Ðánh thức khung cửi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Do ảnh hưởng từ nhiều mặt của đời sống xã hội hiện đại, văn hóa truyền thống của dân tộc bản địa Tây Nguyên đang dần bị mai một, lãng quên. Ngoài những nghệ nhân, già làng trong buôn ra sức níu giữ và bảo tồn văn hóa cổ truyền,hiện vẫn còn có những chàng trai, cô gái trẻ ngày đêm âm thầm đánh thức khung cửi, giữ sắc màu cho nghề dệt truyền thống.

Y Dhông ngồi dệt bên khung cửi. Ảnh: N.T
Y Dhông ngồi dệt bên khung cửi. Ảnh: N.T


Khởi nghiệp với sản phẩm thổ cẩm truyền thống

Biết dệt vải từ khi sải tay còn chưa với đến bề ngang khung cửi, năm 12 tuổi, H’Sanh (buôn M’duk, phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã dệt được những tấm thổ cẩm truyền thống hoa văn đơn giản. “Con gái Ê Đê lên bảy, lên mười đã được mẹ dạy cho cách dệt vải. Đến tuổi đi bắt chồng phải tự tay dệt bộ váy áo đẹp để dùng ở dịp lễ hội của buôn làng. Đó chính là thước đo về phẩm hạnh cho một người con gái Ê Đê”, H’Sanh chia sẻ.

Con gái Ê Đê không chỉ biết dệt mà còn phải biết tìm các loại rễ cây về giã làm màu để nhuộm sợi dệt. Một sản phẩm thổ cẩm truyền thống đẹp là sự kết hợp hài hòa giữa các màu sắc với nhau. Nghề dệt truyền thống của người Ê Đê được lưu truyền qua nhiều thế hệ, thế nhưng gần đây có nguy cơ mai một bởi khó cạnh tranh với các sản phẩm thời trang công nghệ. Sản phẩm làm ra không bán được, nhiều người bỏ nghề. Trước nguy cơ nghề dệt truyền thống bị xóa sổ, H’Sanh (giờ là sinh viên năm 3 trường ĐH Tây Nguyên), nảy ra ý tưởng dệt những sản phẩm thổ cẩm có tính thời trang cao, gần gũi với mọi người như: bao đựng điện thoại, túi xách, móc khóa… nhưng vẫn giữ được nét văn hóa đặc trưng của người Ê Đê.


 

 H’Sanh (bìa phải) giới thiệu các mẫu thổ cẩm.
H’Sanh (bìa phải) giới thiệu các mẫu thổ cẩm.


Năm 2015, H’Sanh đăng các sản phẩm của mình trên trang Facebook cá nhân và nhận được nhiều  phản hồi tốt từ khách hàng về chất lượng, mẫu mã. Cuối năm 2017, các đơn hàng tới tấp gửi về, sản phẩm làm ra không đủ để bán. Các mặt hàng của cô ngày càng được nhiều người biết đến, thậm chí người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài cũng liên hệ về đặt mua sản phẩm. “Mình vui vì đồng bào vẫn còn yêu thổ cẩm, họ thích mặc đồ truyền thống của dân tộc mỗi mùa lễ hội. Nghề dệt đang dần hồi sinh. Nhiều khung cửi của bà con bắt đầu hoạt động lại. Nhiều người dưới xuôi, hay người nước ngoài cũng thích những tấm thổ cẩm này”, H’Sanh chia sẻ.

H’Sanh dự định sau khi tốt nghiệp ĐH sẽ khởi nghiệp với sản phẩm thổ cẩm truyền thống hoàn toàn bằng thủ công từ khâu dệt đến hoàn thành sản phẩm. Hiện, công việc cắt may và bán sản phẩm truyền thống cũng đã giúp H’sanh có nguồn thu nhập ổn định trang trải việc học và phụ giúp gia đình.

Lan tỏa đến thế hệ trẻ

Trong xã hội Ê Đê truyền thống, đan gùi và rèn là nghề của đàn ông, còn dệt thổ cẩm là nghề chỉ dành riêng cho phụ nữ. Nhưng 2 chàng trai người dân tộc Ê Đê ở Đắk Lắk không chỉ biết dệt mà còn dệt thành thạo nhiều hoa văn trên từng tấm thổ cẩm của dân tộc mình.

