Cùng hành động để ngăn bạo lực học đường - Kỳ 1

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

LTS: Từ ngày 23.3 - 5.5, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ học sinh THCS bị hành hung, đánh hội đồng; tiếp tục báo động về việc học sinh dùng bạo lực để giải quyết các bất đồng, mâu thuẫn nói riêng và tình trạng bạo lực học đường nói chung. Ðể có cái nhìn toàn diện về thực trạng này và đề xuất những giải pháp bền vững, Báo Bình Ðịnh giới thiệu đến bạn đọc loạt bài 2 kỳ “Cùng hành động để ngăn bạo lực học đường”.

Kỳ 1: Con trẻ âm thầm chịu đựng, người lớn muốn che đậy

Xuất phát từ nhiều nguyên nhân, song điểm chung của 4 vụ việc vừa qua là do bất đồng, mâu thuẫn giữa các em đã không được nhà trường lẫn gia đình phát hiện, ngăn chặn kịp thời, dẫn tới các hành vi bạo lực nghiêm trọng. Ðiều đáng lo ngại hơn, các nạn nhân cố giấu giếm, cắn răng chịu đựng.

“Con xin mẹ đừng làm lớn chuyện”

Đây là lời khẩn cầu qua điện thoại của cô bé T.A.M. (lớp 8A3 Trường THCS Nhơn Hạnh) sau khi bị N.K.L. (lớp 11A1 Trường THPT Hòa Bình, cùng ở TX An Nhơn) đánh đập trưa 16.4 trong một quán ăn trước ngôi trường M. đang học.

Em T.A.M. (người ngồi, lớp 8A3 Trường THCS Nhơn Hạnh,TX An Nhơn) bị nữ sinh lớp 11 Trường THPT Hòa Bình hành hung tại quán ăn vào trưa 16.4. Ảnh chụp từ clip

Em T.A.M. (người ngồi, lớp 8A3 Trường THCS Nhơn Hạnh,TX An Nhơn) bị nữ sinh lớp 11 Trường THPT Hòa Bình hành hung tại quán ăn vào trưa 16.4. Ảnh chụp từ clip

Chị T.T.M.L. (mẹ em M.) cho biết, vào chiều muộn ngày 16.4, chị đang làm việc ở huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) thì nhận được điện thoại của bà ngoại em M., kể rằng một bạn học cùng lớp vừa đến nhà thuật lại việc M. bị hành hung, nhưng bà hỏi thế nào M. cũng không chịu nói.

“Ban đầu M. chẳng những không kể mà còn năn nỉ tôi giữ im lặng cho qua chuyện, bởi sợ gây ồn ào thì cháu sẽ tiếp tục bị N.K.L. đánh đập. Cho đến lúc đó, cháu vẫn không tin là tôi có thể bảo vệ được cháu”, chị L. uất nghẹn.

Tức tốc chạy xe máy vượt hơn 60 cây số về nhà ngay trong đêm để làm rõ sự việc, nhưng điều mà người mẹ này nhận được sau đó là thái độ dửng dưng của gia đình nữ sinh đã đánh con mình. Chị càng sốc hơn khi hôm sau tới quán ăn nơi M. bị đánh, được xem clip ghi lại diễn biến vụ việc. Vội vã đưa con đi khám, chị nhận được thông báo M. bị “chấn động não”. Đây cũng chính là lý do khiến người mẹ quyết định công khai clip, yêu cầu các cơ quan chức năng làm sáng tỏ mọi việc.

“Năm M. học lớp 6 đã chứng kiến N.K.L. (khi đó học lớp 9) đánh nhau với các học sinh nam trong trường, nên vừa rồi bị L. đánh, cháu càng khiếp sợ. Hôm M. nằm viện, L. đi cùng người thân đến thăm, M. vừa thấy L. thì òa khóc, chạy trốn trong nhà vệ sinh. Giờ điều mà tôi sợ nhất là con gái bị tổn thương tinh thần và sự việc sẽ tái diễn”, chị L. nói trong lo lắng.

Trước sự việc học sinh trường mình hành xử thô bạo với cô bé bằng tuổi em gái, ông Huỳnh Ngọc Mai, Hiệu trưởng Trường THPT Hòa Bình, cho biết bản thân rất bức xúc, dù biết rằng vào năm học lớp 10, em N.K.L. từng có hành vi gây gổ với bạn. “Những vụ việc học sinh bạo lực như thế này vượt ngoài sức chịu đựng của tôi”, ông Mai bày tỏ đau xót.

Ám ảnh của con, cú sốc của mẹ

Không riêng gì M., em N.P.K.V. (ở xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước; học sinh lớp 8A3, Trường THCS phường Bình Định, TX An Nhơn) sau khi bị 2 nữ sinh đánh đập thô bạo ngày 23.3 tại khu vực gần chợ An Nhơn mới (thuộc phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn) cũng đã chọn cách giấu kín mọi việc.

