Theo Viện Y dược học dân tộc TPHCM, củ sâm đất còn có tên gọi khác là Yacon hay Hoàng Sin Cô, dân gian còn gọi là khoai sâm vì củ giống khoai lang.
Củ sâm đất: Thực phẩm hỗ trợ một số bệnh lý. Ảnh: Hạ Mây |
Loại cây này có hai nguồn gốc xuất xứ, ở vùng Trung Mỹ, nó được coi như một loại thực phẩm từ rất lâu. Còn ở Việt Nam, cây này được du nhập từ vùng Tân Cương, Trung Quốc với tên Hoàng Sin Cô.
Củ sâm đất khá bổ dưỡng, có nhiều công trình nghiên cứu về hiệu quả sử dụng của cây này nhưng công dụng thật sự đang bị "thần thánh" hóa.
Củ sâm đất khá bổ dưỡng. Ảnh: Hạ Mây |
Củ sâm đất chứa nhiều chất fructooligosaccharide, gọi tắt là FOS. Dưỡng chất này có lợi cho sức khỏe với 3 công dụng chính.
Hỗ trợ điều trị bệnh ung thư đại tràng
Dưỡng chất này điều chỉnh được hệ thống vi khuẩn ở trong đường ruột, từ đó tăng cường hệ miễn dịch.
Hệ thống đường ruột của con người có rất nhiều vi khuẩn. Những vi khuẩn này cung cấp một số chất miễn dịch và hỗ trợ tiêu hóa.
Sau khi chúng ta sử dụng các loại kháng sinh, ngoài việc diệt được vi khuẩn bệnh lý thì cũng diệt luôn các vi khuẩn đường ruột có lợi.
Vì vậy đa phần chúng ta sẽ bị rối loạn tiêu hóa sau khi sử dụng kháng sinh.
Tác dụng hạ đường huyết
Củ sâm đất có tác dụng hạ đường huyết khá rõ rệt trên thực nghiệm cũng như trên lâm sàng, hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường.
Liên quan đến bệnh lý béo phì
Loại củ này làm cho cơ thể mau no, đẩy nhanh quá trình bài tiết ra ngoài vì nó tăng nhu động ruột. Tác dụng phụ của nó gây rối loạn tiêu hóa, bệnh nhân dễ bị tiêu chảy…
Các bác sĩ cũng đưa ra lời khuyên, nên sử dụng củ này càng sớm thì khả năng hấp thụ dinh dưỡng càng tốt, không nên nghe theo quảng cáo trên mạng rằng khoai sâm có thể để lâu được 3- 4 tháng.
Khi chúng ta bị các bệnh lý như ung thư đại tràng, bệnh lý đái tháo đường hay béo phì thì tốt nhất vẫn nên có các bác sĩ khám và tư vấn để đưa ra một chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng như một phương pháp điều trị hợp lý, bản thân cây sâm đất chỉ mang tính chất hỗ trợ điều trị.
HẠ MÂY (LĐO)