Chư Pưh: Kiếm tiền triệu từ tinh dầu bơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương, một số hộ dân trên địa bàn huyện Chư Pưh, Gia Lai đã tự chế biến tinh dầu bơ để bán. Dù mới “ra đời” , song sản phẩm này đang được thị trường đón nhận tích cực và mang lại thu nhập ổn định cho nhiều người.

Những năm qua, hồ tiêu-loại cây trồng một thời được ví von như “vàng đen”-dần tàn lụi trên mảnh đất Chư Pưh. Nhiều nông dân nơi đây đã chủ động chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, trong đó có bơ. Tuy nhiên cũng bởi trồng ồ ạt nên giá bơ chính vụ thường bị đẩy giá xuống thấp, bơ chín hàng loạt để lâu dễ hư hỏng. Trước thực trạng đó, một số hộ dân đã tự tìm hiểu, nghiên cứu chế biến tinh dầu bơ bằng phương pháp thủ công nhằm tận dụng và nâng cao giá trị của quả bơ địa phương.

Chị Thủy đang chiết tinh dầu bơ vào lọ thủy tinh để đóng hộp bán. Ảnh: Hồng Thi
Chị Thủy đang chiết tinh dầu bơ vào lọ thủy tinh để đóng hộp bán. Ảnh: Hồng Thi



May mắn có người thân chuyên sản xuất tinh dầu, cộng với những kiến thức tìm hiểu qua mạng internet, chị Hồ Thị Thu Thủy (thôn Plei Dư, xã Ia Hrú) đã mạnh dạn bắt tay vào nấu tinh dầu bơ. Sau vài lần thử nghiệm thành công, tháng 2-2018, chị quyết định chế biến với số lượng lớn để bán ra thị trường. Bơ chín (loại bơ sáp không quá dẻo) được chị Thủy tách bỏ vỏ và hạt, đem xay nhuyễn, nấu 6-8 tiếng trên lửa nhỏ rồi cho vào máy ép lấy tinh dầu. Trong suốt thời gian nấu, chị phải dùng đũa đảo liên tục để bơ nóng đều và không bị cháy. Mỗi mẻ 3-4 kg bơ tươi, chị Thủy thu được tầm 60ml tinh dầu. Sản phẩm đạt chất lượng, theo chị, phải có màu xanh vàng hoặc vàng, thơm mùi bơ tự nhiên, độ sánh đặc vừa phải.

Chị Thủy chia sẻ: “Lúc đầu tôi cũng chỉ giới thiệu cho người quen, dần dần mới buôn bán trên mạng xã hội, đầu tư chai lọ và thiết kế nhãn mác, bao bì. Giá bán cho mỗi lọ 10ml là 80.000 đồng, lọ 20ml là 150.000 đồng. Sản phẩm có rất nhiều công dụng, nhưng chủ yếu dùng để dưỡng da, tóc, môi cho phụ nữ và cả trẻ em vì nó được chế biến hoàn toàn tự nhiên, không dùng bất kỳ loại hóa chất hay chất bảo quản nào”.

 Sản phẩm được người dân đầu tư bao bì, nhãn mác đẹp mắt. Ảnh: Hồng Thi
Sản phẩm được người dân đầu tư bao bì, nhãn mác đẹp mắt. Ảnh: Hồng Thi



Tiếng lành đồn xa, tinh dầu bơ mang tên Hồ Thu Thủy được khách hàng khắp nơi đặt mua và đánh giá cao về hiệu quả sử dụng. Không chỉ chú trọng vào khách lẻ, chị Thủy còn bỏ sỉ cho khách ở Pleiku, Bình Định, Đồng Nai, Nghệ An và hệ thống Spa ở Bình Dương… với giá dao động từ 35.000-50.000 đồng/chai 10ml tùy theo số lượng. Tính đến thời điểm hiện tại, chị Thủy đã chế biến và bán được khoảng 5 lít tinh dầu bơ, lợi nhuận thu về sau khi trừ chi phí gần 20 triệu đồng. “Sắp đến, tôi sẽ mở rộng mạng lưới phân phối, tìm thêm nguồn sỉ và đầu tư máy ép lớn để chế biến một lần được nhiều tinh dầu hơn”-chị Thủy cho hay.

Khác với chị Thủy, chị Đặng Thị Mai Sương (thôn Hòa Thuận, xã Ia Phang) lại chế biến tinh dầu bơ Nhiên's House của mình bằng phương pháp khác. Thay vì nấu, chị Sương đem thịt bơ chín phơi hoặc sấy từ 2-3 ngày thật khô rồi cho vào máy ép nhiệt để thu tinh dầu. “Cứ 50kg bơ tươi thu được 2kg bơ khô và ép được 700ml tinh dầu. Tinh dầu sản xuất bằng cách này sẽ có màu xanh nhạt, trong hơn so với nấu trên lửa. Đặc biệt, vì đã xử lý được độ ẩm nên sản phẩm có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh mà không lo bị đông đặc và thời gian sử dụng được trong vòng 1 năm . Sau 5 tháng, chúng tôi đã bán được 10 lít tinh dầu, chủ yếu bỏ khách sỉ ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Đak Lak…”-chị Sương phấn khởi nói.

Nhận thấy giá trị của tinh dầu bơ và nhằm hướng tới xây dựng sản phẩm đặc trưng của địa phương, mới đây, UBND huyện Chư Pưh đã có văn bản chỉ đạo các phòng, ban liên quan xây dựng quy trình, hướng dẫn người dân làm thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa của mình. Bà Nguyễn Thị Thu Hương-Phó trưởng Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Chư Pưh, cho biết: Hiện trên địa bàn huyện có khoảng 6 hộ đang chế biến và kinh doanh tinh dầu bơ với quy mô nhỏ lẻ, sản xuất thủ công. Qua trao đổi, hầu hết họ đều chưa có ý thức và nhu cầu đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa cũng như không có khả năng đóng khoản lệ phí từ 1,6-1,7 triệu đồng theo quy định. Hiện huyện đang tích cực tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích sẽ có được khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, đồng thời trích kinh phí hỗ trợ 50%/hộ đối với khoản lệ phí mà họ phải nộp.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.