Xê dịch... Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đi những nơi muốn đi, tận hưởng những điều muốn làm, trải nghiệm phong vị Tết Bắc-Trung-Nam trên dải đất hình chữ S... là lý do mà nhiều người quyết định đón một cái Tết “xê dịch” thay vì ở yên một chỗ.

Ăn tết dọc đường

Người Việt vẫn quan niệm Tết là sum họp, đoàn viên. Nhưng cô gái trẻ Triệu Thị Mai-nhân viên bán hàng ở huyện Chư Sê, lại chọn đón một cái Tết dọc đường thay vì quây quần bên gia đình trong dịp Tết cổ truyền. Đây đã là năm thứ 5 liên tục Mai “xê dịch” trong dịp Tết. Lịch trình trong Tết này của Mai và nhóm bạn khá thú vị khi kết hợp thiện nguyện trong chuyến du hí mùa xuân. Mai cho biết: “Ngày 27 Tết, chúng tôi xuất phát từ TP. Kon Tum theo đường Trường Sơn xuống Quảng Ngãi. Ngày 28 và 29 sẽ làm thiện nguyện tại đây. Còn những ngày sau đó sẽ đi chơi tùy hứng, nhưng theo kế hoạch mùng 2 Tết chúng tôi sẽ ra đảo Lý Sơn để tìm hiểu phong tục đón Tết của người dân trên hòn đảo có bề dày văn hóa này”.

 

Tết này, kiến trúc sư Nguyễn Quang Thuận (bìa phải) sẽ “xê dịch” lên Gia Lai để trải nghiệm phong vị Tết cổ truyền trên cao nguyên. Ảnh: H.N
Tết này, kiến trúc sư Nguyễn Quang Thuận (bìa phải) sẽ “xê dịch” lên Gia Lai để trải nghiệm phong vị Tết cổ truyền trên cao nguyên. Ảnh: H.N

Cách đây 5 năm, khi lần đầu đón Tết dọc đường, Mai thấy vô cùng hạnh phúc khi trải nghiệm phong vị Tết của người dân ở những vùng đất khác nhau trên dải đất hình chữ S, thấy đất nước mình thật giàu có, nhiều phong tục thật đẹp. Mai kể: “Có năm tôi đón Tết ở TP. Hồ Chí Minh, có năm thì ở các tỉnh phía Bắc… Ban đầu, tôi đi chủ yếu để trải nghiệm, nhưng 2 năm nay, chúng tôi kết hợp làm thiện nguyện. Mùa xuân trên những cung đường, cảm nhận sự cho đi sẽ thấy cuộc sống ý nghĩa hơn rất nhiều”.

Mai cho biết thêm, trong hành trình xê dịch của nhóm vào dịp đặc biệt như vậy, họ thường mang theo bánh chưng để tiện đâu cũng có thể “bày” Tết ra. Mai chia sẻ: “Đôi khi đi nhiều mới cảm nhận trọn vẹn phong vị của Tết, mới yêu quý hơn truyền thống văn hóa, phong tục. Hơn nữa, có những bạn bè vì công việc đặc thù không được nghỉ Tết, chúng tôi đến với họ, tổ chức ăn Tết, đơn giản mà ấm cúng để bạn bè không cảm thấy chạnh lòng trong những ngày đầu năm mới. Bản thân mình cũng thấy vui hơn, hạnh phúc hơn”.

Cũng chọn đón Tết dọc đường, nhưng điểm đến của nhóm bạn trẻ Lê Đình Cương (sinh năm 1986) ở xã Ia Pal, huyện Chư Sê lại là vùng đất cực Nam của Tổ quốc. Cương cho biết, từ nhỏ đến lớn, năm nào Cương cũng đón Tết cổ truyền bên gia đình, người thân. Nhưng năm nay, xu hướng xê dịch của nhiều bạn bè đã khiến Cương “nao núng”, muốn làm một chuyến du xuân khác với truyền thống. “Tết thường là sum họp, quây quần bên gia đình, nhưng  năm nay tôi muốn đón năm mới khác với mọi năm. Hơn nữa nhân lúc còn độc thân, tôi muốn tranh thủ đến những địa danh ý nghĩa như cực Nam, cực Bắc của Tổ quốc, mà không có dịp nào thích hợp hơn dịp Tết”.

