Công tác cán bộ sau ngày giải phóng tỉnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau ngày giải phóng tỉnh, Tỉnh ủy Gia Lai tăng cường trên 1.000 cán bộ từ các ban ngành của tỉnh, của huyện xuống cơ sở làm công tác vận động quần chúng, ổn định xã hội, tiếp tục xây dựng và củng cố chính quyền quân quản vừa mới được thành lập; đưa các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội vào hoạt động.

Dân số Gia Lai sau ngày giải phóng (17-3-1975) có hơn 300.000 người, trong đó có trên 200.000 người trong vùng vừa mới được giải phóng, gồm thị xã Pleiku, các quận lỵ: Thanh An, Lệ Trung, An Túc (An Khê), Hậu Bổn (tỉnh lỵ tỉnh Phú Bổn cũ) và các quận lỵ Phú Nhơn, Phú Thiện, Phú Túc thuộc tỉnh Phú Bổn. Sau ngày giải phóng tỉnh, tình hình chung còn nhiều khó khăn, phức tạp, bởi hơn 16.000 quân của các đơn vị thuộc Quân đoàn 2-Quân khu 2 và cả các sắc lính địa phương; hàng ngàn nhân viên trong bộ máy chính quyền và các đảng phái phản động của chế độ cũ, ngoài số bị ta tiêu diệt, bắt sống ra, phần lớn tan rã tại chỗ, chưa chịu trình diện chính quyền quân quản, ngoan cố tập hợp lực lượng chống phá ta.

Cùng với đó là hàng trăm ngàn người dân trong các vùng mới giải phóng, đa số là gia đình binh lính, nhân viên ngụy quân, ngụy quyền, người buôn bán, làm dịch vụ phu nông nghiệp, sau giải phóng mất đi các nguồn lợi nên đời sống rất khó khăn. Một bộ phận khác lo sợ Mỹ trở lại, chiến tranh tái diễn. Nhiều gia đình di tản trở về mất hết tài sản, đời sống khó khăn, thiếu thốn. Mặt khác, người dân vùng căn cứ, vùng giải phóng trong 2 cuộc kháng chiến bị địch đánh phá khốc liệt, sau ngày giải phóng, sản xuất chưa kịp khôi phục, nạn đói giáp hạt đe dọa, đời sống rất cơ cực, số đông còn mù chữ, đau ốm bệnh tật thiếu thuốc và thầy thuốc chữa trị.

Lực lượng vũ trang cùng chính quyền địa phương giúp người dân làng Hek (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) di dời nhà ở. Ảnh: P.N

Lực lượng vũ trang cùng chính quyền địa phương giúp người dân làng Hek (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) di dời nhà ở. Ảnh: P.N

Trước tình hình đó, Tỉnh ủy tăng cường trên 1.000 cán bộ từ các ban ngành của tỉnh, huyện xuống cơ sở làm công tác vận động quần chúng, ổn định xã hội, tiếp tục xây dựng và củng cố chính quyền quân quản vừa mới được thành lập; đưa các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội vào hoạt động, tích cực nắm dân, động viên đồng bào các dân tộc vùng mới được giải phóng an tâm tư tưởng, tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, ủng hộ chính quyền mới, tích cực lao động sản xuất; khôi phục các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa. Tuyên truyền, vận động, giáo dục những đối tượng hoạt động trong bộ máy chính quyền và quân đội chế độ cũ còn lẩn trốn, chống phá sớm ra trình diện chính quyền để được khoan hồng.

Trước ngày 30-4-1975, trên chiến trường toàn miền chuyển biến nhanh chóng, thuận lợi cho việc thực hiện chủ trương của Trung ương là giải phóng miền Nam trước mùa mưa năm 1975. Đồng thời với việc huy động sức người, sức của cho Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết về nhiệm vụ cấp bách, trong đó, định hướng công tác trước mắt lúc bấy giờ là ổn định tình hình mọi mặt ở vùng vừa được giải phóng. Lo việc chống đói, chống dịch, một trong những vấn đề như là quy luật của thời hậu chiến. Công tác chỉ đạo sớm ổn định đời sống, tăng gia sản xuất được chú ý kịp thời, đúng mức.

Khi miền Nam giải phóng, không khí dạt dào niềm vui phấn khởi khôn tả của đồng bào cả nước, phong trào thi đua dâng cao, đồng bào các dân tộc khắp các vùng căn cứ cũng như vùng vừa mới được giải phóng đoàn kết, chung sức, đồng lòng hăng say lao động sản xuất, ổn định cuộc sống. Nhiều địa phương, bà con nông dân tích cực khai hoang, phục hóa nhiều diện tích ruộng đất vốn bị bỏ hoang, đưa vào sản xuất lương thực, hàng vạn héc ta lúa, màu được gieo trồng ngay vụ mùa năm 1975. Thi đua cùng với các địa phương vùng đồng bào Kinh, bà con các dân tộc thiểu số vùng căn cứ cũng tích cực đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, cứu đói, cứu đau. Các địa phương như vùng căn cứ các huyện Bắc-Nam An Khê, các huyện biên giới với Campuchia, cấp ủy và chính quyền tích cực vận động bà con bắt tay vào sản xuất, góp phần giải quyết vấn đề lương thực, thực phẩm.

