CP HAG,DLG và QCG của 3 đại gia Phố núi 'đi về nơi xa lắm'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhìn vào thị giá giao dịch dưới mệnh giá của những QCG, HAG hay DLG như hiện nay, ít ai nghĩ rằng cổ phiếu của ba doanh nghiệp nghìn tỷ này đã từng có thời điểm giao dịch với thị giá hàng chục nghìn đồng trong quá khứ.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Xuất hiện trên thị trường chứng khoán từ khá sớm, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG), Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã QCG) và Công ty Cổ phần Tập đoàn DLG (mã DLG) là 3 doanh nghiệp lớn, hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau như: nông, lâm nghiệp, bất động sản, cơ sở hạ tầng, năng lượng… Tuy nhiên, những năm gần đây cổ phiếu của cả 3 doanh nghiệp này thường xuyên giao dịch với thị giá thấp dưới mệnh giá.
Trong khi cổ phiếu HAG của “ông bầu” Đoàn Nguyên Đức đã gần 2 năm trở lại đây luôn giao dịch với thị giá dưới mệnh giá, đặc biệt có thời điểm giảm xuống dưới 5.000 đồng/cổ phiếu. Ngày giao dịch 26/6/2018, cổ phiếu HAG tăng 4,8% đóng cửa ở mức giá 5.070 đồng/cổ phiếu, vốn hóa thị trường đạt 4.700 tỷ đồng.
Cổ phiếu DLG của CTCP Tập đoàn DLG cũng đã không ngoi lên nổi mệnh giá từ thời điểm tháng 3/2015. Thậm chí giá một cổ phiếu DLG hiện nay còn chưa bằng giá một cốc trà đá ở các đô thị. Kết phiên 26/6, DLG đóng cửa ở mức 2.930 đồng/cổ phiếu, vốn hóa thị trường vỏn vẹn 835 tỷ đồng.
Nếu chỉ nhìn vào bảng điện tử, có lẽ cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai là khả quan nhất. Sau một thời gian dài chật vật dưới mệnh giá, thậm chí có thời điểm xuống dưới 3.000 đông/cổ phiếu, đợt “dậy sóng” năm 2017 khiến giá cổ phiếu QCG tăng gần 7 lần, trở thành một trong những cổ phiếu có mức tăng giá cao nhất năm. Hiện nay, QCG đang giao dịch với mức giá 9.000 đồng/cổ phiếu, vốn hóa thị trường đạt 2.476 tỷ đồng.
Nhìn lại thời kỳ vàng son, cổ phiếu của 3 "đại gia Phố núi" này còn giao dịch với thị giá hàng chục nghìn đồng. QCG khi mới lên sàn cuối năm 2010 thường xuyên giao dịch quanh mức giá 25.000-30.000 đồng/cổ phiếu. DLG cũng gần đạt đỉnh 25.000 đồng/cổ phiếu hồi cuối năm 2011 và có khoảng 1 năm giao dịch quanh mức giá 20.000 đồng/cổ phiếu. Đặc biệt, HAG từng giao dịch với mức giá gần 40.000 đồng/cổ phiếu trong giai đoạn 2009-2011.
Thời điểm đó, các cổ phiếu này giúp các ông chủ doanh nghiệp trở thành các tỷ phú giàu có, đặc biệt với 6.160 tỷ đồng cổ phiếu HAG thời điểm năm 2009, bầu Đức trở thành người giàu nhất thị trường chứng khoán. Tậu máy bay, lấn sân sang làm bóng đá, bầu Đức xuất hiện dày đặc trên các mặt báo như là một hình mẫu về doanh nhân táo bạo, dám nghĩ dám làm. Tuy nhiên ông cũng vướng không ít lùm xùm quanh những phát ngôn bị cho là “nổ” cả trong kinh doanh lẫn bóng đá.
 Một trong những phát ngôn “gây sốc” của bầu Đức
Một trong những phát ngôn “gây sốc” của bầu Đức
Giá cổ phiếu chật vật ở mức thấp trong khoảng thời gian dài không chỉ phản ánh tác động khách quan của cung cầu thị trường còn có phản ánh những vấn đề còn nội tại của doanh nghiệp.
