Di sản văn hóa - đặc sản của du lịch Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, TP HCM đang diễn ra chương trình thể nghiệm "Trình diễn di sản văn hóa phi vật thể".

Chương trình thể nghiệm "Trình diễn di sản văn hóa phi vật thể" sẽ quảng bá 14 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận như: hát xoan, ca trù, dân ca quan họ, thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ, nhã nhạc cung đình Huế, dân ca ví - giặm, đờn ca tài tử Nam Bộ.

Các địa phương cùng tham gia

Chương trình nói trên sẽ biểu diễn định kỳ hằng tuần vào các buổi chiều 3 ngày cuối tuần (thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật), địa điểm biểu diễn ngay phố đi bộ Nguyễn Huệ nên sẽ thuận lợi đón chào công chúng TP HCM, du khách nội địa và du khách quốc tế đến thưởng thức.

Khán giả đến xem đã thích thú với nhiều tiết mục phong phú về dân ca quan họ, dân ca ví - giặm và đờn ca tài tử. Những tràng pháo tay cổ vũ cho các tiết mục: "Mời nước - mời trầu", "Ngồi tựa mạn thuyền", "Ngồi tựa song đào", ví - giặm "Kiều du xuân", "Giã bạn", "Dạ cổ hoài lang", "Tình anh bán chiếu"... qua tài năng thể hiện của NSƯT Văn Hai, tiến sĩ Lê Hồng Phước, các nghệ nhân đến từ Trung tâm Biểu diễn Đàn và Hát dân ca Tiên Sa, CLB Quan họ VHS (Trường ĐH Văn hóa), CLB Ví - giặm Nghệ Tĩnh phía Nam.

Theo bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc "Áo dài Exhibition" (đơn vị tổ chức chương trình thể nghiệm "Trình diễn di sản văn hóa phi vật thể"), chương trình sẽ có phiên dịch nội dung biểu diễn sang các ngôn ngữ: Anh, Nhật, Hoa... và lược dịch một số bài hát để du khách có thể hiểu rõ hơn nội dung ca từ, những thông điệp mà chương trình, tiết mục biểu diễn muốn gửi gắm đến khán giả, du khách nước ngoài. Với các đơn vị du lịch lữ hành có đặt hàng riêng, "Áo dài Exhibition" sẽ tổ chức các buổi biểu diễn theo yêu cầu.

"Trong thời gian tới ban tổ chức sẽ mời các CLB thuộc Hội Di sản văn hóa TP HCM, các CLB nghệ thuật ở các địa phương cùng tham gia biểu diễn để các nghệ nhân có cơ hội trải nghiệm trình diễn phục vụ khán giả và du khách quốc tế. Ban tổ chức cũng sẽ luôn chăm chút về nội dung và chất lượng nghệ thuật biểu diễn sao cho phù hợp, cô đọng, hấp dẫn, đặc sắc. Tiết mục biểu diễn được chọn lọc để quảng bá đúng trọng tâm từng loại hình di sản, góp phần tạo ấn tượng đẹp về văn hóa dân tộc Việt Nam đến du khách" - bà Huỳnh Ngọc Vân cho biết.

Ngoài việc thưởng thức chương trình nghệ thuật, du khách còn được trải nghiệm độc đáo qua việc thử mặc các bộ áo tứ thân, áo dài truyền thống Việt Nam, nhận món quà đặc sản trầu têm cánh phượng để hiểu hơn về văn hóa Việt. "Áo dài Exhibition" cũng đang ráo riết chuẩn bị một số món quà lưu niệm, ấn phẩm ý nghĩa để du khách mang về làm quà.

 

Một chương trình trình diễn di sản văn hóa phi vật thể tại TP HCM. (Ảnh: THÚY BÌNH)
Một chương trình trình diễn di sản văn hóa phi vật thể tại TP HCM. (Ảnh: THÚY BÌNH)


Chọn đúng đặc sản

Theo các nhà chuyên môn, sản phẩm nghệ thuật từ các di sản văn hóa phi vật thể phải xác định đối tượng phục vụ chính đó là công chúng, trong đó có khách tham quan, du lịch. Các đơn vị nghệ thuật tại TP HCM cần xây dựng sản phẩm dựa trên nhu cầu, thị hiếu khách hàng, tránh làm với tư duy "có gì dùng đó".

"Các sân khấu trình diễn di sản văn hóa cần chủ động thông tin, trao đổi, quảng bá về những sản phẩm nghệ thuật mới, giúp các đơn vị lữ hành dễ dàng tiếp cận, từ đó xây dựng những tour tuyến phù hợp, chất lượng" - PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái nêu ý kiến.

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Giải trí Thái Dương, cho rằng: "Du khách quốc tế đến Việt Nam đi từ Hà Nội vào Huế, rồi TP HCM; nếu ở đâu cũng xem các chương trình tổng hợp có một chút múa rối nước, một chút quan họ, một chút múa hoa đăng… thì họ sẽ ngán. Cần chọn đúng đặc sản nghệ thuật mang tính vùng miền như vào TP HCM thì sẽ là: đờn ca tài tử, hát bội, cải lương, trình diễn áo dài… được kể thông qua một câu chuyện liền mạch, làm như vậy sẽ tăng thêm sức hấp dẫn cho việc khám phá, thưởng thức di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam".

Chương trình thể nghiệm của "Áo dài Exhibition" hiện cũng đang triển khai hướng liên kết với một số trường đào tạo chuyên ngành du lịch, tổ chức biểu diễn phục vụ sinh viên qua đó giúp các sinh viên trang bị tốt hơn những kiến thức về các loại hình sinh hoạt nghệ thuật di sản độc đáo của Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, các bạn trẻ có thể góp sức quảng bá văn hóa dân tộc Việt Nam đến du khách quốc tế, thiết thực giúp du lịch TP HCM phát triển.

 

Bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa TP HCM, gợi ý: “Công nghệ thông tin ngày càng phát triển, các sản phẩm của sân khấu trình diễn di sản văn hóa cũng cần khai thác triệt để hiệu ứng này”.


Theo THANH HIỆP (NLĐO)
 

 

Có thể bạn quan tâm

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

(GLO)- Ẩn sâu trong núi rừng và có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, thác Ya Gloong (thuộc địa phận làng Đăk Bớt, xã Đak Trôi, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) là điểm đến lý tưởng của du khách gần xa khi đến khám phá, chiêm ngưỡng.