Đánh thức Hồng trà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 1923, người Pháp đã xây dựng một đồn điền chè có tên “Compagnie Agricole des Thes Et Cafes du Kontum Annam” (gọi tắt là CATECKA) tại Bàu Cạn (huyện Chư Prông). Trải qua bao thăng trầm, chè Bàu Cạn đã là thương hiệu quen thuộc của những người mộ trà nhưng có lẽ rất hiếm người nghe tới Hồng trà Bàu Cạn. Cũng phải thôi bởi sau mấy chục năm “ngủ quên”, nay Hồng trà Bàu Cạn mới được “đánh thức” trở lại.
Tuy đều làm ra từ lá trà như trà xanh, trà trắng... nhưng Hồng trà (hay còn gọi là trà đen) lại có sự hấp dẫn riêng. Theo dấu Hồng trà, tôi tìm gặp ông Hoàng Văn Sang-Xưởng trưởng Xưởng chế biến chè của Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn, người được coi là gắn bó với xưởng sản xuất này lâu năm nhất và am hiểu về trà ở đây.
 Vùng chè lâu đời Bàu Cạn. Ảnh: H.D
Vùng chè lâu đời Bàu Cạn. Ảnh: H.D
Trà Việt cho người Pháp
Nhẹ nhàng rót trà mời khách, thứ trà xanh mọi người vẫn uống hàng ngày, ông Sang kể cho tôi về Hồng trà. Rằng vào thời thuộc Pháp, đồn điền chè Bàu Cạn chuyên trồng và kinh doanh trà, cà phê, ca cao, trong đó có trà đỏ hay còn gọi là trà đen hoặc Hồng trà. Song người dân ở đây chỉ uống trà xanh chứ hoàn toàn không uống Hồng trà. Bởi lúc đó, thức uống này chỉ là sản phẩm thô, sau khi sơ chế mới xuất khẩu sang Pháp và được tinh chế ở đó.
Ông Sang với tay lấy gói Hồng trà, bốc một nhúm cho vào chiếc bình sứ nhỏ và nhẹ nhàng rót nước sôi vào. Trong lúc chờ trà ngấm, ông giới thiệu khá tỉ mỉ về quy trình sản xuất. Theo ông Sang, có 2 phương pháp sản xuất Hồng trà là phương pháp chính thống OTD và phương pháp CTC. Với phương pháp sản xuất Hồng trà OTD, những lá chè sau khi hái về sẽ được làm héo trong vòng 18-32 tiếng đồng hồ để loại bỏ một phần độ ẩm, sau đó sẽ vò khoảng 30 phút để phá vỡ các tế bào của lá, enzym có sẵn làm cho quá trình lên men tốt hơn. Từ 1 đến 3 tiếng sau đó là quá trình lên men. Tiếp theo, lá chè được đưa vào môi trường ấm áp và ẩm ướt rồi sấy khô trong 20 phút với nhiệt độ khoảng 90 độ C để ngăn chặn quá trình lên men trước khi đóng gói. Còn phương pháp CTC (viết tắt của Crush, Tear, Curl) là quá trình lên men xảy ra liên tục từ lúc đưa chè vào cắt, nghiền và vò trong máy chuyên dùng CTC. Toàn bộ đọt chè đã làm giập và phá vỡ tế bào trên 90-95% ngay lập tức được đưa qua máy trong một thời gian rất ngắn nên nhiệt độ khối chè tăng lên đột ngột, vì thế phải kịp thời thổi gió mát làm nguội nhanh, đồng thời cung cấp oxy cho chè lên men. Hồng trà được sản xuất theo phương pháp CTC có màu nước đẹp.
Ông Sang rót Hồng trà ra ly, đặt bên cạnh ly trà xanh trước đó. Chúng tôi thấy rõ được sự khác biệt qua màu hồng của trà và cảm nhận được vị thanh nhẹ khi chiêu một ngụm trà còn nóng hổi. “Hồng trà có nhiều caffeine hơn các loại trà khác nhưng vị thanh, ít chát và rất thơm. Hồng trà rất được người phương Tây ưa chuộng vì có thể bảo quản lâu, giữ được  mùi hương, trong khi các loại trà khác chỉ có thể giữ mùi được trong vòng một năm rưỡi đổ lại. Do vậy, trước đây, toàn bộ Hồng trà ở Bàu Cạn sau khi làm thô đều được chuyển về Pháp”-ông Sang cho biết.
Bay xa hương Hồng trà
Không phải bỗng dưng mà Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn lại muốn khôi phục một sản phẩm giá trị bị lãng quên suốt nhiều thập kỷ qua. Theo tìm hiểu, trên thế giới, Hồng trà được dùng cách đây hàng ngàn năm và rất được ưa chuộng bởi đó không chỉ là món đồ uống thơm ngon mà còn có tác dụng chữa bệnh, trong đó có bệnh tiểu đường. Theo nghiên cứu mới nhất của các chuyên gia ở Trung tâm Nghiên cứu Tianjin Key Laboratory (Trung Quốc), trong Hồng trà có hợp chất polysaccharide làm chậm quá trình hấp thụ đường của cơ thể nên có tác dụng chữa bệnh tiểu đường rất hiệu quả. Đồng thời, chất này có thể phong bế các gốc tự do của cơ thể, thủ phạm tiêu diệt tế bào và gây ra nhiều bệnh nan y như: ung thư, tim mạch và viêm khớp dạng thấp. Bên cạnh đó, Hồng trà chứa nhiều hợp chất hữu ích làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể.
Ông Đặng Trường Sanh-Giám đốc Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn, cho biết: Trà là sản phẩm truyền thống của Công ty đã tạo được uy tín lớn cả trong nước và khu vực. Với diện tích khoảng 450 ha, sản lượng 3.000 tấn chè búp/năm và 650 tấn chè khô/năm, Công ty có nguồn nguyên liệu dồi dào để Hồng trà thực sự “thức giấc”. Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn cũng xác định đây sẽ là một trong những sản phẩm chiến lược trong thời gian tới. Lý do là vì những năm gầy đây, sản phẩm Hồng trà rất được người tiêu dùng trong nước và thế giới ưa chuộng. “Thông qua Hồng trà Bàu Cạn, chúng tôi sẽ có cơ hội đưa những sản phẩm khác của Công ty như: trà xanh, Matcha, bơ, sầu riêng... tiếp cận với thị trường nhiều hơn”-ông Sanh bày tỏ.
Trải qua bao thăng trầm, các sản phẩm từ chè Bàu Cạn cũng đã xây dựng cho mình một giá trị riêng biệt không chỉ về kinh tế, mà ở đó còn là văn hóa, là niềm tin và kỳ vọng, nhất là đối với Hồng trà-”nàng công chúa ngủ trong rừng” vừa được đánh thức.
Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Con lợn mang ý nghĩa thế nào trong văn hóa các nước?

