"Dân số và phát triển vì sự phồn vinh của đất nước"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Đó là chủ đề của Tháng Hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam (26-12) năm nay, qua đó tăng cường giải pháp, triển khai các hoạt động truyền thông, vận động cộng đồng chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển trong tình hình mới.

 

Dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) là một trong những chính sách quan trọng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe, hạnh phúc của người dân. Ông Lê Ngọc Lân-Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Gia Lai-cho biết: Sau khi cơ quan dân số sáp nhập về các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, hiệu quả các dự án, đề án, mô hình, chương trình mục tiêu quốc gia về DS-KHHGĐ đã được nâng lên rõ rệt. Trong đó, các dự án: sàng lọc trước sinh và sơ sinh; giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi... thường xuyên được các ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm. Mức giảm sinh bình quân hàng năm vẫn giữ 0,6%o là một thành công. Tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 72%/năm; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 21%. Dân số toàn tỉnh là 1,478 triệu người, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 2,38 con...

 Phụ nữ xã Kông Yang (huyện Kông Chro) đăng ký kiểm tra sức khỏe sinh sản tại trạm y tế xã. Ảnh: Đ.Y
Phụ nữ xã Kông Yang (huyện Kông Chro) đăng ký kiểm tra sức khỏe sinh sản tại trạm y tế xã. Ảnh: Đ.Y



Kông Chro là đơn vị luôn dẫn đầu về mức giảm sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại tính đến cuối năm 2019. Bà Phan Trần Hiền-Trưởng phòng Dân số (Trung tâm Y tế huyện Kông Chro) cho hay: Phòng đã tăng cường công tác truyền thông, thực hiện chiến dịch lồng ghép dịch vụ sức khỏe sinh sản-KHHGĐ dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi, pa nô, truyền thông xe loa; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân số, cộng tác viên dân số... Ngoài ra, hàng tháng, Phòng còn phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo triển khai, duy trì các mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản-KHHGĐ tuổi vị thành niên, thanh niên, đưa nội dung giáo dục sức khỏe sinh sản-KHHGĐ vào chương trình giáo dục của các trường THCS và THPT. Bên cạnh đó, phối hợp các hội, đoàn thể tuyên truyền về công tác DS-KHHGĐ tới hội viên.

Chư Prông cũng là huyện được đánh giá có nhiều giải pháp tích cực trong việc triển khai công tác dân số. Theo bà Phạm Thị Nhàn-Trưởng phòng Dân số (Trung tâm Y tế huyện Chư Prông), đưa chính sách DS-KHHGĐ đến với người dân là một quá trình lâu dài. Khi ngành Dân số sáp nhập vào ngành Y tế, việc triển khai bước đầu có những lúng túng nhưng được sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ kinh phí kịp thời nên dần ổn định. Hiện tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 72%, tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm còn 20%.

8 năm làm cộng tác viên dân số, bà Đỗ Thị Hoa (tổ 9, phường Ia Kring, TP. Pleiku) luôn dành thời gian tuyên truyền, vận động người dân trong tổ thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, bà Hoa “đi từng ngõ, gõ từng nhà” khuyên nhủ chị em phụ nữ và các gia đình thực hiện chính sách dân số. “Tôi chọn gia đình đông con (3-4 con trở lên), còn trong độ tuổi sinh đẻ, hoàn cảnh khó khăn để tiếp cận tuyên truyền. Lúc đầu, nhiều người ngại không muốn tiếp xúc, chia sẻ, song dần dần chị em cũng nghe ra”-bà Hoa chia sẻ. Đến nay, nhiều gia đình trẻ trong tổ dân phố quyết định chỉ sinh 1-2 con. Năm 2019, tổ 9 không có cặp vợ chồng nào sinh con thứ 3.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác DS-KHHGĐ ở tỉnh ta vẫn đứng trước những khó khăn, thách thức như: tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh có chiều hướng gia tăng (115 nam/100 nữ); chỉ tiêu về sàng lọc trước sinh chưa đạt kế hoạch; việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người cao tuổi ở cộng đồng chưa được triển khai sâu rộng; công tác tiếp thị, xã hội hóa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và cung cấp phương tiện tránh thai còn hạn chế; tổ chức bộ máy làm công tác dân số từ ngày sáp nhập đến nay vẫn chưa ổn định...

Trao đổi với P.V, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia về dân số và Ngày dân số Việt Nam (26-12), ngành Dân số sẽ triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền tại các địa phương trong tỉnh, huy động sự vào cuộc của các ban ngành, đoàn thể và toàn xã hội. Tập trung tuyên truyền các nội dung về sức khỏe sinh sản, tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân; tổ chức tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh cho các cặp vợ chồng trẻ, các gia đình trẻ... Chi cục cũng sẽ chỉ đạo các Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động nhân Tháng Hành động nhằm huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong thực hiện công tác DS-KHHGĐ. “Phấn đấu đến cuối năm 2020, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm còn 20%; tỷ số giới tính khi sinh giảm còn 108 nam/100 nữ; tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai đạt 73%”-ông Lân cho biết thêm.

Uyên Nguyên

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

Trong báo cáo đánh giá tác động dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế cho biết dự luật sẽ không quy định số con đối với mỗi cặp vợ chồng mà trao quyền quyết định cho mỗi gia đình, gắn với trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.