Lễ cúng đầu năm của người Bahnar

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhịp sống đô thị và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã len lỏi vào từng buôn, làng nhưng nét văn hóa bản sắc của người Bahnar làng Mơhra (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, Gia Lai) vẫn được được lưu truyền, gìn giữ và có sức sống mạnh mẽ. Trong đó, lễ cúng đầu năm gồm cúng xin sức khỏe và lễ cúng Kuai là một trong những nét đẹp đặc trưng trong đời sống tinh thần của cư dân nơi đây.

Cúng xin sức khỏe

Làng Mơhra có 117 hộ với 457 khẩu, hầu hết là người Bahnar bản địa nơi đây. Tiếp chúng tôi trong những ngày giáp Tết Kỷ Hợi 2019, Già làng Hmunh (70 tuổi) hiện rõ niềm vui trên khuôn mặt. Ông cho biết, lễ cúng xin Yang cho người dân sức khỏe rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người Bahnar. Lễ cúng được thực hiện vào đầu tháng 1 âm lịch hằng năm và bắt buộc phải có mặt tất cả mọi thành viên trong làng. Do đó, chủ lễ phải thông báo trước về thời gian tổ chức để bà con trong làng kịp chuẩn bị và dự lễ. Già làng sẽ là người đại diện cho buôn làng đến nhà rông làm lễ cúng xin Yang (giàng, trời, thần linh) ban cho người dân trong cộng đồng được mạnh khỏe, không bị bệnh tật quấy nhiễu để rắn rỏi đôi chân lên nương, lên rẫy. Đây là phong tục độc đáo của người Bahnar, cũng là dịp để những thành viên trong cộng đồng sum họp, thêm gắn kết nhau trong những ngày đầu Xuân.

Lễ vật cúng xin sức khỏe do tất cả người dân trong làng đóng góp. Điều đó thể hiện sự đoàn kết và trách nhiệm của từng thành viên cho lễ cúng. Lễ vật gồm 1 con heo cái được nấu thành 3 món, 1 con gà mái và 1 quả trứng gà. Cơm được nấu trong 3 nồi Gọ bảy (nồi đồng) có kích thước khác nhau. Gọ bảy nhỏ nhất được nấu đầu tiên và phải dùng gạo mới thu hoạch, nồi phải được rửa thật sạch và cơm này dành cho những người lớn tuổi trong làng ăn. Hai nồi còn lại dùng để nấu cơm cho cả làng.

 Già làng Hmunh thực hiện lễ cúng xin mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Ảnh: Chí Hào
Già làng Hmunh thực hiện lễ cúng xin mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Ảnh: Chí Hào



Khoảng 13 giờ, sau khi lễ vật đã được chuẩn bị đầy đủ, dân làng trải một chiếc chiếu mới mua trong nhà rông để thầy cúng vào làm lễ. Thầy cúng nhắc khi làm lễ xong mọi người ăn uống phải nói chuyện lịch sự, không được ca hát nhảy múa. Lễ vật được bày biện xong xuôi, chủ lễ ngồi xuống, chắp tay khấn xin Yang cho dân làng khoẻ mạnh, làm ăn phát đạt, đi đường gặp điều may mắn, có người tốt bụng giúp đỡ. Sau khi khấn xong, lễ vật đã cúng sẽ được phân phát cho các thành viên trong làng cùng ăn để nhận sự che chở của Yang. Các cụ già, thầy cúng sau khi đã ăn xong mà còn dư thì phải chia lại cho con cháu, không được mang về hay vứt bỏ.

“Lễ cúng là điểm tựa tinh thần cho người dân. Mình là người lính cụ Hồ, cháu bác Núp (Anh hùng Núp-P.V) nên không mê tín dị đoan, không cúng để chữa bệnh, người dân làng Mơhra hay nơi khác bị đau ốm mình đều nói phải đến bệnh viện. Các làng chỉ giữ lại những lễ cúng năm mới, cúng sức khỏe như một nét đẹp văn hóa”- già làng Hmunh nói.

Lễ cúng Kuai

 

Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch): Lễ cúng năm mới của người Bahnar là một nét đẹp của văn hóa truyền thống Bahnar. Trên thực tế, đây là dịp để mọi người trong cộng đồng gặp gỡ, trò chuyện, chung vui. Đồng thời, nhìn lại 1 năm đã qua, cam kết cùng nhau (có sự chứng kiến của thần linh) để sống tốt, sống có ích trong năm mới. Đó là điều đáng quý, nên gìn giữ.

Sau khi cúng xin sức khỏe cho dân làng vài ngày, thầy cúng sẽ chọn một ngày trời nắng đẹp để thực hiện Lễ cúng Kuai-xin mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Lễ cúng có 1 con heo, 1 con gà và 1 ghè rượu. Đặc biệt, lễ cúng này không được thiếu 1 cây le được chặt trong rừng. Cây le chuẩn bị cho lễ cúng phải cứng, cong đều nhưng không được quá già. Thầy cúng là người tự tay vót cây le và giữ lại 3 đốt có nhánh dài. Ngọn cây le được cột 3 chiếc vòng tròn làm bằng tre, tiếp theo cột sợi dây rừng dài chừng 1m, cuối sợi dây này cũng được cột 3 chiếc vòng bằng tre. Trước khi tiến hành cúng, thầy cúng sẽ đốt nhựa cây Gul có mùi rất thơm để “gọi” Yang về. Đây là loại nhựa cây này rất khó tìm và chỉ những người thạo đi rừng, nhiều khi phải đi rừng nhiều ngày mới may mắn tìm thấy.

