Có người lính lần đầu ra phố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi lục đống tài liệu cũ, thấy rơi ra một bài thơ chép tay, giấy đen nhưng phủ lem nhem màu đỏ bazan. Cái thời đầu những năm 80 của thế kỷ trước ấy, người ta gửi bản thảo cho các tòa soạn báo đều bằng bì thư theo đường bưu điện. 
Anh nào sang thì bản thảo được đánh máy trên giấy pơ luya, còn không thì viết tay. Mỗi tòa soạn báo lại có một hoặc vài nhân viên đánh máy. Số này rất giỏi. Thứ nhất là họ đánh máy bằng mười ngón tay, không cần nhìn bàn phím mà chỉ nhìn bản thảo thôi. Và thứ 2 mới giỏi hơn, họ đọc được tất cả các loại chữ viết tay, có những bản thảo mà nhìn vào không biết là chữ Campuchia hay chữ Ả Rập mà họ vẫn đọc ra.
Thời ấy, tôi đang làm Tạp chí Văn Nghệ, trực thuộc Ty Văn hóa Gia Lai-Kon Tum. Tạp chí Văn Nghệ là một phòng thuộc Ty, kiêm thêm quản lý xuất bản và trực tiếp xuất bản sách.
Một hôm, nhận được một phong thư đỏ quạch màu đất, văn thư bóc ra rồi bấm tờ giấy thư kèm bì thư chuyển cho tôi. Địa chỉ nơi gửi là một hòm thư đánh số, nó chứng tỏ là từ một đơn vị quân đội. Tờ giấy đính kèm phong bì là một bài thơ, tác giả là Hoa Thanh An: “Có người lính lần đầu ra phố/Quen sống với rừng nên nhìn thứ gì cũng lạ/Một tà áo màu bay cũng xao xuyến khôn cùng…”.
Đại để, thơ véo von thế. Nhưng hồi ấy thì tôi rất mừng và xúc động. Thứ nhất là người viết ít, có một anh lính, lại ở biên giới (cuối bài thơ đề biên giới ngày tháng năm, vả nhìn cái phong bì thì biết đích thị biên giới, bụi quăng quật đỏ lòm), mà làm thơ thì quý quá. Thêm nữa, tôi luôn yêu quý nâng niu người viết mới và trẻ, luôn kính trọng những anh lính viết văn. Vậy nên, đăng ngay là điều không cần bàn cãi.
Một hôm, tôi đang ở trên phòng làm việc thì vợ tôi lên gọi bảo về có khách, là chú bộ đội. Tôi hơi giật mình. Hồi ấy ở Pleiku có một đơn vị quân đội thu dung, rất quậy, nhiều người ngại. Thì cứ về xem sao. Một ông bộ đội đen nhẻm ngồi chờ. Quần áo đỏ bụi, tóc xoăn, mắt sáng, da đen. Tự giới thiệu: “Em là Phạm Đương, trước học Trường Đại học Tổng hợp Huế, có nghe tên anh. Em là bộ đội đóng ở Đức Cơ. Hôm nay, em đi theo xe đơn vị về bưu điện nhận thư báo, tiện thể thăm anh, vì trước khi đi bộ đội, đã biết anh làm ở Ty Văn hóa Gia Lai-Kon Tum”. 
- Ôi giời, mừng quá, trưa nay ăn cơm với anh nhé, anh bảo vợ nấu cơm.
- Dạ thôi, em được có một tiếng rồi lại phải theo xe lên đồn. Lúc nãy, chị cũng có nói rồi nhưng em không ở được. Là em có làm mấy bài thơ, gửi anh xem hộ.
- Ôi, hay quá, với lính thì anh hết sức trân trọng.
- Dạ, nãy chị cũng nói thế, bảo anh rất quý lính.
- À, anh hỏi, có chú lính nào ký tên Hoa Thanh An, cách đây mấy tháng có bài thơ in trên tạp chí mà gửi nhuận bút nó trả về, chú có quen không, thơ nó rất khá?
- Dạ, đấy là... em!
- Ôi giời. Ra là chú à?
Hóa ra là ông này khi ấy, thấy cô gái xinh xinh tên là Hoa, bán quán ở vùng Thanh An (huyện Chư Prông), bèn làm thơ rồi lấy luôn tên cô ấy làm bút danh... Ngay lập tức, tôi “mượn” tiền của vợ trả nhuận bút bài thơ cho Phạm Đương, rồi lên cơ quan truy lĩnh sau vì nhuận bút trả về đã nhập quỹ.
Sau cú ấy thì chúng tôi thân nhau, không chỉ tôi, mà cả Hương Đình, Phạm Đức Long nữa. Mỗi lần Phạm Đương về phố, chúng tôi lại quấn quýt.
Nhà thơ Phạm Đương (bên trái) và nhà thơ Phạm Đức Long tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam. Ảnh: Văn Công Hùng
Nhà thơ Phạm Đương (bên trái) và nhà thơ Phạm Đức Long tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam. Ảnh: Văn Công Hùng
Hôm ra quân, ông Phạm Đương mặc bộ đồ lính bạc phếch tới thăm và chào tôi để về nhận công tác ở Ty Văn hóa Thông tin Nghĩa Bình. Tôi gọi ông Hương Đình, Phạm Đức Long bày một cuộc nhậu vừa gặp mặt vừa chia tay tại nhà tôi. Hôm sau, Hương Đình lấy xe đạp đèo ông Phạm Đương ra bến xe. Ông Hương Đình nhìn cái áo lính hôi rình của Phạm Đương với vẻ thèm thuồng. Ông Phạm Đương cầm lòng không đậu, mở cái ba lô lép kẹp, lôi ra cái áo mới duy nhất đưa cho bạn. Theo Phạm Đương sau này tiết lộ là nhờ thế mà ông Hương Đình lấy được vợ. Vì mặc áo lính thời ấy như là được chở che, mạnh dạn lên rất nhiều. Thời ấy, chúng tôi chơi với nhau, bạn của tôi cũng là bạn của ông Hương Đình, ông Phạm Đức Long và ngược lại. Bạn văn chương bao giờ cũng là bạn chung, lấy nhà tôi làm “trung tâm tiếp đón”.
Sau này thì Phạm Đương trở thành nhà thơ, nhà báo nổi tiếng, hiện là Ủy viên Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam, có tập thơ “Giờ thứ 25” được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2013. Cũng một kỷ niệm nữa là cái năm tập thơ của Phạm Đương được giải thưởng, tôi đang là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam và là thành viên ban chung khảo, bỏ phiếu cho tập thơ này. So với bài thơ đầu tay mà tôi chọn in nó là một bước tiến dài về mọi mặt.
Giờ thì anh đã nghỉ hưu sau 40 năm là cán bộ Ty Văn hóa Nghĩa Bình rồi phóng viên Báo Lao Động, Báo Thanh Niên. Nhưng thi thoảng chat với nhau, anh vẫn mồn một những ngày đầu “khởi bút” từ Gia Lai, coi Gia Lai là bệ phóng.
VĂN CÔNG HÙNG

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.