(GLO)- Cùng học trò trồng rau sạch tại vườn rau thanh niên của trường để bán lấy tiền trao học bổng cho học sinh nghèo, trích một phần nhỏ tiền lương mỗi tháng để giúp đỡ học sinh khó khăn... đó là những nỗ lực của tập thể sư phạm Trường THPT Trường Chinh (huyện Chư Sê, Gia Lai) trong việc đồng hành cùng học sinh trong suốt 8 năm qua.
Nhờ đó mà hơn 1.700 học sinh khó khăn của trường đã được nhận học bổng từ quỹ “Cùng em tiếp bước đến trường” trong 8 năm qua với tổng số tiền gần 180 triệu đồng. Hàng trăm học sinh nghèo khác nhận được sự giúp đỡ từ nhiều hoạt động ý nghĩa. Tuy giá trị vật chất không lớn (chỉ 100 ngàn đồng/tháng và luân phiên để học sinh khó khăn nào cũng được hỗ trợ) nhưng những món quà nhỏ ấy mang giá trị tinh thần rất lớn khi các em luôn cảm nhận được sự đồng cảm, sẻ chia ấm áp mà mái nhà thứ 2 mang lại.
Thầy Bùi Văn Thuận tặng học bổng từ quỹ “Cùng em tiếp bước đến trường” cho học sinh nghèo. Ảnh: N.G |
Em Đinh Hà (lớp 10A4) xúc động nói: “Nhà em có 3 chị em, bố mất cách đây 2 năm. Tuy rất vất vả nhưng mẹ vẫn cố gắng để chúng em được đến trường. Nhà xa nên em phải ở trọ gần trường để tiện việc học hành. Mỗi lần nhận được học bổng của nhà trường và quà của lớp, em đều về kể cho mẹ nghe. Mẹ vui lắm, bảo em phải cố gắng học tốt, không được bỏ học giữa chừng vì như thế sẽ làm thầy cô và các bạn buồn”. Hà cho biết, khi mới vào lớp 10, có lúc em có ý định nghỉ học ở nhà phụ mẹ làm thuê kiếm sống. Song, ngay từ những tuần đầu vào học, nhận được tình cảm của thầy cô, bạn bè, em đã có thêm động lực đến trường.
Cũng như Đinh Hà, em Rơ Lan May luôn cảm thấy mình may mắn khi là thành viên lớp 10A4 của Trường THPT Trường Chinh. Nhà có 10 anh chị em, để Rơ Lan May được theo học đến cấp THPT là cố gắng lớn của bố mẹ. “Nhà đông anh em nên không phải ai cũng được đến trường. Em đã rất cố gắng bởi bố mẹ bảo ai học giỏi mới được đi học tiếp. Biết được hoàn cảnh của em, thầy cô và các bạn đã luôn giúp đỡ và tạo điều kiện khi dành nhiều phần quà, học bổng hàng tháng. Em rất vui và coi đó là động lực để cố gắng theo học”-Rơ Lan May bày tỏ.
Trường THPT Trường Chinh có địa bàn tuyển sinh rộng, đầu vào khá thấp, học sinh dân tộc thiểu số, học sinh có hoàn cảnh khó khăn khá đông nên duy trì sĩ số học sinh là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Đó là lý do Quỹ “Cùng em tiếp bước đến trường” của Công đoàn nhà trường ra đời cách đây đã 8 năm, chủ yếu dựa vào sự đóng góp của thầy-cô giáo. “Ngay từ đầu năm học, các thầy cô tự nguyện đăng ký mức đóng góp hỗ trợ học sinh nghèo. Đời sống của nhiều giáo viên trẻ còn rất khó khăn nhưng tất cả đều vui vẻ, đồng thuận trong việc dành tặng học bổng hàng tháng cho học sinh nghèo; giúp đỡ đột xuất những gia đình học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngay từ khi mới ra đời, Quỹ “Cùng em tiếp bước đến trường” đã giữ vai trò quan trọng trong công tác duy trì sĩ số học sinh của nhà trường”-thầy Bùi Văn Thuận-Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Trường Chinh, cho biết. Bên cạnh đó, nhà trường còn khuyến khích học sinh toàn trường làm thiệp vào các ngày lễ, Tết, chăm sóc vườn rau thanh niên... để gây quỹ.
Bên cạnh ý nghĩa thiết thực, những hoạt động mang tính chất đùm bọc, sẻ chia của Trường THPT Trường Chinh còn góp phần giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Em Nguyễn Gia Cát Tiên (lớp 10A1) bày tỏ: “Nhà trường thường tổ chức trao học bổng cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn trong giờ chào cờ nên chúng em cũng ý thức được trách nhiệm của mình. Lớp em thường xuyên vận động, quyên góp quần áo cũ, vở, đồ dùng học tập để giúp đỡ các bạn người dân tộc thiểu số. Bản thân em và nhiều bạn trong lớp biết tiết kiệm hơn, giữ gìn quần áo để tặng lại các bạn khó khăn”.
Cô Nguyễn Thị Huệ-Hiệu trưởng Trường THPT Trường Chinh: “Nhà trường đang mở rộng hoạt động quyên góp, tặng quần áo, sách cũ các loại cho học sinh, đặc biệt là học sinh đầu cấp. Mỗi món quà sẽ được tiếp nhận, gói ghém cẩn thận để trao lại cho những bạn có nhu cầu. Đối với quỹ “Cùng em tiếp bước đến trường”, năm học tới, Ban Giám hiệu sẽ cùng với Công đoàn nhà trường kêu gọi sự ủng hộ của các Mạnh Thường Quân để hỗ trợ học sinh khó khăn nhiều hơn nữa. Mong muốn của chúng tôi là biến nơi đây thành ngôi nhà thân thương của học sinh”. |
Nguyễn Giang