Mọi thủ tục chuẩn bị hoàn tất, đầu tiên thầy cúng sẽ xoay ngọn cây le chỉ hướng cong về hướng mặt trời mọc khấn xin cho trời mưa thuận gió hoà, không có bão, đừng cho nắng nhiều. Thầy cúng đặt hai lòng bàn tay khép vào nhau vừa đưa lên xong hạ xuống khấn xin: “Hôm nay làng tôi có 1 con heo, 1 con gà, 1 ghè rượu cho Yang. Yang hãy giúp dân làng trồng cây lúa xuống có nhiều hạt, khoai sắn củ to. Xin Yang cho mưa thuận gió hòa, cây trái tốt tươi, mùa màng bội thu. Chúng tôi sẽ sống đoàn kết, hoà thuận và không lừa ai”.

Tiếp đó già làng Hmunh xoay ngọn cây le về hướng Nam, xin cho dân làng làm ăn may mắn; xoay về hướng Bắc xin cái bông làm khố, nhuộm vải đẹp; xoay về hướng Tây xin nước để cây không chết khô, người dân làm ăn trong thời tiết thuận lợi. Nghi lễ cúng được thực hiện xong, thầy cúng sẽ phân phát lễ vật cho tất cả người dân trong cộng đồng cùng ăn, uống rượu ghè và trò chuyện với nhau về những điều đã trải qua trong năm cũ; đồng thời, răn bảo nhau sống tốt, tôn trọng giúp đỡ nhau để đón một năm mới thuận lợi, thành công hơn năm cũ.

Chí Hào

Có thể bạn quan tâm

Con lợn mang ý nghĩa thế nào trong văn hóa các nước?

Con lợn mang ý nghĩa thế nào trong văn hóa các nước?

Lợn biểu trưng cho sự phồn thực, tính dục, sự nhàn nhã sung túc trong văn hóa phương Đông và là một trong những con vật có một mối liên hệ lâu đời nhất với con người, không chỉ người châu Á mà còn cả châu Âu và các nền văn minh khác.
Hội chợ xuân của bé

Hội chợ xuân của bé

(GLO)- Tết gần kề cũng là lúc hội chợ xuân diễn ra tại nhiều trường Mầm non trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh mong muốn tạo không khí vui tươi, hội chợ xuân còn hướng đến mục đích giáo dục các bé tinh thần sẻ chia với các bạn vùng khó.
Sưu tầm "hàng độc"

Sưu tầm "hàng độc"

(GLO)- Chính niềm đam mê nghệ thuật khoảnh khắc đã khiến một thợ ảnh gắn bó với những chiếc máy ảnh cổ. Có người lại mê mẩn những đường nét đơn giản nhưng tinh tế, đầy thẩm mỹ của gốm và sẵn sàng dành thời gian, công sức, tiền bạc để lặn lội

Xuân về trên ngôi làng Xê Đăng

(GLO)- Từ một ngôi làng nghèo có tiếng, làng Ea Lũh (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah) đang từng ngày thay da, đổi thịt. Cái Tết với họ đã trở nên no ấm, tươm tất hơn khi đã không còn phải chạy ăn từng bữa.
Những chú chó ở Kon Sơ Lăl

Những chú chó ở Kon Sơ Lăl

(GLO)- Không nổi tiếng như chó Phú Quốc hay chó săn của người Mông, nhưng những chú chó săn của người Bahnar trên mảnh đất Tây Nguyên cũng rất khôn lanh, dẻo dai, luôn được chủ nhân coi như người bạn thân thiết.
Mỹ vị Jrai

Mỹ vị Jrai

(GLO)- Chỉ cần nhắc đến muối kiến, bò một nắng hay cà xóc, lá mì, cà đắng, muối cỏ thì bất cứ người nào đã từng thưởng thức qua sẽ cảm thấy dịch vị
Xê dịch... Tết

Xê dịch... Tết

(GLO)- Đi những nơi muốn đi, tận hưởng những điều muốn làm, trải nghiệm phong vị Tết Bắc-Trung-Nam trên dải đất hình chữ S... là lý do mà nhiều người quyết định đón một cái Tết
Cà phê chuyện đời và phố nhỏ

Cà phê chuyện đời và phố nhỏ

(GLO)- Trong hơn 10 năm gắn bó với Pleiku, khi nhìn ngắm phố, tôi thấy phố đổi thay từng ngày; khi chiêm ngắm đời, tôi lại yêu hơn cuộc sống này. Khi sớm mai hay lúc phố lên đèn, tôi luôn muốn được thưởng thức một ly cà phê ấm nồng yêu thương của gia đình, bè bạn.