Phải 3 tuần sau ngày V. bị hành hung, gia đình em mới biết chuyện, khi chị gái V. vô tình nhìn thấy clip sự việc đăng trên Facebook. Lúc bấy giờ, biết không thể giấu được nữa, V. thừa nhận mình bị đánh đập.

Chị T.T.L. (mẹ em V.) lúc bấy giờ mới nhớ lại, vào thời điểm tối 23.3, V. đã có những biểu hiện lạ như đỏ một bên mắt, nhức đầu, đau bụng, ói mửa, hay giật mình khi ai đó gọi tên. “Vợ chồng tôi nghĩ con gái mệt do chơi thể thao và thời tiết nắng gắt nên chỉ mua thuốc cho uống. Sau này xem clip, tôi rụng rời tay chân, tự trách mình không phát hiện ra ngay từ đầu. Đây như cú sốc đầu đời của tôi luôn chứ không phải của riêng con nữa”, chị L. bật khóc.

Theo như V. tâm sự, em đã tự đấu tranh tư tưởng rất nhiều về việc kể hay không kể với gia đình. Không ít lần, V. lấy hết can đảm nhưng chỉ gọi được 2 tiếng “Mẹ ơi” rồi lại ngập ngừng, lảng sang chuyện khác. Sâu thẳm trong em là rất nhiều nỗi sợ, sợ mẹ la, sợ mẹ biết chuyện sẽ suy sụp, sợ lại tiếp tục bị đánh. Ao ước cảm giác an toàn, có những ngày V. lấy cớ xe đạp điện hết bình để nhờ mẹ đưa đến trường.

Trường hợp của em N.T.T.H. (học sinh lớp 7 Trường THCS Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ), nạn nhân trong vụ việc xảy ra trưa 12.4 ở khu vực chân cầu Đề Gi, thị trấn Cát Khánh (huyện Phù Cát) cũng tương tự.

Em N.T.T.H. (lớp 7, Trường THCS Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ) bị 1 bạn nữ dùng mũ bảo điểm đập mạnh vào đầu, nằm co ro trên đường. Ảnh chụp từ clip

Em N.T.T.H. (lớp 7, Trường THCS Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ) bị 1 bạn nữ dùng mũ bảo điểm đập mạnh vào đầu, nằm co ro trên đường.  Ảnh chụp từ clip

Chị T.T.T.T. (mẹ em H.) kể phải đến ngày hôm sau (13.4), khi clip ghi lại việc H. bị đánh đập đăng lên mạng xã hội thì gia đình mới biết được sự việc. Bị gặng hỏi nhiều lần, H. mới thú nhận mình chính là nạn nhân. Bị đập mũ bảo hiểm vào đầu, giẫm đạp vào thân thể, H. được chẩn đoán bị đa chấn thương. Cho đến giờ, mỗi lần có người nhắc lại sự việc em vẫn còn hoảng sợ.

Em L.Đ.K. (lớp 8A4, Trường THCS Phước Hưng, huyện Tuy Phước), nạn nhân trong vụ bạo lực gần đây nhất xảy ra vào ngày 5.5, thậm chí cắn răng chịu đựng dù trải qua 2 lần bị hành hung. Mẹ em K. cho biết, chỉ đến khi không chịu đựng nổi cơn đau hành hạ, K. mới chịu kể lại sự việc. Thế nhưng lúc bấy giờ, K. van xin cha mẹ đừng báo cáo sự việc với nhà trường vì sợ bị trả thù.

Cả 4 vụ việc trên đều có điểm chung là các hành vi bạo lực được thực hiện có tổ chức, với sự chuẩn bị, tính toán về thời gian, địa điểm. Trong đó, trường hợp của em N.P.K.V. được xem là có mức độ nghiêm trọng nhất, khi nhóm học sinh nữ không chỉ đánh đập thô bạo mà còn quay lại clip sau đó tung lên mạng xã hội.

Trong câu chuyện của mình, cả 4 người mẹ đều day dứt vì đã không phát hiện sự việc từ sớm để ngăn chặn kịp thời. Thiếu sự quan tâm, chia sẻ, đồng hành từ gia đình cũng là điểm chung của cả 4 học sinh bị hành hung. Đã vậy, khi sự việc xảy ra, các phụ huynh thường có tâm lý muốn thương lượng, thỏa hiệp cho qua chuyện, dù họ ý thức được rằng nếu không được làm sáng tỏ và có biện pháp đủ sức răn đe thì sự việc có thể tái diễn.

Cụ thể, ở cả 2 trường hợp nữ sinh bị tấn công ở TX An Nhơn, ngay từ đầu gia đình nạn nhân đã có ý định giải quyết mọi việc trong im lặng. Sở dĩ sau đó thông tin được công khai trên mạng xã hội là bởi phía gia đình nạn nhân sau thời gian chờ đợi đã không nhận được lời xin lỗi chân thành từ gia đình phía bên kia.

Chủ quan hay muốn che đậy?

