(GLO)- Từ ngày 1-1-2015, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh thực hiện ký hợp đồng dịch vụ với Bưu điện tỉnh ở 4 lĩnh vực: chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng; quản lý người hưởng; thu bảo hiểm y tế (BHYT), BHXH tự nguyện và lập danh sách, nhập dữ liệu tham gia BHYT hộ gia đình. Qua một năm thực hiện các nội dung trên, bước đầu đã thu được những kết quả khả quan.
Tại hội nghị đánh giá công tác này chiều 21-4-2016, báo cáo kết quả một năm thực hiện cho biết: Trong năm 2015, Bưu điện tỉnh đã quản lý và chi trả cho trên 23.800 người hưởng với số tiền trên 879,6 tỷ đồng. Hình thành hệ thống đại lý, nhân viên thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình với 221 người, thực hiện phát triển mới được 4.386 người tham gia BHYT hộ gia đình (bằng 44,99% tổng số đối tượng tham gia mới toàn tỉnh) và tham gia đáo hạn BHYT là 34.924 người; phát triển được 114 người tham gia BHXH tự nguyện (chiếm 44,75% số người tham gia mới toàn tỉnh). Về công tác lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT, tính đến ngày 18-4-2016, toàn tỉnh có 311.855 hộ gia đình kê khai (đạt 99,9% tổng số hộ gia đình trong toàn tỉnh) và đã thực hiện chuyển giao cho Bưu điện; toàn tỉnh có 285.898 mẫu DK01 được nhập liệu vào phần mềm quản lý, đạt 91,67% số thu về; số nhân khẩu được nhập dữ liệu vào phần mềm quản lý đạt 89,48% dân số toàn tỉnh.
Bảo hiểm Xã hội tỉnh Gia Lai phối hợp thực hiện dịch vụ với Bưu điện tỉnh. |
Có được những kết quả trên chính là nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự lãnh đạo kịp thời của BHXH Việt Nam, sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan BHXH, Bưu điện từ tỉnh đến huyện. Sự phối hợp giữa 2 cơ quan trong việc tổ chức thực hiện hợp đồng, trong công tác tuyên truyền, tổ chức tập huấn về chế độ chính sách, quy trình nghiệp vụ; công tác thu, chi, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính cho các đơn vị sử dụng lao động thông qua dịch vụ Bưu điện từng bước đi vào ổn định, góp phần đem đến các dịch vụ tốt hơn cho người hưởng BHXH hàng tháng, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng và bước đầu đáp ứng yêu cầu gửi, nhận hồ sơ của các đơn vị sử dụng lao động. Bưu điện tỉnh đã đảm bảo các điểm chi trả lương hưu có vị trí thuận lợi, ổn định, có biển hiệu theo quy định, đáp ứng được yêu cầu về nhân lực, cơ sở vật chất, trang-thiết bị, phương tiện vận chuyển đảm bảo an toàn tiền mặt. Về phía BHXH tỉnh, trong năm 2015, BHXH tỉnh đã thực hiện lập danh sách và chuyển tiền cho Bưu điện tỉnh thực hiện chi trả kịp thời, đầy đủ, đúng quy định; đồng thời BHXH tỉnh cũng có sự hỗ trợ kịp thời cho Bưu điện tỉnh để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc nhất là trong công tác lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh…
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn những hạn chế tồn tại cần khắc phục. Gia Lai là tỉnh miền núi, diện tích rộng, địa hình đèo, dốc; đường sá đi lại gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các huyện vùng sâu, vùng xa đường giao thông còn là đường đất, có những điểm chi trả với số đối tượng hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH ít, lại nằm rải rác ở nhiều thôn, làng cách xa địa điểm chi trả. Vì vậy, đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH là người già, yếu thường xuyên ủy quyền cho người khác nhận thay nên có phần khó khăn trong việc kiểm tra, giám sát quản lý đối tượng… Công tác chi trả còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; chưa có lực lượng bảo vệ; quản lý người hưởng chưa được chặt chẽ; công tác tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ, đôn đốc thu nộp chất lượng chưa cao; việc phát triển đối tượng còn nhiều hạn chế.
Công tác quản lý người hưởng đang thực hiện hoàn toàn thủ công, chưa có ứng dụng công nghệ thông tin trong khai thác và quản lý nên chưa thực sự hiệu quả và còn gặp rất nhiều khó khăn. Nhân viên Bưu điện trực tiếp làm công tác chi trả chưa nắm rõ các chế độ BHXH nên việc giải thích, tư vấn thắc mắc của đối tượng còn gặp khó khăn, hạn chế. Thời gian đến, BHXH tỉnh và Bưu điện tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ nhằm đem đến dịch vụ tốt nhất cho người hưởng. Bảo hiểm Xã hội huyện phối hợp với Bưu điện huyện phấn đấu nâng tỷ lệ chi trả đạt 99% trở lên, hạn chế thấp nhất số người hưởng chậm lĩnh. Đảm bảo an toàn tuyệt đối trong khâu vận chuyển và quản lý tiền mặt trong quá trình tổ chức chi trả, tăng cường quản lý người hưởng qua tài khoản thẻ ATM. Tăng cường hơn nữa trong công tác phục vụ người hưởng; nhất là người hưởng già, yếu không đi lại được nên không thể đến điểm chi trả nhận lương hưu, trợ cấp BHXH thì sẽ tổ chức tới nhà để chi trả trực tiếp cho người hưởng. Tiếp tục triển khai lập danh sách tham gia BHYT theo hộ gia đình; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công tác cải cách hành chính nhằm vận động người dân tích cực tham gia BHYT, BHXH tự nguyện; phối hợp với cơ quan BHXH các cấp lồng ghép vào các hội nghị chuyên đề để phổ biến chính sách BHXH, BHYT nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia cho người dân…
Như Ý