Chung tay vì cuộc sống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đứng chân trên địa bàn 3 huyện: Đak Đoa, Mang Yang và Chư Sê, với diện tích cao su trải rộng suốt 83 làng của 17 xã, thị trấn, những năm qua, Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang đã chú trọng chăm lo đời sống cho công nhân và làm tốt công tác an sinh xã hội.

Đổi đời nhờ làm công nhân

A Yung-Tổ trưởng tổ khai thác 6, Nông trường Hòa Bình-một trong những nông trường luôn dẫn đầu về năng suất, sản lượng khai thác mủ của Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang-cười thật sảng khoái khi kể cho tôi nghe chuyện mình “bén duyên” với việc khai thác mủ trong một bản thành tích dài từ năm 2005.

 

Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang tổ chức khám bệnh miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: T.B
Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang tổ chức khám bệnh miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: T.B

A Yung bảo, sau gần 10 năm làm công nhân, A Yung đã là một người khác hẳn, khỏe mạnh hơn, chăm chỉ hơn, nhiều tiền hơn và biết nghĩ nhiều hơn. “Mình có được nhiều thứ kể từ khi vào làm công nhân của Nông trường. Nhờ làm việc chăm chỉ, có nhiều kinh nghiệm trong khai thác mủ, cuối năm 2011 mình được anh em tín nhiệm bầu vào vị trí tổ trưởng, hiện nay còn kiêm thêm vai trò là Bí thư chi đoàn 4 thuộc Liên chi đoàn Nông trường nữa. Chi đoàn mình có 20 đoàn viên, 14 nữ, 100% người Bahnar, ai cũng cần cù, có trách nhiệm với công việc và cầu tiến bộ”-A Yung nói đầy tự tin.

Nhìn A Yung-một thanh niên rắn rỏi, nhanh nhẹn, có giọng nói to, dõng dạc và sở hữu một đôi mắt biết cười, tôi biết mình đã tìm được đúng người cần gặp. Trò chuyện thêm thì được biết, trong năm 2012 vừa qua, A Yung là người được Công ty chọn để báo cáo thành tích tại Hội thảo tăng cường đoàn kết tập hợp thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên tín đồ tôn giáo khu vực Tây Nguyên.

Trước đó, năm 2011, A Yung là một trong 10 cá nhân được Trung ương Đoàn công nhận gương mặt trẻ tiêu biểu của năm. Thành tích nối thành tích, lương cao, thưởng cuối năm nhiều cộng với thu nhập từ việc làm kinh tế gia đình, năm nào thấp nhất cũng từ 150 triệu đồng trở lên, A Yung đã trở thành điển hình để các công nhân khác trong Nông trường, rộng hơn là trong toàn Công ty phấn đấu học tập và noi theo.

Vậy nên thật dễ hiểu khi trao đổi cùng P.V, ông Vũ Xuân Huy-Giám đốc Nông trường Tân Lập đã không ngần ngại khi khẳng định rằng, ở Nông trường do ông phụ trách, đã có rất nhiều công nhân đổi đời nhờ học theo kỹ thuật cạo mủ của A Yung, đặc biệt là thực hiện tốt phong trào thu gom mủ dây trên vườn cây nhằm nâng cao thu nhập. “Nông trường Tân Lập có 451 công nhân, trong đó hơn một nửa lao động là người dân tộc thiểu số.

Có người mới chỉ hai, ba năm, có người đã gắn bó với Nông trường gần 20 năm nhưng hầu hết anh chị em công nhân đều đã có một cuộc sống mới, tốt đẹp hơn kể từ khi vào làm công nhân”-ông Huy cho biết.

Gắn bó với đời sống người dân

Không chỉ nói suông, ông Huy liệt kê cho tôi một danh sách dài những công nhân tiêu biểu của Nông trường Tân Lập trong vài năm trở lại đây đã thực sự nỗ lực vươn lên, bám nông trường, bám vườn cây, làm giàu từ chính đôi bàn tay cạo mủ khéo léo của mình.

 

Ảnh: Thái Bình
Ảnh: Thái Bình

Theo ông Huy, những người có đôi bàn tay “vàng” như ông Plưi-công nhân khai thác tổ 9, Phil-công nhân khai thác tổ 10, Pyơp-công nhân khai thác tổ 1, Ksor Bip-Tổ trưởng tổ khai thác 7… ngày càng nhiều ở Nông trường Tân Lập và con số này sẽ được tính theo cấp số nhân ở các nông trường, xí nghiệp trực thuộc Công ty. “Cũng là bởi trong những năm qua, Công ty luôn chú trọng công tác tuyển dụng đào tạo và sử dụng công nhân dân tộc thiểu số, gắn hiệu quả kinh tế với hiệu quả xã hội với phương châm: phát triển vườn cây cao su đến đâu tuyển dụng lao động là người dân tộc tại chỗ đến đó, tích cực đào tạo nghề và nâng cao trình độ văn hóa cho họ, tạo mọi điều kiện cho công nhân dân tộc thiểu số gắn bó với Công ty”- ông Huy cho biết thêm.

Chánh Văn phòng Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang- ông Lê Xuân Thảo cung cấp thêm những con số biết nói: Từ năm 2008 đến nay, Công ty đã tuyển dụng 1.836 công nhân là người dân tộc thiểu số, chiếm 32% tổng số lao động toàn đơn vị.

Cùng với đó, Công ty đã chú trọng và tích cực thực hiện các chính sách xã hội, hỗ trợ các địa phương trên địa bàn đứng chân phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đóng góp Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Hỗ trợ trẻ em chất độc da cam, Quỹ Khuyến học, hỗ trợ cứu đói giáp hạt, đóng góp giúp đỡ các địa phương bị lũ lụt, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, hỗ trợ xây dựng nhà rông văn hóa trên địa bàn tỉnh do Tỉnh đoàn phát động và xây dựng nhà rông cho các làng trên địa bàn đứng chân. Ngoài ra, Công ty còn tham gia hỗ trợ xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, mắc điện phục vụ sinh hoạt, xây dựng trường học, hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, tham gia tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới.

Trong 5 năm qua, Công ty đã đầu tư xây dựng 20  km đường nhựa, 10 km đường bê tông, 20 km đường cấp phối phục vụ sản xuất và giao thông nông thôn với kinh phí 40 tỷ đồng nối các địa bàn vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa nông sản của nhân dân trên địa bàn được thuận lợi, đồng thời góp phần tạo điều kiện cơ bản để các địa phương phát triển kinh tế”.

Thái Bình

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.