(GLO)- Như tin đã đưa, những ngày qua, mưa liên tiếp và kéo dài trên diện rộng khiến mực nước các con suối trên địa bàn huyện Chư Prông dâng cao. Đặc biệt, trận mưa lớn kéo dài từ ngày 10 đến rạng sáng 11-6 đã làm mực nước từ thượng nguồn các con suối đổ về nhanh gây ra tình trạng ngập lụt cục bộ tại một số xã trên địa bàn huyện.
Phát huy “4 tại chỗ”
Theo thống kê sơ bộ của UBND huyện Chư Prông, trận mưa kéo dài ngày 11-6 vừa qua đã làm 40 nhà dân tại thôn Phố Hiến (xã Ia Lâu), 10 nhà tại thôn Đoàn Kết (xã Ia Piơr) và 20 nhà tại làng Bih (xã Ia Púch) bị ngập lụt cục bộ từ 0,2 m đến 1 m. Ngoài ra, tại xã Ia Drăng, nhiều diện tích hoa màu của người dân cũng bị ngập sâu trong nước.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Púch hỗ trợ lương thực cho người dân. Ảnh: N.H |
Ngay khi xuất hiện lũ bất ngờ, UBND các xã đã huy động lực lượng ứng cứu theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ) để hỗ trợ người dân nhằm giảm thiểu thiệt hại. Ông Phạm Văn Xưng-Chủ tịch UBND xã Ia Drăng, cho hay: Lượng mưa lớn kéo dài khiến lượng nước đổ về nhanh gây ngập cục bộ tại các thôn Hòa An, Hợp Thắng, Hợp Hòa; phá hỏng khoảng 15 m đường nhựa tại thôn An Hòa, làm xói lở mương nước, vỡ một số ao cá của người dân… Ngay khi xuất hiện lũ cục bộ, UBND xã phối hợp với các thôn huy động 15 dân quân tại chỗ và thuê máy múc khơi thông hệ thống thoát nước nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Còn tại xã Ia Lâu, rạng sáng 11-6, nước lũ dâng nhanh qua các ngầm cầu thôn Cao Lạng, Phố Hiến và ngầm từ thôn Đồng Tiến qua làng Đút khiến nhà cửa của 40 hộ dân ở thôn Phố Hiến bị ngập. Ngoài ra, khoảng 200 hộ dân bên kia ngầm thôn Phố Hiến, Đồng Tiến và làng Đút bị cô lập cục bộ. Qua theo dõi lượng mưa, lãnh đạo xã chủ động phân công cán bộ, công chức phụ trách các thôn, làng tuyên truyền, vận động người dân chủ động phòng-chống lũ lụt. Bên cạnh đó, xã huy động 10 dân quân cơ động, 16 công an viên cùng cán bộ, công chức vận chuyển đồ đạc và sơ tán người dân đến nơi an toàn… Theo thống kê sơ bộ, đến thời điểm này, toàn xã có khoảng 300 con gia cầm bị chết, 4 ao cá bị vỡ, chưa kể hoa màu bị thiệt hại. Ông Nguyễn Đức Tuyên-Chủ tịch UBND xã Ia Lâu, cho biết: “Nhờ chủ động phòng-chống lũ lụt theo phương châm “4 tại chỗ” nên đã giảm thiệt hại về tài sản của người dân và không có thiệt hại về người”.
Đặc biệt, tại xã Ia Púch có 55 người dân bị cô lập do lũ đã được Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Đồn Biên phòng Ia Púch, Công an huyện dùng xuồng máy di chuyển đến nơi an toàn. Ông Lê Văn Tuấn-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Púch, cho biết: “Ngay khi có lũ lụt xảy ra, xã đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc giúp đỡ người dân, trong đó, công an viên và dân quân làm nòng cốt. Xã chủ động hỗ trợ mì tôm, gạo và nhu yếu phẩm cần thiết cho các hộ dân vượt qua khó khăn”.
Ông Sơn bên 2 tấn cà phê nhân đã phơi khô nhưng bị trận lụt bất ngờ tràn vào nhà gây thiệt hại. Ảnh: N.H |
Khẩn trương khắc phục hậu quả
Mặc dù lũ xuất hiện bất ngờ nhưng nhờ sự chủ động theo phương châm “4 tại chỗ” của Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các xã và huyện Chư Prông nên đã hạn chế được thiệt hại về tài sản của người dân. Ông Trần Ngọc Sinh (thôn An Hòa, xã Ia Drăng) cho hay: “Nước lũ đã làm ướt khoảng 2 tấn cà phê nhân của gia đình tôi. May mắn là bà con hàng xóm và các lực lượng khác đến giúp đỡ nên gia đình hạn chế được thiệt hại. Mong sao trời sớm nắng để tôi phơi lại 2 tấn cà phê này, nếu không sẽ bị hư hỏng”.
Ông Nguyễn Anh Dũng-Chủ tịch UBND huyện, kiêm Trưởng ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Chư Prông, cho biết: “Ngay khi xuất hiện lũ bất ngờ, UBND các xã đã chủ động thực hiện nghiêm túc phương án phòng-chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” rất hiệu quả. Nhờ đó, hạn chế được thiệt hại do thiên tai gây ra. Ngay trong sáng 12-6, UBND huyện đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện phối hợp với các xã cử cán bộ xuống những khu vực bị ngập để khảo sát và khử trùng nguồn nước; triển khai các giải pháp ngăn chặn dịch bệnh phát sinh sau ngập lụt. Ủy ban nhân dân huyện cũng đã chỉ đạo các xã khẩn trương rà soát thiệt hại về tài sản và hoa màu của nhân dân. Đặc biệt, nếu hộ nào đời sống khó khăn thì báo cáo huyện để xuất ngân sách hỗ trợ. Các xã chủ động giúp người dân ổn định cuộc sống, không để hộ nào bị đói. Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết trong những ngày tới để chủ động các giải pháp phòng-chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhân dân”.
Mưa lớn trong mấy ngày qua cũng đã gây thiệt hại ở một số địa phương thuộc huyện Ia Grai. Tại xã Ia Chía, lũ quét đã cuốn trôi 1 cầu dân sinh trên tuyến đường nối làng Bía với đội 10; cầu dân sinh làng Lang bị xói lở 2 bên mép cống; hệ thống mương bê tông trên tuyến đường liên xã Ia Chía bị xói lở khoảng 10 m. Ngoài ra, mưa lớn còn gây ngập úng một số diện tích hoa màu ven suối. Tại xã Ia Krai, hơn 3 m tường rào Trường THPT A Sanh bị đổ sập. |
Nguyễn Hồng