Đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người trồng hồ tiêu Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều ngày 10-5, Đoàn công tác Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã làm việc với tỉnh Gia Lai liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn cho người dân vay vốn trồng hồ tiêu trên địa bàn tỉnh. Đồng chủ trì buổi làm việc có các đồng chí: Đào Minh Tú- Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Đinh Duy Vượt-Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, Nguyễn Đức Hoàng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai
Theo thông tin từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, trên địa bàn Gia Lai hiện có 15 chi nhánh ngân hàng (14 chi nhánh Ngân hàng thương mại và chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội) cho vay trồng, chăm sóc hồ tiêu tại 15 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, với diện tích 12.033 ha, chiếm 73,9% tổng diện tích hồ tiêu toàn tỉnh. Đến cuối tháng 4-2019, dư nợ cho vay trồng, chăm sóc hồ tiêu là 3.724 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ ngắn hạn là 2.665 tỷ đồng, chiếm 71,6%; dư nợ trung, dài hạn là 1.059 tỷ đồng, chiếm 28,4%. Nợ xấu là 451 tỷ đồng, chiếm 12,1% dư nợ cho vay trồng, chăm sóc hồ tiêu. Số khách hàng còn dư nợ là 18.888 khách hàng. Qua khảo sát, thống kê cho thấy dư nợ của khách hàng bị thiệt hại do cây hồ tiêu bị chết là 2.653 tỷ đồng, chiếm 71,2% dư nợ cho vay hồ tiêu, với 11.056 khách hàng bị thiệt hại, chiếm 58,5% số khách hàng vay trồng, chăm sóc hồ tiêu trên địa bàn tỉnh. 
Ảnh: Sơn Ca
Ảnh: Sơn Ca
Trước tình hình người dân sản xuất hồ tiêu trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại do tiêu chết, giá cả giảm thấp, ảnh hưởng lớn đến thu nhập, đời sống và khả năng trả nợ vay ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Gia Lai đã có nhiều văn bản chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng chủ động phối hợp với chính quyền địa phương để rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng, kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo thẩm quyền  như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, điều chỉnh giảm lãi suất, xem xét cho vay mới để khôi phục sản xuất, chuyển đổi cây trồng. Tính đến cuối tháng 4-2019, các chi nhánh ngân hàng đã thực hiện hỗ trợ là 6.009 khách hàng, chiếm 54,4% tổng số khách hàng bị thiệt hại. Trong đó, số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ 337 tỷ đồng, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay 706 tỷ đồng, cho vay mới 816 tỷ đồng, cho vay chuyển đổi cây trồng 119 tỷ đồng, đề nghị khoanh nợ 107 triệu đồng của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã Xội tỉnh.
Tham dự cuộc họp, đại diện các Ngân hàng Agribank, Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Chính sách Xã hội, HD Bank đã thông tin thêm về tình hình cho vay, dư nợ thiệt hại, áp lực nợ xấu cũng như những vướng mắc trong quá trình triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng trên địa bàn Gia Lai. Trong bối cảnh khó khăn của người trồng hồ tiêu cũng là khó khăn của ngân hàng, đại diện các ngân hàng đề xuất các giải pháp liên quan đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quy hoạch vùng sản xuất để các tổ chức tín dụng yên tâm hơn khi đầu tư tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn. Mặt khác, mong muốn chính quyền địa phương, các sở ngành liên quan có giải pháp thiết thực cùng ngành Ngân hàng nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho bà con. 
Sau khi ghi nhận các ý kiến thảo luận tại cuộc họp, đồng chí Đào Minh Tú-Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nêu rõ, cuộc họp này nhằm thảo luận, thống nhất các giải pháp có tính ngắn hạn lẫn dài hạn, thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm và sự quan tâm của ngành Ngân hàng nhằm xử lý kịp thời các vấn đề khó khăn của người trồng hồ tiêu Gia Lai. 
Ảnh: Sơn Ca
Ảnh: Sơn Ca
Theo đó, Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu ngay sau cuộc họp này, các chi nhánh ngân hàng thống kê, đánh giá chi tiết thực trạng khó khăn, dư nợ, tình hình nợ xấu hiện nay. Xác định thiệt hại thực tế của người vay vốn, khả năng mất vốn lẫn không thu hồi được vốn. Sau khi phân tích, đánh giá thực trạng, tổng hợp về Hội sở chính để Hội sở báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chủ động đề xuất biện pháp khắc phục. Đồng thời, các đại diện Ngân hàng thương mại cần báo cáo lại lãnh đạo Hội sở chính, xem xét lại từng món vay để thực hiện giãn nợ, giảm lãi, xóa lãi. Triển khai ngay đối với từng hộ dân, có báo cáo kết quả triển khai về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đặc biệt là vấn đề giảm lãi cho bà con. Liên quan đến vấn đề giảm lãi, giãn nợ, xóa lãi sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính, trích lập dự phòng rủi ro của năm nay của các ngân hàng. Do đó, các ngân hàng phải chủ động có cơ chế, chính sách xử lý vấn đề này. Về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ xem xét gia tăng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng trong năm nay.
Một nhiệm vụ dài hơi khác, các chi nhánh ngân hàng cần tư vấn, tham mưu cho tỉnh trong vấn đề quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đồng thời bám sát sự chỉ đạo của tỉnh, phối hợp với các sở ban ngành để triển khai hỗ trợ hợp lý, đúng quy định. Tiếp tục quan tâm thực hiện cho vay nông nghiệp-nông thôn, các lĩnh vực nhóm ngành kinh tế ưu tiên. Hỗ trợ phát triển nông nghiệp, hỗ trợ bà con nông dân là nhiệm vụ chính trị quan trọng của ngành Ngân hàng. Đối với tỉnh Gia Lai, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng, địa phương có báo cáo đánh giá thực trạng khó khăn, thiệt hại của hồ tiêu để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, về phía Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ, phối hợp kết nối với các bộ ngành chức năng đề nghị xem xét có chính sách khoanh nợ để hỗ trợ cho bà con, tháo gỡ khó khăn cho tỉnh theo đúng quy trình, quy định. 
Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.