Làm nông và công tác xã hội ở địa phương nhưng Cương là người rất hay xê dịch. Anh cho biết, dù làm công việc gì cũng cần đi nhiều để tìm hiểu phong tục, văn hóa nhằm làm giàu thêm vốn sống, và Tết luôn là dịp các địa phương thể hiện nét văn hóa đặc trưng nhất. Cương chia sẻ lý do chọn đất mũi Cà Mau trong hành trình du Xuân: “Đây là vùng đất cực Nam của Tổ quốc mà tôi đã có dịp đến nhiều lần, nhưng chưa lần nào chạm được đến điểm cực. Chuyến đi này tôi phải chinh phục bằng được mặc dù hành trình sẽ rất khó khăn, gian khổ. Nhưng đi như vậy để thêm yêu đất nước mình, tự hào về những gì mình đang có. Hơn nữa hành trình đi xe máy của chúng tôi dọc biển, đến được Cà Mau cũng sẽ qua nhiều địa phương khác, đây là cơ hội để chúng tôi trải nghiệm Tết Việt dọc dải đất miền Nam”. Để đảm bảo sự an toàn cho các thành viên khi đi vào đúng dịp Tết, Cương cho biết, nhóm chỉ đi số lượng hạn chế mặc dù có nhiều bạn trẻ muốn tham gia vào hành trình mùa xuân này.

Tết “xê dịch” không chỉ trở thành xu hướng trong giới trẻ, những người độc thân, mà những người có gia đình cũng chọn cách du hành trong mùa xuân để tận hưởng triệt để khoảng thời gian nghỉ Tết.

Du xuân trên cao nguyên

Trong khi nhiều người đi tìm hương vị Tết ở các vùng miền khác nhau trên đất nước thì mùa xuân cao nguyên vẫn có sức hấp dẫn riêng với bạn bè khắp nơi. Tết này, vợ chồng kiến trúc sư Nguyễn Quang Thuận (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) sẽ “phượt” lên Gia Lai bằng xe vespa cổ để tận hưởng trọn vẹn hương sắc mùa xuân trên xứ sở này. Anh Thuận thừa nhận, sau nhiều chuyến du lịch đến Gia Lai, anh đã bị vùng đất này quyến rũ. Anh Thuận chia sẻ: “Gia Lai không quá lạnh như Đà Lạt, cũng không nóng như thành phố Biển Nha Trang, nhiều buôn, làng còn hoang sơ với những nét văn hóa vô cùng độc đáo, hấp dẫn dân phượt chúng tôi. Vợ chồng tôi đã đến Gia Lai nhiều lần, chiêm bái ngôi chùa cổ kính ở Biển Hồ trà, khám phá các dấu ấn núi lửa như Chư Đăng Ya, đỉnh Hàm Rồng… Tới đâu, chúng tôi cũng có những bức ảnh rất đẹp về phong cảnh, con người. Đặc biệt, chúng tôi còn bị hấp dẫn bởi ẩm thực phong phú của người bản địa trong những ngôi làng “dọc đường gió bụi”. Sự đa dạng về văn hóa, những cảnh đẹp tự nhiên hùng vĩ… là điểm cộng rất lớn để chúng tôi quyết định sẽ quay trở lại đây trong mùa xuân mới”.

Anh Thuận cho biết, đi cùng vợ chồng anh lên cao nguyên còn có một nhóm bạn yêu văn hóa Tây Nguyên, coi đây như một chuyến tự thưởng Tết cho bản thân. “Chúng tôi đều khá bận rộn. Bản thân tôi để sắp xếp đi như thế này phải “dành dụm” từng chút thời gian. Cứ 3-4 tháng làm việc không nghỉ, không đi đâu ra khỏi môi trường công việc là tôi lại tự thưởng cho mình một chuyến đi. Hơn nữa, là một kiến trúc sư, đi nhiều để “săn” những bức ảnh đẹp giúp tôi có nhiều ý tưởng mới mẻ hơn cho công việc. Tết là thời gian lý tưởng để vợ chồng tôi gác lại mọi thứ và lên đường, vừa là một chuyến nghỉ ngơi, vừa đi chúc Tết bạn bè anh em khắp các vùng miền”.

