(GLO)- Theo Từ điển Tiếng Việt (Trung tâm Từ điển ngôn ngữ xuất bản năm 1992) thì, tẩy chay có nghĩa là coi như không biết gì đến, không mua, không dùng, không tham gia, không có quan hệ... để tỏ thái độ phản đối. Theo nghĩa này thì việc tẩy chay trong một số trường hợp cần phát huy đúng mức.
Thị trường lành mạnh là thị trường hướng đến người tiêu dùng |
Chúng ta thường nghe các bà, các cô nội trợ than phiền sau mỗi ngày đi chợ, nào giá cả mặt hàng này, món hàng kia tăng; nào trong các kỳ lễ, Tết tiểu thương tha hồ tăng giá hàng hóa, dịch vụ, mọi thứ thi nhau tăng giá mà chẳng ai kiểm soát. Hơn thế nữa, nhiều nhà sản xuất kinh doanh, thậm chí có những nhãn hàng, sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường, trong lòng người tiêu dùng, nhưng rồi cũng bội tín. Thế mà người tiêu dùng dễ tính đến mức, một mặt cứ kêu ca, than vãn, mặt khác lại vẫn dùng những mặt hàng, sản phẩm mà “tác giả” của nó là những người chuyên lợi dụng thị trường để đầu cơ, tăng giá, bóp chẹt người tiêu dùng. Tại sao không tẩy chay chúng?
Đánh giá tình hình chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng của năm 2014, một Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, phụ trách mảng công tác này, cho rằng “...đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần bình ổn giá cả, thị trường, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo lợi ích người tiêu dùng và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh...”. Đó là nhận định khá chung chung, trên thực tế không hoàn toàn như vậy, mà: “Hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn còn bày bán tràn lan trên thị trường...” (vế thứ 2 của nhận định đã nói trên). Vấn đề kiểm tra, kiểm soát, xử phạt các đối tượng vi phạm như trên là công việc của các cơ quan chức năng. Người tiêu dùng, trước hết phải tự bảo vệ quyền lợi cho chính mình, khi phát hiện có kẻ vi phạm, cần báo cho các cấp chính quyền xử lý, báo cho mọi người chung quanh (có thể) gia đình, dòng họ, xóm làng, khu phố... để đề phòng và cùng... tẩy chay thứ hàng hóa, sản phẩm bất hợp pháp đó.
Đúng ra, người tiêu dùng luôn nắm “cái cán”, nếu biết sử dụng công cụ “tẩy chay”, chắc chắn những doanh nghiệp, doanh nhân, tiểu thương, những người có ý định hoặc đang, đã muốn thực hiện hành vi vi phạm đến quyền lợi của người tiêu dùng sẽ phải chùn tay. Một ví dụ, gần đây trên các mạng thông tin xã hội cực lực lên án hành động “đưa vào tròng” một khách hàng đã phát hiện có “vật thể lạ” trong một sản phẩm của doanh nghiệp nọ; sự việc được coi là “lừa đảo”, sau khi có kết luận ban đầu của cơ quan chức năng. Việc chưa ngã ngũ, thì doanh nghiệp này đã thông báo trong dịp Tết Ất Mùi vừa qua đã bị thất thu trên 30% doanh số so với cùng kỳ năm trước, bởi vụ lùm xùm nói trên. Cơ quan chức năng cảnh báo, trong khi chưa có kết luận chính thức mà báo chí chỉ thông tin một chiều, thiếu cân nhắc thì có thể doanh nghiệp này sẽ bị phá sản.
Dư luận xã hội, tác động của văn hóa tẩy chay rõ ràng là công cụ trong tay người tiêu dùng, nó một mặt có lợi là bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính, mặt khác vạch mặt kẻ lợi dụng thương trường, thị trường để làm hại người tiêu dùng, làm lợi cho riêng mình và những nơi làm ăn kiểu đó, nguy cơ phá sản là điều không thể khác. Làm ăn chụp giựt, mua bán không minh bạch, giá cả không công khai, hàng hóa chất lượng kém, không có xuất xứ, hàng nhái, hàng giả, hàng từ nguồn buôn lậu... người tiêu dùng đồng lòng tẩy chay, chắc chắn những kẻ gian lận, những người chuyên lợi dụng thị trường để tăng giá hàng hóa, trong khi chất lượng chúng không hề tăng, sẽ hết đường sống.
Một thị trường lành mạnh là thị trường hướng đến người tiêu dùng. Người tiêu dùng phải thật sự là “Thượng đế”, là gốc cội của sự cạnh tranh. Muốn vậy, trước hết “Thượng đế” phải biết cái thế của mình-cái thế cầm cán, cái thế biết thực hiện văn hóa tẩy chay đúng theo nghĩa Từ điển Tiếng Việt mà tác giả bài này đã nêu ở đầu bài viết, khi đó chắc chắn không còn sự than vãn, phàn nàn của không chỉ mỗi các bà, các cô nội trợ, thường xuyên gắn bó với... chợ nữa!
Bích Hà