Con lợn mang ý nghĩa thế nào trong văn hóa các nước?

Lợn biểu trưng cho sự phồn thực, tính dục, sự nhàn nhã sung túc trong văn hóa phương Đông và là một trong những con vật có một mối liên hệ lâu đời nhất với con người, không chỉ người châu Á mà còn cả châu Âu và các nền văn minh khác.
Hội chợ xuân của bé

Hội chợ xuân của bé

(GLO)- Tết gần kề cũng là lúc hội chợ xuân diễn ra tại nhiều trường Mầm non trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh mong muốn tạo không khí vui tươi, hội chợ xuân còn hướng đến mục đích giáo dục các bé tinh thần sẻ chia với các bạn vùng khó.
Sưu tầm "hàng độc"

Sưu tầm "hàng độc"

(GLO)- Chính niềm đam mê nghệ thuật khoảnh khắc đã khiến một thợ ảnh gắn bó với những chiếc máy ảnh cổ. Có người lại mê mẩn những đường nét đơn giản nhưng tinh tế, đầy thẩm mỹ của gốm và sẵn sàng dành thời gian, công sức, tiền bạc để lặn lội

Xuân về trên ngôi làng Xê Đăng

(GLO)- Từ một ngôi làng nghèo có tiếng, làng Ea Lũh (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah) đang từng ngày thay da, đổi thịt. Cái Tết với họ đã trở nên no ấm, tươm tất hơn khi đã không còn phải chạy ăn từng bữa.
Những chú chó ở Kon Sơ Lăl

Những chú chó ở Kon Sơ Lăl

(GLO)- Không nổi tiếng như chó Phú Quốc hay chó săn của người Mông, nhưng những chú chó săn của người Bahnar trên mảnh đất Tây Nguyên cũng rất khôn lanh, dẻo dai, luôn được chủ nhân coi như người bạn thân thiết.
Mỹ vị Jrai

Mỹ vị Jrai

(GLO)- Chỉ cần nhắc đến muối kiến, bò một nắng hay cà xóc, lá mì, cà đắng, muối cỏ thì bất cứ người nào đã từng thưởng thức qua sẽ cảm thấy dịch vị
Cà phê chuyện đời và phố nhỏ

Cà phê chuyện đời và phố nhỏ

(GLO)- Trong hơn 10 năm gắn bó với Pleiku, khi nhìn ngắm phố, tôi thấy phố đổi thay từng ngày; khi chiêm ngắm đời, tôi lại yêu hơn cuộc sống này. Khi sớm mai hay lúc phố lên đèn, tôi luôn muốn được thưởng thức một ly cà phê ấm nồng yêu thương của gia đình, bè bạn.