Doanh nghiệp cần chủ động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm gần đây, hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có nhận thức đúng đắn về vai trò của việc đăng ký xác lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp thực hiện đăng ký quyền sở hữu trí tuệ vẫn chưa nhiều.

 Hồ tiêu Chư Sê đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Ảnh: Đ.T
Hồ tiêu Chư Sê đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Ảnh: Đ.T

Nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích mang lại của tài sản trí tuệ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và những bài học kinh nghiệm thực tế của một số nhãn hiệu đã mất ở thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp đã tự mình, hoặc thuê tư vấn để lập hồ sơ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ. “Trong quá trình phát triển thương hiệu, mở rộng phạm vi kinh doanh, một số doanh nghiệp đã rất chú trọng tới vấn đề này như Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, Công ty Cà phê Thu Hà... Số lượng đơn đăng ký và văn bằng bảo hộ được cấp của tỉnh năm sau luôn cao hơn năm trước, trung bình tăng 2%-3%/năm. Trong số đơn đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp thì 50% được hướng dẫn xác lập quyền tại Sở Khoa học và Công nghệ, số còn lại được tư vấn thủ tục tại Văn phòng đại diện Cục Sở hữu Trí tuệ hoặc các tổ chức dịch vụ sở hữu trí tuệ”-bà Dương Thị Ngà-Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết.
 

Theo thống kê của Cục Sở hữu Trí tuệ, từ năm 2010 đến nay, trung bình mỗi năm trên địa bàn tỉnh có khoảng 45 đơn đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp.

Đối với nhãn hiệu tập thể, tính đến cuối năm 2016, tỉnh đã có 1 nhãn hiệu được cấp giấy chứng nhận đăng ký là Hồ tiêu Chư Sê (được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu vào năm 2007). Hiện có 1 tập thể đang thực hiện đăng ký là Thuốc lá Krông Pa (chủ sở hữu là Hội Nông dân huyện Krông Pa).

Có thể thấy, sau khi được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu, phần lớn các sản phẩm đã tạo được sự chú ý nhất định đối với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh thông qua xác định địa danh, xuất xứ của sản phẩm. Song giá cả và sự phát triển thị trường vẫn chưa rõ nét. Doanh nghiệp cũng chưa chủ động công bố thông tin đến cộng đồng, đến khách hàng về logo, nhãn hiệu đã đăng ký để tạo sự quan tâm của thị trường. Thêm vào đó, doanh nghiệp cũng chưa có kế hoạch nâng cao chất lượng sản phẩm một cách toàn diện thông qua giải pháp công nghệ và tiếp thị bài bản nhằm khẳng định sự khác biệt với các sản phẩm cùng loại. Chưa kể doanh nghiệp sử dụng logo, bao bì nhãn hiệu nhưng không tạo được sự khác biệt của hàng hóa bên trong, từ đó tạo tâm lý đánh đồng chất lượng giữa sản phẩm mang nhãn hiệu và sản phẩm không mang nhãn hiệu.

“Tình hình trên là do người dân chưa thấy hết tầm quan trọng của việc quản lý và phát triển nhãn hiệu. Kỹ năng kinh doanh, thương mại và tiếp thị sản phẩm của người sản xuất chưa tốt. Sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ nên chưa chú trọng đến vấn đề bản quyền. Và một thực tế nữa là năng lực hoạt động của các doanh nghiệp, các tổ chức tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế. Liên kết 4 nhà chưa thực sự chặt chẽ”-Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Dương Thị Ngà cho hay.  

Việt Nam vừa ký hàng loạt các hiệp định kinh tế mà tỉnh ta có vai trò nhất định khi tập trung nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu. Việc đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn là vấn đề phải chú ý thực hiện hàng đầu, một trong những vấn đề có liên quan là xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm. Đối với việc này, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ cho biết sẽ tiếp tục tuyên truyền thông qua tập huấn, tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ chi phí đăng ký cho các đối tượng sở hữu trí tuệ. Đối với các nhãn hiệu chuẩn bị lập hồ sơ đăng ký, Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ thực hiện các nội dung liên quan đến việc hoàn tất hồ sơ đăng ký. Tuy nhiên, chính doanh nghiệp phải ý thức được tầm quan trọng của vấn đề này để bên cạnh việc xây dựng chất lượng sản phẩm đạt chuẩn còn chú trọng đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, khẳng định thương hiệu của doanh nghiệp mình.

 Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.