Công ty Ong mật Gia Lai: Liên kết để phát triển bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu lẫn nội địa, việc xây dựng thương hiệu và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm cho mật ong Gia Lai là vô cùng cần thiết. Thông qua chuỗi liên kết gia tăng giá trị giữa Công ty TNHH Nuôi và Xuất nhập khẩu Ong mật Gia Lai (Công ty Ong mật Gia Lai) với các hộ nông dân từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh về giá cả, chất lượng sản phẩm, mở ra hướng đi bền vững cho ngành ong mật địa phương.   

Với diện tích cây nông nghiệp, cây công nghiệp, rừng trồng, rừng tự nhiên rất lớn mà đa phần đều có khả năng cho mật, phấn hoa như cao su, cà phê, điều, keo, bạch đàn... Gia Lai có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi ong mật. Tận dụng lợi thế đó, nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình đã đầu tư nuôi ong lấy mật. Hiện tại, toàn tỉnh có khoảng 700 hộ nuôi ong chuyên nghiệp hoặc bán chuyên nghiệp với quy mô từ 200 đàn trở lên/hộ, năng suất mật dao động trong khoảng 25-45 kg/đàn/năm. Đáng chú ý, 95% sản lượng mật ong khai thác ở tỉnh ta dành để xuất khẩu, 5% còn lại tiêu thụ tại thị trường nội địa.       

 Công ty TNHH Nuôi và Xuất nhập khẩu Ong mật Gia Lai tích cực tham gia các chương trình kết nối cung cầu để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.
Công ty TNHH Nuôi và Xuất nhập khẩu Ong mật Gia Lai tích cực tham gia các chương trình kết nối cung cầu để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Ảnh: S.C

Nắm bắt cơ hội và tiềm năng phát triển của ngành ong mật, tháng 6-2009, Công ty Ong mật Gia Lai (thôn 1, xã Ia Krai, huyện Ia Grai) đã được thành lập. Công ty hoạt động trong lĩnh vực nuôi ong, liên kết thu mua mật ong, chế biến ra các dòng sản phẩm từ mật ong thiên nhiên như: mật ong hoa cà phê, mật ong cao su, mật ong hoa nhãn, phấn hoa, sữa ong chúa… Là một trong những đơn vị hạt nhân của ngành ong mật, Công ty hiện trực tiếp quản lý hơn 2.000 đàn ong Ý; đồng thời tổ chức liên kết sản xuất, thu mua mật ong với 54 nông hộ trên địa bàn các huyện: Ia Grai, Chư Pah, Đức Cơ, Chư Prông và trên 100 nông hộ tại các địa phương khác với quy mô xấp xỉ 40.000 đàn ong. Công ty cũng liên doanh với một doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh để xuất khẩu mật ong sang thị trường Mỹ với sản lượng bình quân 300-500 tấn/năm; xây dựng mạng lưới phân phối đưa sản phẩm mật ong hoa cà phê ra thị trường các tỉnh, thành phố như: Đà Nẵng, Hà Nội, Quảng Bình, Hải Dương, Phú Yên… Đặc biệt, mới đây, sản phẩm mật ong hoa cà phê của Công ty được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Ia Grai chấm tương đương 4 sao. Thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh trong nhiều năm qua, Công ty Ong mật Gia Lai đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành ong mật, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người nuôi ong qua việc tham gia các chương trình, dự án phát triển cộng đồng.

Nếu như thị trường nội địa đánh giá cao sản phẩm mật ong hoa cà phê thì thị trường Mỹ, EU lại ưa chuộng mật ong cao su. Đây cũng chính là 2 nguồn mật mà Gia Lai chiếm lợi thế. Ông Lê Văn Dân-Giám đốc Công ty Ong mật Gia Lai-cho biết: “Nguồn mật ong Gia Lai luôn dồi dào, sản lượng khai thác lớn nhưng chất lượng là vấn đề lớn nhất khi làm hàng xuất khẩu. Theo đó, mật ong xuất khẩu phải đạt các chỉ tiêu như: không nhiễm dư lượng thuốc kháng sinh, lượng đường C4 không vượt quá 0,5 ppb, thủy phần phải đạt 19%... Do đó, sau khi thu mua mật ong, Công ty phải phân lô lấy mẫu, gửi mẫu đi kiểm nghiệm tại phòng lab Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức, nếu đạt tiêu chuẩn thì mới xuất khẩu được”. 

Trước yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, Công ty Ong mật Gia Lai đã không ngừng nỗ lực nghiên cứu, đưa ra thị trường các sản phẩm mật ong thiên nhiên đảm bảo chất lượng trên cơ sở quản lý và giám sát chặt chẽ các công đoạn từ khâu tổ chức sản xuất đến tiêu thụ. Đồng thời, Công ty cũng tham gia Dự án phát triển chuỗi giá trị ong mật xuất khẩu của tỉnh giai đoạn 2019-2020. Trên cơ sở mô hình hoạt động hiện tại, Công ty đi sâu vào việc hỗ trợ thành lập các tổ liên kết với sự tham gia của 54 hộ dân ở huyện Ia Grai và Chư Pah, hỗ trợ 5.400 cầu ong giống để phát triển đàn ong nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng mật; tập huấn nuôi ong theo chuẩn VietGAHP nhằm nâng cao chất lượng đầu vào và truy xuất nguồn gốc. Các hộ này ký kết hợp đồng liên kết với Công ty và sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu…

Một vấn đề đáng lưu ý là mặc dù sản lượng mật ong Gia Lai xuất khẩu chiếm thị phần tương đối lớn nhưng hiện nay đa phần là xuất thô nguyên liệu với giá rất thấp; sản phẩm chế biến sâu từ mật ong mang thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ Gia Lai chưa đa dạng, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Đây chính là rào cản lớn nhất mà ngành ong mật Gia Lai phải vượt qua. Một trở ngại khác là đa phần mật ong có hàm lượng thủy phần trên 20%. Do đó, mật ong thô sau thu mua từ nông trại phải đưa về nhà máy rồi sử dụng trang-thiết bị công nghiệp để thực hiện các công đoạn giảm thủy phần, tinh lọc mật, xét nghiệm chất lượng sản phẩm. Ở giai đoạn này, đương nhiên không thể thiếu vai trò của doanh nghiệp để gia tăng giá trị, chất lượng sản phẩm mật ong.

Theo ông Trịnh Quốc Việt-Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Công ty Ong mật Gia Lai là đơn vị hạt nhân trong ngành nuôi ong của tỉnh. Với bề dày kinh nghiệm và năng lực trong lĩnh vực sản xuất, chế biến mật ong, Công ty được lựa chọn tham gia vào chuỗi phát triển giá trị ong mật, góp phần tinh chế hoàn thiện chất lượng sản phẩm và tiêu thụ một lượng lớn hàng hóa ra thị trường.

 SƠN CA

Ứng dụng Báo Gia Lai đã lên 2 kho ứng dụng:
 - Google Play: http://bit.ly/2PcYBHy
 - App Store: https://apple.co/2W9SmGa

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.