(GLO)- Giá điện chính thức tăng thêm 5% kể từ ngày 22-12 khiến nền kinh tế càng thêm khó khăn chồng chất, nhất là đối với các cơ sở sản xuất, chế biến. Tiết kiệm điện để giảm chi phí là một trong những giải pháp doanh nghiệp phải tính tới.
Theo ông Nguyễn Duy Lộc- Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công thương Gia Lai thì việc tiết kiệm điện đã trở thành vấn đề cấp bách trong điều kiện thiếu điện hiện nay. Đặc biệt, đối với những đơn vị sản xuất kinh doanh thì tiết kiệm điện không chỉ giảm bớt chi phí sản xuất, giảm giá thành, tăng lợi nhuận mà còn giúp giảm phụ tải trong các giờ cao điểm, giảm áp lực cho ngành điện địa phương.
Thực hiện tiết kiệm điện hiệu quả sẽ giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp. Ảnh: L.L |
Tại Gia Lai, khu công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku) được xem làm khu tập trung đông các cơ sở sản xuất, chế biến, với 35 dự án đầu tư. Trong đó, 8 doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến đá Granite; 5 doanh nghiệp chế biến nông sản và thức ăn gia súc; 2 doanh nghiệp chế biến gỗ; 2 doanh nghiệp luyện cán thép và chế tạo cơ khí; 2 doanh nghiệp sản xuất giấy và bao bì; 2 doanh nghiệp sản xuất trụ và cống bê tông và 1 doanh nghiệp chiết nạp gas... Với các ngành sản xuất, chế biến đặc thù trên, khu công nghiệp Trà Đa mỗi năm tiêu thụ một lượng điện năng khá lớn.
“Với mục đích xây dựng trình tự chuẩn để kiểm tra, đánh giá việc sử dụng điện năng và phương pháp phân tích, đánh giá khả năng cũng như đề xuất các giải pháp tiết kiệm năng lượng điện trong sản xuất cho các doanh nghiệp, Sở Công thương đã phối hợp với Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh: “Những giải pháp tiết kiệm điện trong các cơ sở sản xuất công nghiệp ở khu công nghiệp Trà Đa”- ông Nguyễn Duy Lộc-thành viên trong nhóm tác giả chủ nhiệm đề tài cho biết thêm.
Theo đó, có 7 cơ sở kinh doanh, sản xuất tại Khu công nghiệp Trà Đa được chọn làm đại diện nghiên cứu, gồm Nhà máy Chế biến đá Granite (Công ty TNHH Quốc Duy Gia Lai); Nhà máy chế biến gỗ (Công ty cổ phần tập đoàn Đức Long Gia Lai); Nhà máy luyện cán thép (Doanh nghiệp tư nhân Năm Hoa); Nhà máy chế biến nông sản (Công ty TNHH Olam Gia Lai); Nhà máy sản xuất bao bì, PP, PE (DNTN thương mại và sản xuất Thiên Phúc); Nhà máy sản xuất trụ và cống bê tông ly tâm (Công ty cổ phần bê tông và xây lắp điện); Trạm chiết nạp gas (Chi nhánh Công ty cổ phần khí hóa lỏng Miền Nam).
Các cơ sở này đều được tập trung nghiên cứu các vấn đề chính như: phân tích, đánh giá hệ thống cung cấp điện, đồ thị phụ tải nhà máy công nghiệp và bù công suất phản kháng; dự báo phụ tải cho các nhà máy sản xuất công nghiệp; công tác thực hiện tiết kiệm điện năng trong hệ thống chiếu sáng. Đồng thời, đề tài còn khảo sát công suất và chế độ làm việc của những máy công nghệ và giải pháp sử dụng các bộ biến đổi công suất; chất lượng điện năng và vấn đề về sóng hài; các biện pháp tổ chức, quản lý, tuyên truyền trong thực hiện tiết kiệm điện.
Kết quả nghiên cứu đề tài đã được Hội đồng khoa học kỹ thuật cấp tỉnh xếp loại khá. Trong đó, đề tài tổng hợp và đưa ra 4 giải pháp tiết kiệm điện chủ yếu, đó là: cải tiến sơ đồ cung cấp điện và bù công suất phản kháng; thực hiện tiết kiệm năng lượng điện trong chiếu sáng; tiết kiệm năng lượng điện trong các hệ truyền động và máy công nghệ; tiết kiệm năng lượng khi lọc sóng hài.
Đặc biệt, tùy từng nhà máy mà nhóm tác giả đề tài cũng đưa ra từng giải pháp cụ thể, phù hợp. Chẳng hạn đối với Nhà máy chế biến đá Granite Quốc Duy Gia Lai do phụ tải chủ yếu là các máy cưa công suất lớn với công nghệ cũ và hệ thống bơm nước nên để điều khiển tiết kiệm năng lượng điện, nhóm tác giả đề nghị nên sử dụng biến tần. Tại nhà máy chế biến gỗ thuộc Công ty cổ phần tập đoàn Đức Long Gia Lai, nhóm tác giả lại đưa ra giải pháp tiết kiệm điện bằng cách sử dụng hệ truyền động vòng kín điều khiển động cơ theo áp suất đem lại hiệu quả cao.
Hoặc tại Nhà máy luyện cán thép Năm Hoa, nhóm nghiên cứu cho rằng các giải pháp tiết kiệm điện truyền thống đem lại nguồn lợi không nhiều chỉ vào khoảng 1%-2 %; vì vậy, để tiết kiệm được lượng công suất đáng kể, nhà máy phải cải tiến công nghệ luyện thép và các lò luyện thép, ngoài ra có thể sử dụng biến tần điều khiển máy bơm nước với mục tiêu tiết kiệm điện năng và ứng dụng lọc sóng hài…
Theo nhận xét của Hội đồng khoa học kỹ thuật tỉnh, đề tài đã đề xuất được các giải pháp góp phần giảm lượng điện năng tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm, giảm giá thành sản xuất do giảm chi phí tiền điện, tiền nước. Khuyến khích, thúc đẩy áp dụng thiết bị công nghệ mới vào dây chuyền sản xuất. Nâng cao nhận thức của các nhà đầu tư và công nhân sản xuất công nghiệp trong việc thực hiện Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tạo điều kiện gắn kết các nhà nghiên cứu khoa học công nghệ với các đơn vị sản xuất công nghiệp. Khả năng áp dụng các kết quả nghiên cứu của đề tài cao và thuận tiện.
Như vậy, nếu áp dụng theo các nghiên cứu của đề tài thì những cơ sở kinh doanh, sản xuất trên có thể giảm được sự tiêu hao năng lượng điện, giảm chi phí sản xuất, nhất là giảm áp lực trong thời điểm khó khăn này khi mà giá điện ngày một leo thang.
Dã Quỳ