Hợp tác xã Mật ong Phương Di Ia Grai: Nuôi ong chuẩn VietGAP

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO) -Để đưa ra thị trường sản phẩm mật ong đảm bảo uy tín, chất lượng nhất, Hợp tác xã (HTX) Mật ong Phương Di Ia Grai (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, Gia Lai) là đơn vị tiên phong áp dụng chuẩn VietGAP trong quy trình nuôi và khai thác 7.500 đàn ong mật. Đây cũng là bước đi cần thiết nhằm tăng sức cạnh tranh, đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.
Ia Grai là địa bàn có lợi thế tự nhiên để phát triển vùng nguyên liệu ngành nuôi ong mật, khai thác các loại mật ong hoa cà phê, cao su, hoa rừng tự nhiên với sản lượng mật xuất thô ra thị trường ước khoảng 1.000 tấn/năm. Đây cũng là địa bàn khai thác chính của HTX Mật ong Phương Di Ia Grai. Với lợi thế vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng mật khai thác được kiểm soát nghiêm ngặt, vấn đề lớn nhất của HTX là làm thế nào để gia tăng giá trị sản phẩm, khẳng định chất lượng và vị thế riêng trong bối cảnh thị trường mật ong cạnh tranh quyết liệt như hiện nay. “Khi đưa các sản phẩm mật ong Phương Di tham gia các hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại hoặc kết nối cung cầu, câu hỏi chúng tôi thường gặp là sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn nào, chất lượng có gì khác biệt, có hồ sơ chứng nhận chất lượng sản phẩm hay không. Điều này thôi thúc chúng tôi phải tạo sự khác biệt cho sản phẩm, khẳng định được uy tín, chất lượng để mở rộng thị trường nội địa lẫn xuất khẩu”-chị Trần Thị Hoàng Anh-Giám đốc HTX Mật ong Phương Di Ia Grai-khẳng định.
  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên (bìa trái) tham quan gian hàng trưng bày của HTX Mật ong Phương Di  Ia Grai tại một hội nghị xúc tiến thương mại. Ảnh: S.C
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên (bìa trái) tham quan gian hàng trưng bày của HTX Mật ong Phương Di Ia Grai tại một hội nghị xúc tiến thương mại. Ảnh: S.C
Để tạo dựng niềm tin từ đối tác, khách hàng cũng như chứng minh, cam kết về chất lượng, bên cạnh việc đưa các sản phẩm đi kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng từ các trung tâm, đơn vị chức năng uy tín, dán tem QR truy xuất nguồn gốc cho từng sản phẩm, trong tháng 8-2019, HTX Mật ong Phương Di Ia Grai còn là đơn vị tiên phong mời Công ty TNHH Tư vấn chứng nhận và công bố chất lượng VITEST (Đà Nẵng) lên trực tiếp khảo sát, đánh giá vùng sản xuất nguyên liệu nuôi ong; tổ chức đào tạo nhận thức về VietGAP, hướng dẫn ghi chép hồ sơ, lưu trữ hồ sơ, đánh giá nội bộ, tư vấn hoàn thiện quy trình nuôi và khai thác ong mật theo chuẩn VietGAP cho đội ngũ trên 20 thành viên.
Anh Lâm Quốc Sơn-thành viên HTX, người có 6 năm theo nghề nuôi ong-chia sẻ: “Hiện tại, tôi đang quản lý hơn 200 đàn ong. Khi được đào tạo về thực hành nuôi ong theo quy trình VietGAP, tôi được hướng dẫn cụ thể các quy định về dụng cụ, kho bãi, bảo hộ, quy trình nuôi dưỡng, chăm sóc đàn ong, khai thác đàn ong bài bản hơn, khoa học hơn. Thực hành theo quy trình này không khó, ngược lại còn góp phần gia tăng chất lượng và giá trị sản phẩm”.
Dưới góc độ Chi cục Quản lý chất lượng nông-Lâm và thủy sản, ông Lê Huy Toàn-Chi cục trưởng-nhận định: “Chúng tôi đánh giá cao cách làm của HTX Mật ong Phương Di Ia Grai trong việc tích cực phát triển sản phẩm, kết nối cung cầu nhằm phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu riêng cho mật ong. Do đó, Chi cục đã đề xuất Sở Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ đơn vị chi phí đánh giá và cấp giấy chứng nhận quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Đây cũng là một trong 6 đơn vị mà Chi cục đã hỗ trợ kinh phí trong năm nay để xây dựng chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo chuẩn VietGAP. Phải làm được chứng nhận này thì mới tăng sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại, hỗ trợ đơn vị đứng vững trên thị trường”.
 SƠN CA

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.