Cổ phần hóa: Lỗ mà bán đắt thì ai mua?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đến hết năm 2018 mới có 23 doanh nghiệp (DN) được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH) với tổng giá trị 31.706 tỉ đồng.
Cũng trong năm này, có 28 DN bán cổ phần lần đầu với giá bán ra 13.950 tỉ đồng, thu về 21.827 tỉ đồng. Đây là thống kê được ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), thông tin tại cuộc họp báo ngày 28-3.
Ông Tiến cho biết tiến độ triển khai CPH trong năm 2018 còn chậm, chưa đạt kế hoạch. Ông Tiến liệt kê một số đơn vị còn ì ạch như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Tổng Công ty Viễn Thông MobiFone, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam… Các "ông lớn" này đều đã xin lùi thời hạn CPH, thoái vốn.
 Cổ phần hóa ở MobiFone còn chậm do những vướng mắc liên quan đến vụ mua AVG
Cổ phần hóa ở MobiFone còn chậm do những vướng mắc liên quan đến vụ mua AVG
Nói về nguyên nhân, ông Tiến cho biết từ năm 2017, tuy Bộ Tài chính đã hướng dẫn rà soát đất đai nhưng do quy mô ngân hàng quá lớn, đến nay Agribank vẫn chưa rà soát, đưa ra được phương án sử dụng đất. "Trong khi đó, MobiFone vướng vụ mua bán AVG, nhiều người làm sai bị kỷ luật dẫn tới chậm trễ việc CPH, thoái vốn theo kế hoạch đề ra" - ông Tiến nêu.
Theo đại diện Bộ Tài chính, quá trình CPH DN nhà nước cần nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động làm kéo dài thời gian thực hiện. Đặc biệt, vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do UBND địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian so với quy định dẫn đến các DN phải điều chỉnh tiến độ CPH.
Ngoài ra, tỉ lệ vốn nhà nước trong phương án CPH DN còn cao dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư mua cổ phần. Dẫn chứng, ông Đặng Quyết Tiến cho biết dự án nhà máy bột giấy Phương Nam đấu giá 3, 4 lần không có người mua do dự án không hoạt động mà bán 1.000 tỉ đồng.
Theo Cục trưởng Cục Tài chính DN, việc CPH, thoái vốn phải công khai, minh bạch và để thị trường định giá. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến những dự án lỗ mà bán giá cao thì không nhà đầu tư nào mua. "Nếu đầu tư sai, thực chất có 10 đồng nhưng đôn lên 20 đồng rồi bán với mức giá đó thì không được. Phải để thị trường định giá và trả giá" - ông Tiến nói.
Thanh tra của Ủy ban Chứng khoán nhà nước đang phối hợp với Cục Tài chính DN thanh - kiểm tra một số đơn vị chậm lên sàn và sau khi có kết luận thanh tra sẽ công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính yêu cầu các DN thuộc diện CPH khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất trình UBND cấp tỉnh có ý kiến để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi xác định giá trị DN CPH.
Minh Chiến (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.