Công ty Cà phê Ia Grai có 1.600 ha cà phê, trong đó diện tích cà phê già cỗi trên 200 ha, trồng từ những năm 1982. Do hạn chế về kỹ thuật nên quá trình trồng và chăm sóc chưa thực hiện một cách nghiêm túc, quy trình chọn giống chưa đạt yêu cầu. Niên vụ 2008, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam có chủ trương chỉ đạo cho các công ty trực thuộc “trẻ hóa” vườn cây bị già cỗi. Thực hiện chủ trương trên, Công ty Cà phê Ia Grai dành khoảng 3 tỉ đồng để cải tạo và trồng mới 30 ha cà phê.
![]() |
Vườn cây của Công ty Cà phê Ia Grai. Ảnh: Anh Khoa |
Ông Nguyễn Đại Ngọc- Giám đốc Công ty Cà phê Ia Grai cho biết: Đối với những vườn cây bộ rễ già cỗi, phải trẻ hóa hoàn toàn bằng giống có năng suất và chất lượng, vườn cây còn sinh trưởng tốt nhưng cho năng suất thấp thì chỉ ghép cải tạo. Nếu không tiến hành ngay từ bây giờ thì khoảng 10 năm nữa, diện tích cà phê già cỗi sẽ tăng lên gấp đôi, khi đó năng suất cũng như diện tích cà phê tại Gia Lai sẽ giảm mạnh. “Trẻ hóa” vườn cây là định hướng chiến lược trong quá trình kinh doanh đảm bảo phát triển lâu dài và bền vững của Công ty. Trung bình mỗi năm, Công ty “trẻ hóa” 15% diện tích, trong vòng 5 đến 7 năm, Công ty sẽ “trẻ hóa” toàn bộ diện tích cà phê già cỗi.
Việc chọn giống tốt, có khả năng chống chịu được sâu bệnh, cho năng suất cao, ổn định, chất lượng hạt cà phê nhân to và đồng đều để trồng lại trên đất cà phê cũ là khâu hết sức quan trọng. Vì vậy, Công ty đã phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông- Lâm nghiệp Tây Nguyên chọn và mua loại giống tốt để trồng. Phần diện tích cà phê bị nhiễm sâu bệnh nặng, Công ty tiến hành cày xới nhiều lần rồi cho phơi nắng. Đến mùa mưa trồng các loại cây cố định đạm như đậu phụng, đậu xanh, đậu nành trước khi trồng mới cà phê. Hố cà phê được đào bằng máy theo kích thước 1 mét x 0,6 mét, múc hết rễ ở tầng sâu trong đất tránh hiện tượng bệnh còn tồn tại trong rễ cũ. Bón lót phân vô cơ và hữu cơ trước khi trồng 1 tháng. Sau khi trời mưa độ ẩm trong đất đồng đều và có độ sâu thấm nước đạt 30 cm đến 40 cm thì đưa cây giống ra trồng với mật độ 1.904 cây/ha (1 hố trồng 2 cây). Sau khi trồng được khoảng 20 ngày phải làm cỏ, xới cây, không để cỏ dại lấp chụp cà phê và tiếp tục bón phân cho cây. Trong quá trình ghép, trồng mới cà phê, trồng cây làm vành đai chắn gió và che bóng mát cũng rất quan trọng. Nó sẽ điều tiết ánh sáng phù hợp với nhu cầu sinh lý của cây cà phê, điều hòa nhiệt độ và độ ẩm trong lô cà phê, giảm sự bốc hơi nước, hạn chế cỏ dại, tăng độ phì nhiêu cho đất, làm cho cây cà phê sinh trưởng phát triển ổn định và bền vững.
Từ kỹ thuật tái canh trên, vườn cà phê ghép của Công ty sau hơn 2 năm triển khai đã cho quả sớm, năm đầu có khả năng chống lại bệnh rỉ sắt, mang được đặc tính tốt của các thể mẹ như sinh trưởng tốt, năng suất cao, chất lượng cà phê tốt. Năng suất các vườn cây cà phê trồng mới hoặc ghép cải tạo lên đến 20 tấn/ha. Tại Hội thảo tái canh cây cà phê được tổ chức ngày 18-8 vừa qua tại Gia Lai, các đại biểu đã đánh giá khá cao về kết quả thực hiện tái canh vườn cây của Công ty Cà phê Ia Grai.
Khoa Dưỡng