Với Hoàng Anh Gia Lai, vấn đề nằm ở tình trạng mất cân đối vốn, nợ quá nhiều dù cuối 2016, doanh nghiệp đã tái cơ cấu khoản nợ và được lùi các khoản nợ và khoản lãi với các thời gian khác nhau từ 3, 5 đến 10 năm. Tính đến hết năm 2017, HAG đang phải gánh trên vai gần 23.000 tỷ đồng nợ vay, trong đó 2.528 tỷ đồng ngắn hạn và 20.296 tỷ đồng trung, dài hạn. Lãi vay bình quân hàng năm đạt 1.300 tỷ và đang giảm dần theo đà giảm nợ gốc.
Báo cáo tài chính năm 2017, công ty kiểm toán đã có lưu ý nợ ngắn hạn của HAG vượt tài sản ngắn hạn 3.563 tỷ đồng dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục. Trong quý I/2018, Hoàng Anh Gia Lai đã hoán đổi thành công 1.197 tỷ đồng nợ ngắn hạn thành cổ phiếu và đã thỏa thuận được với các ngân hàng để gia hạn thời gian trả nợ. Song tính đến ngày 31/3/2018, tổng nợ ngắn hạn (12.378 tỷ) vẫn vượt tài sản ngắn hạn của HAGL (8.815 tỷ đồng).
Tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra chiều ngày 23/6/2018 mới đây, CTCP Hoàng Anh Gia Lai trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với 6.217 tỷ đồng doanh thu thuần và 2.766 tỷ đồng lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh chính, tăng trưởng lần lượt là 28% và 60% so với năm 2017. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 200 tỷ đồng chỉ bằng 46,5% so với năm ngoái.
Với Quốc Cường Gia Lai, đối mặt với năm thứ 7 liên tiếp không “về đích” do một số dự án đã bàn giao không đúng kế hoạch như dự án Marina và một số dự án do chuyển đổi công năng loại hình, thủ tục pháp lý quá chậm nên kế hoạch kinh doanh bị ảnh hưởng. Đồng thời việc chưa đủ điều kiện chuyển nhượng dự án Phước Kiển cho đối tác cũng ảnh hưởng tới kế hoạch tài chính của doanh nghiệp.
Đặc thù của hoạt động kinh doanh bất động sản có chu kỳ sản xuất dài trong khi 65% doanh thu thuần của QCG đến từ lĩnh vực này. Kết quả kinh doanh hàng năm đến từ các dự án giao nhà cho khách ghi nhận kết quả doanh thu và lợi nhuận. Năm 2018 chỉ giao nhà cho khách tại 2 dự án Marina và Da Capella.
Tổng doanh thu dự kiến đạt 1.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 320 tỷ đồng. So với kết quả năm 2017 thì kế hoạch lãi trước thuế năm 2018 chỉ bằng 63% trong khi kế hoạch doanh thu tăng 39,5%. Tính đến hết quý I năm 2018, Quốc Cường Gia Lai đã đạt được 351 tỷ đồng doanh thu và 46 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt hoàn thành 19,5% và 14,4% kế hoạch cả năm.
Với Đức Long Gia Lai, lại là câu chuyện vay nợ quá nhiều dù chưa tới mức nợ tràn lan như Hoàng Anh Gia Lai. Tính đến hết năm 2017, DLG cũng đang phải gánh hơn 3.924 tỷ đồng nợ vay, tương đương 47% tổng tài sản, trong đó có 743 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 3.181 tỷ đồng nợ dài hạn. Chi phí lãi vay riêng trong năm 2017 lên đến hơn 350 tỷ đồng, chiếm 12% doanh thu của doanh nghiệp.
Tại ĐHĐCĐ thường niên ngày 23/6/2018 vừa qua, Đức Long Gia Lai đã thông qua kế hoạch kinh doanh cho năm 2018 với 3.200 tỷ đồng doanh thu và 140 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến 5% tương đương với năm 2017.
Thật khó để trả lời cho câu hỏi: Làm thế nào để 3 đại gia này có thể giải quyết được triệt để vấn đề nội tại và đưa cổ phiếu trở lại thời kỳ giao dịch vàng son?
Niềm tin của cổ đông có lẽ là điều mà 3 doanh nghiệp này cần nhất hiện giờ như lời phát biểu của ông Đoàn Nguyên Đức tại ĐHĐCĐ Hoàng Anh Gia Lai vừa qua: “Tôi không biết tại sao cổ phiếu HAG cứ thấp, tôi không can thiệp được thị trường. Tôi sẽ làm cho HAGL trở lại, hãy tin tưởng tôi. Còn nếu nói mất thì có lẽ tôi là người mất nhiều nhất. Tôi đang tìm cách đưa HAGL về vị thế cũ cách đây 10 năm".
Thanh Hà (BizLIVE)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.