(GLO)- Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống diễn ra trên địa bàn huyện Chư Prông, Gia Lai thời gian qua đã để lại nhiều hệ lụy xã hội. Trước tình hình đó, huyện Chư Prông đã nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhằm đẩy lùi vấn nạn này.
Chư Prông là huyện biên giới của tỉnh Gia Lai với dân số khoảng 130.000 người, trong đó gần 50% là dân tộc thiểu số. Theo thống kê của phòng Tư pháp huyện Chư Prông, năm 2016, trên địa bàn huyện xảy ra 256 trường hợp tảo hôn, 2 vụ kết hôn cận huyết thống. Số trường hợp tảo hôn tập trung nhiều tại xã Ia Kly, Ia Mơ, Ia Me, Ia Tôr và xã Ia Ga. Nam nữ kết hôn chủ yếu từ độ tuổi 15-18 tuổi.
Ông Ngô Ngọc Tiến-Trưởng phòng Tư pháp huyện Chư Prông nhận định: Nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện vẫn tồn tại, diễn biến ngày càng phức tạp, nguyên nhân chính là do phong tục tập quán lạc hậu, trình độ dân trí còn hạn chế. Trong đó, tâm lý sớm có con đàn cháu đống, có người nối dõi làm nương rẫy của người dân tộc thiểu số đã làm gia tăng tình trạng trên. Đồng thời, sự bùng nổ thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng khiến giới trẻ cập nhật dễ dàng nhưng không có chọn lọc, các phim ảnh đồi trụy, quan hệ tình dục không lành mạnh, cuộc sống cởi mở hơn trong khi các chế tài xử lý tình trạng tảo hôn chưa đủ mạnh dẫn đến tình trạng tảo hôn ngày càng gia tăng...
|
Huyện Chư Prông lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật vào các buổi sinh hoạt, họp dân,. Ảnh: Ngọc Thu |
Hậu quả do việc kết hôn sớm, hôn nhân cận huyết thống để lại những tác động và hệ quả lâu dài. Trong đó, chất lượng của nguồn dân số tương lai bị đe dọa khi những đứa trẻ không được nuôi dưỡng tốt, trẻ sinh ra với tỷ lệ suy dinh dưỡng cao và mang nhiều bệnh tật hiểm nghèo. Đồng thời, vấn đề về sức khỏe và tâm lý của các bà mẹ ở độ tuổi vị thành niên sẽ bị ảnh hưởng nặng nề sau khi kết hôn và sinh con. Hầu hết cuộc sống của những gia đình trẻ này thường lâm vào cảnh khó khăn do chưa có kiến thức và hiểu biết để tự lo cho cuộc sống gia đình.
Xác định việc nâng cao trình độ, nhận thức của người dân đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy lùi vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, phòng Tư pháp với vai trò là cơ quan tham mưu UBND huyện Chư Prông đã chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật liên quan đến hôn nhân gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Làm rõ những hậu quả, tác hại và hệ lụy do vấn nạn này gây ra cho người dân, đặc biệt ở 2 xã biên giới, vùng có đông dân tộc thiểu số. Hình thức tuyên truyền, phổ biến bằng miệng, qua hệ thống truyền thanh của các xã, cấp tờ rơi, tài liệu và tổ chức các buổi tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật. Đồng thời, chú trọng lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật theo hình thức tuyên truyền miệng, phát tờ rơi cho những người tham dự buổi họp dân, sinh hoạt, hội nghị...
Từ năm 2016 đến nay, huyện đã cấp phát hơn 9.000 tài liệu phổ biến giáo dục pháp luật, tổ chức 16 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho gần 1.500 lượt tuyên truyền viên pháp luật và hòa giải ở cơ sở. Tổ chức 376 đợt tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật với hơn 23.000 người tham dự; lớp tập huấn đã trang bị, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức pháp luật cho đội ngũ tuyên truyền viên, hòa giải viên ở cơ sở và các cán bộ, công chức cấp xã. Đặc biệt, huyện Chư Prông chú trọng tuyên truyền về tác hại, hậu quả và hệ lụy do tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lại cho người dân, nhất là các đối tượng có nguy cơ hoặc là nạn nhân của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin, góp phần giảm thiểu và tiến tới ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số.
|
Huyện Chư Prông tuyên truyền tác hại, hậu quả và hệ lụy do tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ảnh: Ngọc Thu |
Em Hà Kpăh Huyền (15 tuổi, làng Tu 2, xã Ia Ga, huyện Chư Prông) chia sẻ: “Làng em có 5 bạn tảo hôn đều có cuộc sống rất khó khăn. Thay vì cắp sách đến trường như bạn bè cùng trang lứa thì các bạn phải quanh quẩn nơi góc nhà, vừa phải chăm con vừa làm rẫy. Em được các cô chú tuyên truyền viên ở địa phương, thầy cô giáo giải thích về các hệ lụy mà tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lại, em đã tự trang bị cho mình những kiến thức để tránh xa vấn nạn này. Đồng thời, về làng, em cũng nói với các bạn về hậu quả mà các bạn phải gánh chịu để các bạn không vướng vào vấn nạn này”.
Để nâng cao nhận thức, dần thay đổi hành vi, từng bước hạn chế và tiến tới chấm dứt hoàn toàn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, ông Ngô Ngọc Tiến-Trưởng phòng Tư pháp huyện Chư Prông, khẳng định: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động đồng bào tại địa phương, trường học... nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân tộc thiểu số trong thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Thường xuyên phối hợp với cộng tác viên dân số, y tế thôn bản lồng ghép tuyên truyền pháp luật về hôn nhân gia đình, tác hại của vấn nạn trên vào chương trình Dân số-Kế hoạch hóa gia đình hằng năm. Đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm tảo hôn, vi phạm về pháp luật hôn nhân và gia đình. Qua đó, tạo sự đồng thuận trong xã hội, ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số”.
Ngọc Thu