Đáng ngạc nhiên là một lãnh đạo nhà trường liên quan đến 2 vụ bạo lực học đường lại tỏ ra khá dửng dưng: “Nói chung cũng không có gì, không ảnh hưởng gì lắm”.

“Hai em này mâu thuẫn, lúc đi học về thì lao vào đánh nhau”, vị lãnh đạo trường học này xác nhận và cho biết đây là nguyên nhân dẫn tới việc em T.A.M. bị N.K.L. hành hung. Không chỉ vậy, người này còn cho rằng có phần “lỗi” của nữ sinh bị hành hung vì đã đến địa điểm “đối phương” hẹn để rồi bị đánh.

Đây có lẽ chỉ là góc nhìn cá nhân, không phải tiếng nói đại diện cho tập thể nhà trường, càng không phải quan điểm của ngành giáo dục địa phương. Nhưng có khi nào, vì sự lạnh lùng (nếu không muốn nói là vô cảm) này mà em M. đã không còn niềm tin vào nhà trường lẫn phụ huynh.

Trả lời cho câu hỏi vì sao ở vụ việc em N.P.K.V. bị hành hung chiều 23.3, nhà trường không chủ động yêu cầu cơ quan CA vào cuộc xác minh ngay từ đầu mà lại đề nghị phụ huynh hai bên thương lượng, giảng hòa, ông Đặng Văn Lượng, Hiệu trưởng Trường THCS phường Bình Định, thừa nhận nhà trường đã chủ quan, không nghĩ vụ việc lại nghiêm trọng đến như vậy, cho đến khi xem được clip diễn biến.

Ưu tiên xử lý nội bộ, một số trường dường như cũng muốn che giấu các hành vi bạo lực khi không hề báo cáo sự việc lên cấp trên, cho đến khi được yêu cầu. Trao đổi về vấn đề này, ông Trương Đình Phương, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng GD&ĐT TX An Nhơn, cho rằng không loại trừ khả năng các trường muốn “ém nhẹm” vụ việc để tránh ảnh hưởng đến thành tích.       

HỒ ĐIỆP - AN VŨ

• Kỳ 2: Phòng ngừa bạo lực - hành trình cần nhiều bền bỉ

Có thể bạn quan tâm

Dân khốn khổ vì đường ngập như… sông

Dân khốn khổ vì đường ngập như… sông

(GLO)- Thường xuyên ngập sâu mỗi khi mưa lớn, đường Phó Đức Chính (thuộc thôn 3, xã Biển Hồ) khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Đây là tuyến đường có lưu lượng phương tiện qua lại khá đông, nhưng tình trạng ngập úng kéo dài vẫn chưa được khắc phục.

Thi công cao tốc gây nứt nhà: Người dân mòn mỏi đợi bồi thường suốt 2 năm

Thi công cao tốc gây nứt nhà: Người dân mòn mỏi đợi bồi thường suốt 2 năm

(GLO) – Hơn 40 hộ dân tại phường Bồng Sơn và xã Hoài Ân (tỉnh Gia Lai) phản ánh tình trạng nhà cửa bị nứt nẻ, hư hỏng do thi công tuyến cao tốc Bắc - Nam và các công trình liên quan. Dù đã kiến nghị suốt 2 năm qua, đến nay việc bồi thường, hỗ trợ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Cấp sổ đỏ lần đầu ngay tại xã, phường: Bước đột phá trong cải cách hành chính

Cấp sổ đỏ lần đầu ngay tại xã, phường: Bước đột phá trong cải cách hành chính

(GLO)- Từ ngày 1-7, UBND cấp xã sẽ thực hiện cấp sổ đỏ lần đầu cho cá nhân, hộ gia đình. Đây được xem là bước đột phá trong cải cách hành chính. Không chỉ là sự nỗ lực nhằm cụ thể hóa chủ trương xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, quy định này còn thể hiện rõ nét mục tiêu “vì dân phục vụ”.

Kbang: Nam thanh niên đuối nước khi đi tắm tại lòng hồ

Gia Lai: Tìm thấy thi thể nam thanh niên đuối nước tại lòng hồ Thủy điện An Khê-Ka Nak

(GLO)- Thiếu tá Phùng Văn-Phó Trưởng Công an xã Kbang (tỉnh Gia Lai) cho biết: Khoảng 7 giờ 40 phút ngày 10-7, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH khu vực An Khê và Công an xã Kbang đã vớt được thi thể em L.Đ.T. (SN 2007, trú tại tổ 3, xã Kbang) bị đuối nước tại khu vực lòng hồ Thủy điện An Khê-Ka Nak.

Giải tỏa nỗi lo tự sản tự tiêu

Giải tỏa nỗi lo tự sản tự tiêu

(GLO)- Gần đây, hàng loạt vụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ bị phanh phui và xử lý. Tuy nhiên, củng cố niềm tin người tiêu dùng vào hàng hóa và sản phẩm, dịch vụ hiện nay vẫn là thách thức rất lớn.  

null