Chill ở làng du lịch tốt nhất thế giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vừa tới làng Trà Quế, khứu giác nhạy cảm của Phil Handley đã phát hiện ngay mùi hương đặc biệt.

Cho đến khi đưa tay ngắt một ngọn rau bé xíu và đưa sát lên mũi thì người đàn ông xứ Wales này thốt lên “Hương thơm thật tuyệt vời! Hương thơm từ chiếc lá bé xíu này!”. Phil Handley cùng đoàn du khách liên tục bất ngờ bởi những trải nghiệm ở ngôi làng cổ gần 400 năm tuổi.

Mê hoặc bởi những điều nhỏ bé

Làng rau Trà Quế, xã Cẩm Hà, thành phố Hội An (Quảng Nam) vừa được Tổ chức Du lịch Liên hiệp quốc vinh danh Làng Du lịch tốt nhất năm 2024. Vậy là ngôi làng nhỏ bên dòng sông Cổ Cò lại khoác lên mình chiếc áo thương hiệu thế giới, đón nhận niềm tự hào sau gần 3 năm được Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch công nhận và đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với nghề trồng rau tại Trà Quế.

Ngôi làng nhỏ nhưng có bề dày lịch sử, được hình thành từ thế kỷ XVI. Làng Trà Quế được bao bọc bởi sông Cổ Cò và đầm Trà Quế, ưu đãi của thiên nhiên khiến khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng tươi tốt. Người dân nơi đây bao đời sống gắn với sáng tạo và phát triển nghề trồng rau theo phương thức hữu cơ.

Làng rau Trà Quế chỉ là ngôi làng nhỏ ven phố cổ nhưng rất nổi tiếng với du khách, nhất là khách Tây. Sáng sớm, từ phố cổ Hội An, những đoàn xe đạp thong thả nhắm hướng đông bắc ven thành phố, chừng chưa tới 3km đã tới cổng làng Trà Quế. Một không khí dịu nhẹ, thư thả khiến du khách hít hà.

Trong làn sương sớm yên bình, những nông dân cần mẫn bên với những luống rau xanh ngắt. Rau Trà Quế nổi tiếng bởi độ tươi non, thơm đặc trưng và tuyệt đối an toàn do không dùng đến thuốc hóa học.

Từ bao đời, người dân làm rau theo phương thức hữu cơ truyền thống. Được thiên nhiên ưu đãi mảnh đất giàu phù sa, làng rau truyền thống gần 400 năm tuổi lại sở hữu giống rau thơm đặc trưng, nông dân kinh nghiệm được cha ông truyền lại nên rau vùng khác khó sánh được.

Người dân vớt rong dưới đầm Trà Quế về ủ đất làm phân bón, kỹ lưỡng trong khâu làm đất, chăm bón nên những luống rau mơn mởn, mát mắt. Đặc biệt, nơi đây sở hữu những loại rau thơm đặc trưng, là thành phần không thể thiếu tạo nên các món đặc sản như tam hữu, bánh xèo, cao lầu, mì Quảng…

Dạo chơi khắp làng, du khách không cưỡng được mùi thơm dịu nhẹ nhưng đầy mê hoặc của những lá rau bé xíu. Ai ai trên tay cũng cầm ngọn rau thơm không thôi hít hà.

Phil Handley (62 tuổi) từ xứ Wales, lần đầu tiên đến đây và bị thuyết phục hoàn toàn bởi cảnh, hương, khí hậu của làng quê yên bình. Được hướng dẫn viên (HDV) hướng dẫn, Phil Handley đưa tay ngắt một ngọn rau nhỏ, đưa sát lên mũi rồi thốt lên “Hương thơm thật tuyệt vời, mùi hương từ chiếc lá bé xíu này!”.

Mùi hương từ những cánh rau bé xíu mê hoặc khách Tây.
Mùi hương từ những cánh rau bé xíu mê hoặc khách Tây.

Dạo một vòng, ông cùng mọi người trong đoàn chăm chú nghe giới thiệu về ngôi làng nhỏ với những điều diệu kỳ, dừng lại rất lâu trước những bể nước với đàn cá nhỏ li ti nơi mà người ta dùng để tưới rau. Mắt trầm trồ trước những luống rau xanh mơn mởn mà không cần dùng đến thuốc hoá học. Ông cùng các thành viên trong đoàn hào hứng trải nghiệm gánh nước, cuốc đất, trồng rau…

Tony (56 tuổi), du khách người Mỹ vừa trải nghiệm gánh nước tưới rau, cười vang vì chiếc gánh nhỏ trên vai cứ rớt lên rớt xuống. Tony chia sẻ, ông đã tranh thủ hít hà bầu không khí trong lành khi đến đây, và tự tay gieo những mầm xanh ở làng rau nổi tiếng. “Đây là một điểm đến tuyệt vời. Tôi yêu cả bầu không khí trong lành, luống rau xanh ngắt, món ăn ngon và nét thân thiện của nông dân ở đây”, Tony nói.

Những nông dân ở làng di sản

Trong lịch sử, địa danh Trà Quế còn được gọi Nhự Quế, Thanh Quế, Nhà Quế. Chuyện lưu truyền trong dân gian kể rằng, vào khoảng thế kỷ XVIII có một vị vua du ngoạn trên dòng sông Đế Võng và ghé vào làng, thưởng thức một loại rau nhận thấy vị thơm của rau giống loại trà, vị cay giống quế, thế rồi vị vua này đặt tên làng rau là Trà Quế.

