Độc lạ: Vì sao người miền Tây đã ăn cháo lòng còn kèm với bún?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ăn cháo lòng cùng với bún là một món rất phổ thông của quê tôi, An Giang. Thế nhưng khi bạn tôi ở Sài Gòn hỏi lý do tại sao như vậy, tôi mới giật mình và đi tìm hiểu nguyên do.
Bún ăn kèm cháo là món phổ biến ở An Giang./ Henry Dương
Bún ăn kèm cháo là món phổ biến ở An Giang./ Henry Dương
Má tôi nói, chẳng biết từ bao giờ, người An Giang đã có thói quen ăn cháo lòng với giò cháo quẩy hoặc bánh mì và thêm dĩa bún nữa. Cho bún vào cháo, vừa no bụng, vừa rẻ tiền, nhưng quan trọng hơn là rất ngon! Các cô, các chú lao động ở miền Tây phải đi làm công việc nặng, nếu chỉ ăn cháo không thì rất đói, bởi vậy phải ăn thêm bún hoặc bánh mì cho no.
Ờ, mà tại sao không cho cơm vào no hơn? Cho cơm vào thì còn gọi gì là cháo, mà chắc chắn là không ngon rồi.
Và có lẽ vì cái sự vừa ngon, vừa rẻ mà quán cháo Thủy đen quê tôi lúc nào cũng đông khách. Sở dĩ có tên quán như vậy dựa trên đặc điểm làn da của bà chủ quán cháo. Dù chị Thuỷ có bôi bao nhiêu lớp kem, phủ bao nhiêu lớp phấn cũng không giấu được làn da mặn mà đấy.
Món cháo miền Tây (An Giang) độc đáo vì ăn kèm với bún/ Henry Dương
Món cháo miền Tây (An Giang) độc đáo vì ăn kèm với bún/ Henry Dương
"Hôm nay Thuỷ không có vú, Thuỷ bỏ cái khác cho ngon hơn nha", mới nghe, khách lạ có thể mắt chữ O mồm chữ A không hiểu chuyện gì đang xảy ra, nhưng đó lại là điều bình thường đem lại những tiếng cười ngày mới cho những người đang ăn tại quán của chị Thuỷ.
Sáng bán cháo bò, chiều chị Thuỷ bán bún riêu cua. Tuy Thuỷ đen, nhưng Thuỷ bán món nào là khách hàng phải xếp hàng lần lượt bu đen, bu đỏ để chờ ăn món đấy.
Không phải đợi đến thời đại 4.0 quán ăn cần chạy quảng cáo, marketing, PR này nọ mới được nhiều người biết đến, mới có khách đến ăn... những việc này quán cháo của chị Thuỷ không cần làm cũng đã rất thành công khi có được lượng khách hàng đông đảo và trung thành từ nhiều năm về trước rồi.
Vắt trái chúc vào cháo rất đặc biệt
Vắt trái chúc vào cháo rất đặc biệt
Khách hàng của chị Thuỷ đủ mọi thành phần tầng lớp. Họ đến quán Thuỷ vì món cháo bò hấp dẫn của Thuỷ, vì cách nói chuyện duyên dáng hài hước pha trò của Thuỷ, chẳng khi nào quán cháo lại bớt đi phần rôm rả của người mua kẻ bán, tạo nên thứ năng lượng tích cực tưng bừng cho ngày mới.
Không tốn một xu nào cho quảng cáo hay truyền thông, miệng truyền miệng, người giới thiệu người, quán cháo của chị Thuỷ được quảng cáo miễn phí khắp cả huyện, quán cháo của chị Thuỷ được nhiều người biết đến.
 

Khi đứng giữa đói và no, xếp hàng đợi lâu mà không có cháo để ăn, khách hàng lại xông vào phụ chị Thuỷ xắt thịt, rửa rau... mong sao đến lượt mình có cháo ăn.

Một phần ăn đầy đặn giá 30.000 đồng, gồm một tô cháo có lòng bò, huyết, thịt bò tái, óc, tủy, nạm... thêm hành lá và rau thơm lên trên. Đặc biệt, món cháo này không chỉ ăn kèm bánh mì mà thực khách còn được miễn phí một phần bún tươi đủ cho một bữa sáng no nê. Kiểu kết hợp lạ lẫm này khiến nhiều người lạ "mắt tròn, mắt dẹt".
 
Điểm nhấn tạo nên sự khác biệt ở tô cháo bò An Giang là ăn kèm nước trái chúc, cây chúc được xem là đặc sản của An Giang, trồng nhiều tại huyện Tri Tôn. Quả chúc giống quả chanh nhưng vỏ xù xì, có mùi thơm lâu mà nhẹ nhàng, thanh mát. Chút lá chúc thái mỏng khiến nồi cháo đậm đà mà thơm hơn, thiếu quả chúc tô cháo bò như mất đi một phần linh hồn vốn có.
Có lẽ vì nước cháo lõng bõng không đủ no nên người ta cho thêm bún vào để có thêm tinh bột, một điều tưởng chừng vô lý với chúng ta ngày nay, nhưng lại là sự kết hợp có lí cho một buổi sáng để khoang bụng được lấp đầy cho một ngày làm việc đồng áng chân tay đầy vất vả của các cô chú bác lao động ở miền Tây.

 
Theo Henry Dương( Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

(GLO)- Ẩn sâu trong núi rừng và có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, thác Ya Gloong (thuộc địa phận làng Đăk Bớt, xã Đak Trôi, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) là điểm đến lý tưởng của du khách gần xa khi đến khám phá, chiêm ngưỡng.