nằm trên các cung đường dẫn đến các địa điểm du lịch nổi tiếng trong tỉnh. Có thể kể đến Longs Rose Farm và vùng chôm chôm Ia Tô nằm trên tuyến tham quan thác Mơ-Di tích lịch sử đồi Chư Nghé-bến đò A Sanh-lòng hồ Sê San. Từ vườn trái cây của gia đình ông Đô có thể đi đến Khu lưu niệm Anh hùng Wừu (xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa). Vườn nhãn 20 năm tuổi của gia đình anh Phan Hồng Cương (thôn 3, xã Nghĩa An, huyện Kbang) nằm trên cung đường dẫn vào Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng (xã Sơn Lang) hay Khu Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong. Đây là điểm thuận lợi cho chủ nhân các khu vườn khai thác, phát triển du lịch. Du khách cũng dễ dàng lên kế hoạch, lịch trình vui chơi, tham quan cho mình.
 Du khách tham quan và chụp ảnh lưu niệm tại vườn chôm chôm ở xã Ia Tô (huyện Ia Grai). Ảnh: PHƯƠNG LINH
Du khách tham quan và chụp ảnh lưu niệm tại vườn chôm chôm ở xã Ia Tô (huyện Ia Grai). Ảnh: P.L
Dù vậy, hiện tại, các vườn cây ăn quả trên địa bàn tỉnh mới chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu của khách tham quan do thiếu những dịch vụ đi kèm. Điều này đòi hỏi các nhà vườn phải sáng tạo, tìm tòi, đầu tư bài bản hơn. Ông Đô đã xác định rất rõ hướng đi cho vườn cây làm du lịch của gia đình. Theo đó, ông đang trồng thêm nhiều loại cây ăn quả như vải thiều, xoài để khu vườn thêm phong phú, mùa nào thức nấy nhằm phục vụ nhu cầu người tiêu dùng cũng như du khách. Ông cũng trồng thêm dã quỳ quanh vườn để tạo cảnh quan đẹp mắt. “Ngoài ra, tôi muốn làm thêm hồ bơi, hồ câu cá để mọi người có thêm lựa chọn giải trí. Tôi cũng sẽ triển khai chương trình “Cây nhà tôi”, tức là gia đình nào đến tham quan, nếu thích có thể mua luôn cây ăn quả, chúng tôi có trách nhiệm chăm sóc, đến mùa họ tới thu hoạch quả đem về”-ông Đô chia sẻ dự định. Cũng muốn đưa trang trại của mình vào khai thác du lịch trong tương lai, anh Long bày tỏ: “Khi vườn cây ổn định, cảnh quan như ý, tôi sẽ mở thêm dịch vụ cà phê, hoạt động trải nghiệm làm nông dân cho du khách, đặc biệt là các em thiếu nhi để giúp các em hiểu hơn về thiên nhiên quanh mình”.
Sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch mà cụ thể là du lịch canh nông đang là hướng đi được nhiều nông dân lựa chọn. Qua 2 năm huyện Kbang tổ chức Ngày hội Du lịch, vườn nhãn của gia đình anh Cương đã đón nhiều lượt khách đến tham quan. Anh bộc bạch: “Có đông khách đến tham quan giúp sản phẩm trái cây của gia đình được biết đến nhiều hơn. Tôi cũng mong được kết nối với các đơn vị lữ hành đưa các đoàn khách đến trải nghiệm tại vườn cũng như thưởng thức ẩm thực địa phương, giúp vườn nhà thêm phát triển”.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Tấn Thành-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh đánh giá cao khả năng phát triển loại hình du lịch vườn cây ăn quả ở Gia Lai. Ông Thành cho rằng, người dân ngày càng có ý thức và quan tâm tới du lịch, muốn gắn bó với du lịch để phát triển bền vững. Dù vậy, cách làm vẫn còn đang tự phát, chủ quan chứ chưa chuyên nghiệp, bài bản. Một số đơn vị lữ hành thấy được tiềm năng từ mô hình đã hướng dẫn chủ vườn có kế hoạch bổ sung điều kiện và đưa khách đến nhưng chưa có giải pháp đồng bộ.
“Để phát triển loại hình du lịch này ở Gia Lai thì cần có sự tác động của ngành Du lịch. Theo đó, cần định hướng, hướng dẫn chủ vườn tạo ra những mô hình theo điều kiện, đặc điểm riêng, có thể tham khảo một số mô hình thành công ở Đà Lạt hay các tỉnh miền Tây Nam bộ. Ngoài ra, chủ vườn khi xác định làm du lịch thì cần đầu tư bài bản hơn. Ví dụ như có khu đón tiếp, nơi trưng bày hình ảnh, giới thiệu quy trình canh tác, hướng dẫn khách tham quan, trải nghiệm trực tiếp tại vườn; có khu vệ sinh sạch sẽ; xây dựng thương hiệu sản phẩm... Tôi nghĩ, nếu có sự đồng thuận và phối hợp chặt chẽ giữa người dân và ngành chức năng, loại hình du lịch vườn cây ăn quả ở Gia Lai rất có khả năng để khai thác, phát triển”-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho hay.
 PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

(GLO)- Ẩn sâu trong núi rừng và có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, thác Ya Gloong (thuộc địa phận làng Đăk Bớt, xã Đak Trôi, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) là điểm đến lý tưởng của du khách gần xa khi đến khám phá, chiêm ngưỡng.