Người Việt quan niệm Tết là đoàn viên, sum họp, nhưng ít nhiều quan niệm này cũng trở nên nặng nề với những lễ nghĩa thường tình. Một chuyến đi cũng là cách để được nghỉ ngơi trọn vẹn, đúng với tinh thần “nghỉ Tết”. Kiến trúc sư Quang Thuận chia sẻ: “Cuộc sống càng hiện đại càng nhiều áp lực. Muốn đối mặt, vượt qua áp lực đó, chúng tôi chọn cách xê dịch. Truyền thống Tết vẫn cần được gìn giữ nhưng nên đơn giản hóa đi đôi chút để khi nghĩ về Tết thấy hào hứng, phấn chấn hơn”.

Với kế hoạch đi 3 ngàn km trong Tết này qua các địa phương Gia Lai, Tuy Hòa, Bến Tre, Phú Quốc…, Tết của kiến trúc sư Nguyễn Quang Thuận cũng như của những bạn trẻ đón Tết xê dịch hứa hẹn có nhiều thú vị đang đón đợi.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Con lợn mang ý nghĩa thế nào trong văn hóa các nước?

Con lợn mang ý nghĩa thế nào trong văn hóa các nước?

Lợn biểu trưng cho sự phồn thực, tính dục, sự nhàn nhã sung túc trong văn hóa phương Đông và là một trong những con vật có một mối liên hệ lâu đời nhất với con người, không chỉ người châu Á mà còn cả châu Âu và các nền văn minh khác.
Hội chợ xuân của bé

Hội chợ xuân của bé

(GLO)- Tết gần kề cũng là lúc hội chợ xuân diễn ra tại nhiều trường Mầm non trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh mong muốn tạo không khí vui tươi, hội chợ xuân còn hướng đến mục đích giáo dục các bé tinh thần sẻ chia với các bạn vùng khó.
Sưu tầm "hàng độc"

Sưu tầm "hàng độc"

(GLO)- Chính niềm đam mê nghệ thuật khoảnh khắc đã khiến một thợ ảnh gắn bó với những chiếc máy ảnh cổ. Có người lại mê mẩn những đường nét đơn giản nhưng tinh tế, đầy thẩm mỹ của gốm và sẵn sàng dành thời gian, công sức, tiền bạc để lặn lội
Xuân về trên ngôi làng Xê Đăng

Xuân về trên ngôi làng Xê Đăng

(GLO)- Từ một ngôi làng nghèo có tiếng, làng Ea Lũh (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah) đang từng ngày thay da, đổi thịt. Cái Tết với họ đã trở nên no ấm, tươm tất hơn khi đã không còn phải chạy ăn từng bữa.
Những chú chó ở Kon Sơ Lăl

Những chú chó ở Kon Sơ Lăl

(GLO)- Không nổi tiếng như chó Phú Quốc hay chó săn của người Mông, nhưng những chú chó săn của người Bahnar trên mảnh đất Tây Nguyên cũng rất khôn lanh, dẻo dai, luôn được chủ nhân coi như người bạn thân thiết.
Mỹ vị Jrai

Mỹ vị Jrai

(GLO)- Chỉ cần nhắc đến muối kiến, bò một nắng hay cà xóc, lá mì, cà đắng, muối cỏ thì bất cứ người nào đã từng thưởng thức qua sẽ cảm thấy dịch vị
Cà phê chuyện đời và phố nhỏ

Cà phê chuyện đời và phố nhỏ

(GLO)- Trong hơn 10 năm gắn bó với Pleiku, khi nhìn ngắm phố, tôi thấy phố đổi thay từng ngày; khi chiêm ngắm đời, tôi lại yêu hơn cuộc sống này. Khi sớm mai hay lúc phố lên đèn, tôi luôn muốn được thưởng thức một ly cà phê ấm nồng yêu thương của gia đình, bè bạn.