(GLO)- Gia Lai là một trong những tỉnh có diện tích cây cà phê lớn của khu vực Tây Nguyên. Hiện nay, nhiều diện tích cà phê trên địa bàn đã già cỗi, năng suất thấp… Vì thế, việc tái canh nhằm nâng cao năng suất giúp người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống là điều hết sức cần thiết.
Người dân huyện Đak Đoa thực hiện tái canh từng phần diện tích cà phê của gia đình. Ảnh: L.N |
Hiện nay, tổng diện tích cà phê toàn tỉnh Gia Lai vào khoảng 79.122 ha, trong đó diện tích cà phê kinh doanh khoảng 76.523 ha tập trung tại các huyện: Chư Pah, Ia Grai, Đak Đoa, Đức Cơ, Chư Prông, Chư Sê, Chư Pưh, Mang Yang... Cũng theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 18.550 ha cà phê đã già cỗi, sinh trưởng kém, ít cành thứ cấp, nhiều cành không cho quả, năng suất, chất lượng quả thấp và sâu bệnh, cần phải tái canh để nâng cao năng suất… Theo đó, diện tích trồng tái canh và ghép cải tạo cà phê trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020 khoảng 13.420 ha, tập trung tại các địa phương như TP. Pleiku 1.858 ha, huyện Ia Grai 3.113 ha, Chư Pah 1.950 ha, Chư Prông 2.118 ha, Chư Sê 1.556 ha, Đak Đoa 1.200 ha, Đức Cơ 360 ha, Chư Pưh 185 ha, Kbang 712 ha, Mang Yang 311 ha. Riêng kế hoạch năm 2016, toàn tỉnh thực hiện tái canh 4.302 ha cà phê với 5.489 hộ đăng ký tham gia; trong đó có 1.691 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với diện tích cần tái canh 736 ha.
Để tái canh và ghép cải tạo 13.420 ha cà phê cần khoảng 16 triệu cây cà phê giống và khoảng 200 ngàn chồi giống. Phần lớn diện tích trồng tái canh cà phê sử dụng giống thực sinh TRS1 và cây giống ghép TR4, TR9, TR11 của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên để đảm bảo nâng cao năng suất, chất lượng, sản lượng, đảm bảo đến năm 2020 sản lượng cà phê toàn tỉnh đạt trên 198.500 tấn cà phê nhân.
Thực hiện Thông báo số 4464/TB-BNN-VP ngày 1-6-2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về ý kiến kết luận của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và PTNT rà soát, đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch trồng tái canh và ghép cải tạo cà phê trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; xây dựng kế hoạch chi tiết, lộ trình cụ thể để đẩy nhanh thực hiện kế hoạch trồng tái canh và ghép cải tạo cà phê trên địa bàn tỉnh trong năm 2016 và các năm tiếp theo theo kế hoạch đã phê duyệt tại Quyết định số 338/QĐ-UBND ngày 11-6-2015 của UBND tỉnh. |
Trước yêu cầu trên, thời gian qua, nhiều địa phương đã triển khai các giải pháp giúp người dân thực hiện tái canh và ghép cải tạo vườn cà phê. Điển hình, tại huyện Đak Đoa người dân thực hiện chương trình tái canh cà phê được hỗ trợ theo 2 hình thức: Nhà nước hỗ trợ 100% hạt giống, 60% tiền mua cây giống. Theo kế hoạch, năm nay huyện Đak Đoa thực hiện tái canh khoảng 1.137 ha với 1.495 hộ đăng ký. Để hỗ trợ người dân trong việc tái canh, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa đã triển khai ươm khoảng 150 ngàn cây giống cung cấp cho người dân dưới hình thức hỗ trợ 50% giá. Ông Nguyễn Lộc Thành (xã A Dơk, huyện Đak Đoa) cho biết: 2 ha cà phê của gia đình đã có biểu hiện già cỗi nên năng suất rất thấp. Được Nhà nước hỗ trợ, gia đình đã cắt bỏ toàn bộ 2 ha cà phê thực hiện mô hình ghép cải tạo. Qua 2 năm triển khai, cà phê đang sinh trưởng và phát triển tốt, hiện bắt đầu cho thu hoạch.
Ông Lê Tấn Hùng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa cho biết: “Nguyên nhân của tình trạng già cỗi nhanh là do cà phê được bố trí trồng trên những vùng đất không phù hợp, chọn giống không tốt, quy cách trồng và quy trình chăm sóc cũng chưa được hợp lý… Do đó, huyện sẽ tích cực thực hiện chương trình tái canh cây cà phê trên địa bàn”. Còn theo ông Phạm Minh Châu-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pah: Việc tái canh cà phê nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và thu nhập cho người trồng cà phê, đảm bảo duy trì sản lượng cà phê ổn định, góp phần thúc đẩy việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững cho người sản xuất cà phê. Năm nay, toàn huyện sẽ thực hiện tái canh khoảng 275 ha.
Tái canh và ghép cải tạo cà phê là yêu cầu bức thiết nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và thu nhập cho người trồng cà phê; duy trì sản lượng cà phê của tỉnh ổn định; hình thành các vùng sản xuất cà phê bền vững; góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng phát triển bền vững.
Lê Nam