Đắk Nông: Mời chuyên gia "cứu" hồ tiêu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 2.100 ha hồ tiêu nhiễm bệnh, trong đó, 425 ha đã chết hoàn toàn.
Diện tích hồ tiêu bị nhiễm bệnh, chết xảy ra hầu hết ở địa bàn các huyện, như: Đắk Song, Tuy Đức, Đắk R’lấp... Chỉ tính riêng huyện Đắk Song -“thủ phủ” hồ tiêu của tỉnh Đắk Nông - hiện đã có khoảng 1.700 ha nhiễm bệnh, trong đó, 210 ha đã bị chết hoàn toàn.
 
Tiêu chết khô – người chết đứng ở “thủ phủ” hồ tiêu Đắk Song (Ảnh: VH)
Theo ông Yên, qua kiểm tra thực tế, hầu hết diện tích hồ tiêu bị nhiễm bệnh và bị chết đều trồng trên các vùng bị úng nước. Một số diện tích được trồng tại vùng thổ nhưỡng, khí hậu không phù hợp với cây hồ tiêu. Một số diện tích khác nhiễm bệnh là do sử dụng các trụ chết mua ở các tỉnh khác về.
Trước tình trạng diện tích hồ tiêu bị nhiễm bệnh, chết hàng loạt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông đã tổng hợp, báo cáo tình hình lên UBND tỉnh. Đồng thời,tham mưu UBND tỉnh đề nghị các ngân hàng thương mại giãn nợ, gia hạn nợ đối với một số hộ dân vay vốn để đầu tư vào hồ tiêu nhưng gặp rủi ro, chưa có khả năng thanh toán nợ.
 
Ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông sẽ mời các chuyên gia đầu ngành để nghiên cứu, phân tích, đánh giá, tìm cách “cứu” cây hồ tiêu (Ảnh: VH)
“Trong tháng 11/2018, đơn vị sẽ tổ chức hội thảo để mời các chuyên gia đầu ngành, các doanh nghiệp chuyên về hồ tiêu trong cả nước, để nghiên cứu, phân tích,đánh giá vàtìm cách “cứu” cây hồ tiêu”, người đứng đầu ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông, cho biết thêm.
Trước đó, Doanh nghiệp Việt Nam đã có bài viết: Đắk Nông: “Tiêu điều” thủ phủ hồ tiêu, phản ánh tình trạng tiêu chết hàng loạt khiến hàng trăm hộ dân ở “thủ phủ” hồ tiêu Đắk Song rơi vào thảm cảnh nợ nần chồng chất, mất kế sinh nhai, nguy cơ tái nghèo hiện hữu, rất cần sự quan tâm, "hà hơi tiếp sức" của ngành chức năng địa phương.
Viên Hữu (DNVN)

Có thể bạn quan tâm