Có những quyết sách của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngay sau ngày giải phóng, mà cho tới ngày nay, khi ngẫm lại chúng tôi càng thấy sự sáng suốt, quyết đoán và quyết tâm triển khai thực hiện có hiệu quả lúc bấy giờ là phù hợp quy luật xã hội, hợp lòng dân, không trái với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hậu chiến-khi cả miền Nam đã được giải phóng, đất nước được thống nhất. Trong đó, có 2 vấn đề trọng tâm là: đảm bảo an ninh trật tự, ổn định xã hội vùng mới giải phóng, giải quyết nạn đói, đau cho dân; giãn dân các đô thị ra ngoại vi, khai thác tiềm năng đất đai sản xuất nông nghiệp. Việc này chúng ta đã có nhiều dịp tổng kết, đánh giá kết quả, rút ra bài học kinh nghiệm thành công, sách sử đã ghi nhận.

Vấn đề nữa là, trong chiến tranh, Gia Lai là tỉnh có nhiều dân tộc anh em sinh sống và chiến đấu, là địa bàn chiến lược của cả nước, Mỹ-ngụy tập trung đánh phá ác liệt. Ngoài các sư đoàn thiện chiến của quân đội Mỹ, còn có căn cứ của Quân đoàn 2-Quân khu 2 được trang bị vũ khí, thiết bị, quân dụng. Chưa kể, hàng chục trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội độc lập của các binh chủng, sắc lính khác nhau, lập hàng trăm căn cứ đồn bốt, càn quét, đánh phá, dồn dân, lập ấp. Do đó, Khu ủy và Trung ương tăng cường cả về lực lượng quân đội và dân sự để bù vào sự thiếu hụt nhân lực tại chỗ. Khi giải phóng ra, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ vốn đa số chỉ được đào tạo chiến đấu, công tác thời chiến, kiến thức quản lý xã hội, quản lý kinh tế rất hạn chế.

Sinh thời, Bác Hồ dạy “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, “Vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp”. Vì vậy, để hoàn thành các nhiệm vụ mà Nghị quyết Tỉnh ủy đề ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định lấy công tác cán bộ là then chốt; tập trung đào tạo cán bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo chặt chẽ việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Để triển khai thực hiện chủ trương đó, Trường Đảng tỉnh liên tục mở các lớp ngắn ngày bồi dưỡng kiến thức chính trị cơ bản cho hầu hết cán bộ chủ chốt cấp xã, thời gian học khá ngắn, chỉ từ 7 đến 15 ngày, tùy đối tượng học.

Nội dung học tập tập trung vào các vấn đề cốt yếu như: tình hình và nhiệm vụ cấp bách trước mắt, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tại thời điểm, nhất là giáo dục về chính trị, đạo đức, tư cách người cán bộ, đảng viên, đoàn viên và một số nội dung công tác quản lý, điều hành của chính quyền đối với xã hội, đoàn thể, kinh tế... Tất cả cán bộ chủ chốt của chính quyền và đoàn thể chính trị-xã hội cơ sở đều trải qua 1-2 khóa học với nội dung như trên.

Từ đó, bộ máy chính quyền cơ sở và các tổ chức đoàn thể được thành lập, củng cố bộ máy chính quyền đã có từ trước, từng bước đi vào hoạt động có hiệu quả. Khẳng định tính đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ và cán bộ. Tư tưởng của Bác về công tác cán bộ đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, người viết thiển nghĩ, cần đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng nói chung, cán bộ nói riêng, cùng với đó là phòng-chống tham nhũng, tiêu cực; chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Có thể bạn quan tâm

Hướng dẫn 24 của Bộ Nội vụ, gợi ý sắp xếp tổ cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện

Hướng dẫn 24 của Bộ Nội vụ, gợi ý sắp xếp tổ cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện

(GLO)- Ngày 18-12, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thay mặt Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Chính phủ ký ban hành Công văn số 24/CV-BCDDTKNQ18 về Định hướng, gợi ý một số nội dung về sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

Khai mạc kỳ họp thứ 17 HĐND TP. Pleiku khóa XII

Khai mạc kỳ họp thứ 17 HĐND TP. Pleiku khóa XII

(GLO)- Sáng 19-12, tại Hội trường 19-5, HĐND TP. Pleiku khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) đã khai mạc kỳ họp thứ 17 để đánh giá tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025 và quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền.

Già làng Nay Hen (bìa trái, buôn Jứ, xã Ia Broắi) hướng dẫn người dân chuẩn bị cây giống thuốc lá. Ảnh: L.N

Ia Pa phát huy vai trò người uy tín

(GLO)- Những năm qua, đội ngũ người có uy tín ở huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) luôn đi đầu trong công tác tuyên truyền thực hiện chính sách dân tộc và giữ gìn khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư, là tấm gương tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống.

Hội Cựu chiến binh xã Ia Kdăm vận động người dân chung tay thực hiện mô hình “Đường cờ Tổ quốc”. Ảnh: V.C

Ia Pa nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo”

(GLO)- Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã cụ thể hóa phong trào bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Lương phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị lần thứ 19 Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Ayun Pa. Ảnh: Q.T

Ayun Pa cần chuẩn bị tốt điều kiện tổ chức đại hội Đảng các cấp

(GLO)-Đó là chỉ đạo của Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Lương tại Hội nghị lần thứ 19 Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Ayun Pa và buổi làm việc với Ban Thường vụ Thị ủy về công tác lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã nhiệm kỳ 2025-2030 diễn ra ngày 12-12.