Doanh nghiệp vận tải Gia Lai "mất mùa" vì Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mặc dù trên địa bàn tỉnh Gia Lai chưa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 nhưng nỗi ám ảnh của dịch bệnh đã ít nhiều ảnh hưởng đến lợi nhuận của hầu hết doanh nghiệp vận tải hành khách trong giai đoạn cao điểm mùa làm ăn.
“Mất mùa” vận tải sau Tết
Thông thường, từ mùng 4 đến rằm tháng Giêng là cao điểm vận tải sau Tết, đem lại doanh thu lớn cho các doanh nghiệp vận tải hành khách. Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán 2020 đến nay, các doanh nghiệp vận tải khai thác tuyến Gia Lai-TP. Hồ Chí Minh, Gia Lai-Đà Nẵng, Gia Lai-Huế… phải 2-3 lần hỗ trợ đổi lịch trình cho học sinh, sinh viên các trường có sự điều chỉnh lịch học vì dịch Covid-19. Đây cũng là nhóm khách hàng lớn nhất sử dụng các tuyến vận tải liên tỉnh, đặc biệt là 2 tuyến Gia Lai-TP. Hồ Chí Minh, Gia Lai-Đà Nẵng. Ông Nguyễn Hồng Hải-Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Gia Lai-cho biết: “Doanh thu trong các dịp lễ, Tết có ý nghĩa rất quan trọng đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách, chiếm tỷ lệ không nhỏ trong doanh thu hàng năm của doanh nghiệp. Doanh nghiệp vận tải hành khách mất doanh số Tết chẳng khác gì nông dân rơi vào cảnh mất mùa, mất giá nông sản. Cái khác là doanh nghiệp vận tải hành khách không thể kêu gọi giải cứu”.
Mặc dù chưa thể đưa ra con số thiệt hại chính xác nhưng ước tính, Công ty TNHH Vận tải Hồng Hải đã thất thu đến hàng tỷ đồng sau Tết. “Cái khó của dịch vụ vận tải hành khách là chịu chi phối bởi lượng vé ở hai chiều. Chiều đi giảm, doanh nghiệp vẫn khó cắt giảm lượng đầu xe xuất bến vì chiều về đã bán vé. Doanh nghiệp thường cung cấp nhiều hạng vé tương ứng với giá tiền khác nhau, do vậy không thể dồn khách từ các hạng này sang hạng khác để giảm lượng xe xuất bến được, làm vậy sẽ mất khách ngay”-ông Hải cho biết thêm. 
 Nhà xe Thuận Tiến hỗ trợ đổi trả vé cho hành khách thay đổi lịch trình do dịch Covid-19. Ảnh: L.H
Nhà xe Thuận Tiến hỗ trợ đổi trả vé cho hành khách thay đổi lịch trình do dịch Covid-19. Ảnh: L.H
Tình cảnh “mất mùa” sau Tết cũng diễn ra với hầu hết các doanh nghiệp vận tải hành khách khác. Ông Trần Văn Uông-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đức Đạt Thành Gia Lai-chia sẻ: “Công ty có 19 phương tiện, khai thác 3 tuyến vận tải hành khách từ Gia Lai đi Nam Định, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Dịch Covid-19 khiến học sinh, sinh viên điều chỉnh lịch học, người dân hạn chế đi lại nên lượng hành khách giảm mạnh, đặc biệt là tuyến từ Gia Lai đi TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Riêng các ngày 8 và 9-2, dù rơi vào cuối tuần nhưng chiều từ Đà Nẵng về, chúng tôi chỉ đón được 6 khách/2 xe. Trong khi đó, chiều đi cũng chỉ lấp đầy 50-60% bởi học sinh, sinh viên đổi lịch học”.
Khảo sát tại Bến xe Đức Long Gia Lai từ ngày 7 đến ngày 9-2 cho thấy, lượng khách đổ về đây chỉ tương đương với ngày thường. Cụ thể, tuyến đi TP. Hồ Chí Minh có 30 xe xuất bến, đi Đà Nẵng có 13 xe, đi Đà Lạt, Nha Trang, Huế có 2-4 xe... “Đáng nói, tỷ lệ lấp đầy chỗ của các xe chỉ đạt 40-60%. Ngoài một phần lượng hành khách thay đổi lịch trình thì số vé đăng ký lại, nhà xe đã quay về bán mức giá ngày thường. Như vậy, coi như doanh nghiệp “mất mùa” Tết”-ông Nguyễn Bá Minh-Phó Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính-Vận tải (Sở Giao thông-Vận tải) đánh giá.
Dự lường nhiều khó khăn
Trước đó, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở Giao thông-Vận tải đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định trên địa bàn tỉnh giải quyết cho học sinh, sinh viên và các hành khách trả vé xe đã mua để đi lại sau Tết Nguyên đán. Theo đó, Sở yêu cầu các doanh nghiệp thanh toán tối thiểu 70-90% tiền vé cho hành khách đã mua vé nhưng từ chối chuyến đi do ảnh hưởng của dịch Covid-19. “Sở Giao thông-Vận tải và Hiệp hội Vận tải Ô tô Gia Lai đã tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến liên tỉnh để vận động, kêu gọi doanh nghiệp cùng cộng đồng trách nhiệm với ngành và địa phương, hỗ trợ tối đa cho hành khách cũng như chung tay ngăn chặn nguy cơ dịch Covid-19”-ông Nguyễn Trường Sơn-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải-cho hay.
Để đảm bảo việc doanh nghiệp thực hiện hỗ trợ đổi trả vé cho hành khách theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Giao thông-Vận tải, lực lượng Thanh tra Sở Giao thông-Vận tải đã tổ chức nhiều đợt thanh tra đột xuất tại doanh nghiệp và bến xe về nội dung này. Ông Nguyễn Trung Sơn-Đội trưởng Đội Thanh tra Giao thông số 1 (Thanh tra Sở Giao thông-Vận tải) thông tin: “Qua kiểm tra, các đơn vị đều thực hiện nghiêm chỉ đạo của tỉnh về hỗ trợ đổi, trả vé. Đặc biệt, một số nhà xe như Trường Thành còn hoàn trả 100% tiền vé, không thu phí đổi, trả và khi đổi chuyển lịch trình, nhiều trường hợp còn được hoàn trả khoản chênh lệch giữa vé Tết và vé ngày thường. Một số nhà xe như: Thuận Tiến, Đức Đạt đã phải trả lại cả ngàn vé do khách hàng hủy chuyến, chưa kể lượng đổi lịch trình còn cao hơn nhiều lần”.
Dịch Covid-19 được dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp, tác động không nhỏ đến việc đi lại của người dân cũng như hoạt động của các doanh nghiệp vận tải hành khách. “Hiệp hội Vận tải Ô tô Gia Lai hiện có 38 doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách với khoảng 380 phương tiện khai thác các tuyến cố định. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội đều sẵn lòng chia sẻ lợi ích, kể cả chấp nhận thiệt hại; cam kết thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Giao thông-Vận tải và cùng cộng đồng chung tay thực hiện nhiệm vụ ngăn ngừa, phòng-chống dịch”-Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Gia Lai chia sẻ.
LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.