Như bao đứa trẻ Ê Đê khác, YDhông Buôn Yă (24 tuổi) lớn lên cùng những đêm kể khan (chuyện sử thi) trong ngôi nhà dài, được nghe tiếng giã gạo, xem các chàng trai, cô gái trong bộ đồ truyền thống nắm tay nhau nhảy múa bên bếp lửa bập bùng. Y Dhông yêu hoa văn rực rỡ nhiều màu sắc trên từng chiếc khăn, tấm chăn, đồ truyền thống. Khi các bạn cùng trang lứa đi bắn nỏ bẫy chim thì Y Dhông lân la cạnh các mẹ đang dệt bên khung cửi. Niềm đam mê, yêu thích văn hóa độc đáo của Ê Đê lớn dần theo năm tháng, không ai hướng dẫn, Y Dhông quan sát cách kéo chỉ, dệt hoa văn rồi xin tiền mẹ lén mua chỉ về tự mày mò dệt. Khi nhìn thấy sản phẩm của con mình cùng sự đam mê đó, bà H’Duyên (mẹ Y Dhông) miễn cưỡng đồng ý cho con trai học dệt.

Đến nay, Y Dhông không chỉ dệt đẹp mà còn dệt được nhiều hoa văn độc đáo của người Ê Đê. Trong các ngày lễ, hội văn hóa chàng trai trẻ luôn được chọn đi thi. Y Dhông chia sẻ: Những lần đi đến các bản làng vùng sâu, xa thấy ai đó dệt thổ cẩm họa tiết lạ, tôi đều ngắm nghía cách dệt thật kỹ, rồi mượn về dệt cho bằng được.

Khác với Y Dhông, chàng trai nhí Y Dhăm Hmok (14 tuổi, ở buôn Huê, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột) được mẹ và bác hướng dẫn dệt từng họa tiết hoa văn khi biết em có đam mê với nghề truyền thống. Ngay từ nhỏ, Y Dhăm được sống trong sắc màu thổ cẩm của đồng bào Ê Đê và chính sắc màu rực rỡ ấy đã cuốn hút em đến với khung cửi.

Y Dhăm kể: Gia đình có sẵn khung cửi, mỗi lần mẹ và bác dệt em lại say sưa ngồi xem. Lên 10 tuổi, Y Dhăm đã biết dệt thổ cẩm. Sau thời gian học ở trường và phụ giúp bố mẹ việc nương rẫy, có thời gian rảnh là Y Dhăm lại miệt mài bên khung dệt tỉ mỉ từng đường kim mũi chỉ để làm nên bộ khố áo, tấm chăn đẹp. Hiện Y Dhăm 14 tuổi nhưng đã có hơn 4 năm gắn bó với nghề dệt thổ cẩm, đã dệt được nhiều bộ váy áo, khăn, túi…với các hoa văn độc đáo.

Tình yêu văn hóa truyền thống của các chàng trai, cô gái Ê Đê trên đã và đang tạo ra sức lan tỏa đến thế hệ trẻ trong việc bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc mình.

Trong ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số TP Buôn Ma Thuột lần thứ X năm 2018 (được tổ chức tháng 3 vừa qua), Y Dhăm đoạt giải Nhì cuộc thi dệt thổ cẩm. “Nghề này đòi hỏi sự kiên trì, đôi tay khéo léo, sự sáng tạo. Khó nhất là công đoạn tạo hoa văn”, Y Dhăm chia sẻ.



Nguyễn Thảo (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Nữ 9X khởi nghiệp từ trái cây sấy khô

Nữ 9X khởi nghiệp từ trái cây sấy khô

Từng theo học Trường đại học Tây Nguyên, ngành kế toán, công tác tại nhiều công ty, chị Phạm Thị Nga (32 tuổi, trú tại Ea M'Nang, H.Cư Mgar, Đắk Lắk) quyết tâm về quê khởi nghiệp mô hình trái cây sấy khô.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.

Chị Nguyễn Thị Thu Trang tranh tài tại chung kết toàn quốc cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp

Chị Nguyễn Thị Thu Trang tranh tài tại chung kết toàn quốc cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp

(GLO)- Chiều 10-10, chị Nguyễn Thị Thu Trang-Giám đốc Công ty TNHH Dược thảo LiLa (xã Tân An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) thi thuyết trình chung kết toàn quốc Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Nữ trưởng công an xã xuất sắc

Nữ trưởng công an xã xuất sắc

Đại úy Y Yến (36 tuổi, dân tộc Xơ Đăng)-Trưởng Công an xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, Kon Tum, đã được Bộ Công an trao tặng danh hiệu “Phụ nữ Công an tiêu biểu”, “Nữ Công an cơ sở xuất sắc” năm 2023.