(GLO)- Cháu trai tôi là con một, ba cháu lại mất sớm. Thương con trai thiệt thòi từ nhỏ nên chị tôi đã nuông chiều, cho cháu tự do từ chuyện ăn uống đến chơi bời mà không có bất kỳ sự khống chế nào.
Trong gia đình, cháu luôn thấy mình là “vua”, muốn gì được nấy. Chuyện đòi gì cũng được mẹ đáp ứng lâu dần đã hình thành ở cháu thói quen ích kỷ, không biết nghĩ tới ai khác ngoài bản thân. Lâu lâu được mẹ dắt ra ngoài đi chơi, cháu thích cái gì là đòi mua cái đó, thích ăn gì cũng đòi ăn cho bằng được, mặc kệ chuyện tiền trong túi mẹ còn hay hết. Cháu cũng không hề quan tâm đến chuyện mẹ chỉ bấm bụng mua đồ chơi, mua thức ăn cho con mà không dám sắm sửa bất cứ thứ gì cho riêng mình.
Ảnh minh họa |
Ở nhà càng tệ, bữa ăn có món gì ngon là cháu cắm đầu gắp lấy gắp để, không biết chừa phần cho ai. Đồ ăn vặt mẹ mua cháu cũng cứ ăn cho kỳ chán, còn thừa bỏ vung, không cần biết mẹ đã ăn rồi hay chưa. Hậu quả là chị tôi gần như cứ phải ăn đồ ăn thừa của con. Bữa cơm có món nào ngon đương nhiên không tới phần mẹ. Như thường lệ, chị sẽ cho con ăn trước. Con xong bữa, còn sót lại gì mẹ mới vét tô vét đĩa ăn sau cùng. Chứng kiến cảnh ấy nhiều khi tôi thấy rất bực mình, nhưng chị thì lại vui vì thấy con ăn được nhiều, mau lớn (!?).
Hôm vừa rồi bà ngoại cháu tới chơi, chị tôi đi chợ mua con cá chép to về làm món cá hấp đãi mẹ. Cá dọn lên mâm, người lớn chưa ai ngồi vào bàn, cháu đã tự tiện một mình cầm chén đũa leo lên, chan chan, gắp gắp. Mẹ còn mải lui cui dưới bếp không hay; khi trở lên bàn thì đĩa cá hấp đã tan hoang như bị mèo vọc. Điên lên, chị cầm roi vụt cho cháu mấy roi. Cháu đã lăn ra sàn ném chén ném tô, giãy đành đạch, òa khóc. Bà ngoại chứng kiến cảnh ấy cũng phải chép miệng, lắc đầu. Đợi chị “hạ hỏa” , bà mới nhẹ nhàng khuyên: Thương con thì phải dạy dỗ, uốn nắn nó từ nhỏ mới đúng. Cứ nuông chiều để nó sinh hư rồi lại “giận mất khôn” là chuyện không nên chút nào! Chị tôi chừng cũng thấy hối hận, lặng thinh cúi đầu…
Trong chuyện giáo dục con cái, có rất nhiều bậc cha mẹ vì quá nuông chiều con nên “bóp bụng bóp dạ”, thứ gì cũng nhịn phần mình để dành cho con. Họ quên rằng hành xử như vậy lâu ngày sẽ khiến trẻ đánh mất ý thức công bình, quen lối sống vị kỷ, chỉ biết thỏa mãn nhu cầu của bản thân mà không ý thức rằng người thân của mình cũng có những nhu cầu tương tự, thậm chí còn lớn hơn. Dạy con từ nhỏ ý thức hành xử công bình giữa bản thân với các thành viên trong cộng đồng (bắt đầu từ gia đình) là điều hết sức cần thiết trong giáo dục nhân cách. Đừng vì tình thương mù quáng mà chúng ta khiến con cái lớn lên thành người ích kỷ, sống vô tình, thậm chí ác tâm với đồng loại chỉ vì thiếu ý thức hành xử công bình.
Y Nguyên