Lão nông Nguyễn Linh (66 tuổi) ngưng gánh nước, nở nụ cười tươi khi đoàn khách tiến về luống rau nhà mình. Ông niềm nở, hướng dẫn khách cách cuốc đất trồng rau. Rồi lấy đôi quang gánh móc đôi thùng nước hai bên, thoăn thoắt múc nước trong chiếc bể ở đầu bờ. Chiếc đòn gánh đặt lên vai, đôi chân lanh lẹ đi giữa hai luống rau, tay khẽ vẩy đều, những tia nước phun ra đều tắp, lấp lánh dưới ánh nắng khiến cả đoàn du khách trầm trồ, vỗ tay.

Tiếng vỗ tay kèm tiếng hò reo bất ngờ khi thấy người đàn ông gánh nước xoay nhiều vòng, nước phun ra từ hai chiếc thùng tạo nên hình ảnh vô cùng đẹp mắt. Nhiều du khách thích thú trải nghiệm gánh nước tưới cây giữa tiếng reo hò cổ vũ của những người bạn trong đoàn.

Làng rau Trà Quế là điểm đến hút khách bởi những điều bình dị.
Làng rau Trà Quế là điểm đến hút khách bởi những điều bình dị.

Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà Mai Thanh Hùng cho hay, làng Trà Quế có lịch sử hình thành gần 400 năm. Hiện trong làng có 202 hộ trồng rau với tổng diện tích 18,5 ha. Nông dân làng Trà Quế sở hữu hơn 50 loại rau, trong đó có những loại rau đặc trưng như rau húng, é, hẹ,… Những thế hệ truyền tay nhau gìn giữ giống rau xưa của làng, vừa phù hợp thổ nhưỡng lại ít sâu bệnh, mùi thơm đặc trưng.

Tại làng Trà Quế, các di tích mang tính lịch sử như giếng đá Chăm, Miếu Thổ thần, Miếu Ngũ hành… Đặc biệt, ở đây còn lưu truyền lễ cúng cầu bông những ngày đầu năm mới, trở thành nét văn hoá đặc sắc.

Tháng 4/2022, nghề trồng rau tại Trà Quế được Bộ VHTT & DL công nhận và đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, thuộc loại hình tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống.

Phil Handley bắn tim sau những trải nghiệm thú vị ở làng rau Trà Quế. Ảnh: Hoài Văn.
Phil Handley bắn tim sau những trải nghiệm thú vị ở làng rau Trà Quế. Ảnh: Hoài Văn.

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Nam cho biết, làng rau Trà Quế là đại diện duy nhất của Việt Nam giành giải Làng Du lịch tốt nhất năm 2024 của Tổ chức Du lịch Liên hiệp quốc. Giải thưởng “Làng Du lịch tốt nhất” được đưa ra nhằm nâng cao vai trò của du lịch trong việc bảo vệ các làng quê vùng nông thôn, bao gồm cảnh quan, hệ thống tri thức, sự đa dạng sinh học và văn hóa, các hoạt động địa phương bao gồm nông, lâm, chăn nuôi, thủy sản và ẩm thực.

Những ngôi làng được lựa chọn nhận giải phải có sự nổi bật về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, đồng thời có các hành động đổi mới, cam kết phát triển du lịch phù hợp với các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hiệp quốc.

Sau khi đánh giá hơn 260 hồ sơ đăng ký từ 60 quốc gia, tổ chức Du lịch Liên hiệp quốc đã ghi nhận tài nguyên văn hóa, thiên nhiên phong phú và nổi bật của Làng rau Trà Quế (tỉnh Quảng Nam), cùng những cam kết và hành động của làng tuân thủ ba trụ cột chính về phát triển du lịch bền vững.

Làng rau Trà Quế là đại diện duy nhất của Việt Nam giành giải Làng Du lịch tốt nhất năm 2024 của Tổ chức Du lịch Liên hiệp quốc (UN Tourism). Sau khi đánh giá hơn 260 hồ sơ đăng ký từ 60 quốc gia, UN Tourism đã ghi nhận tài nguyên văn hóa, thiên nhiên phong phú và nổi bật của làng rau Trà Quế, cùng những cam kết và hành động của làng tuân thủ ba trụ cột chính về phát triển du lịch bền vững.

Theo HOÀI VĂN (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Khám phá Ngọa Long Sơn

Khám phá Ngọa Long Sơn

(GLO)- Ngọa Long Sơn là một khu nhà vườn nghỉ dưỡng đẹp gần núi Hàm Rồng, trong một thung lũng đẹp, bao bọc bởi núi đồi và ruộng bậc thang, khí hậu trong lành, mát mẻ, thuộc địa bàn xã Gào, cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 11 km về phía Nam.

Xây dựng Bích Đầm thành điểm du lịch cộng đồng tại vịnh Nha Trang

Xây dựng Bích Đầm thành điểm du lịch cộng đồng tại vịnh Nha Trang

Ngày 3/1, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa phối hợp các đơn vị tổ chức hội nghị tổng kết Dự án thúc đẩy đối thoại, hợp tác giữa cộng đồng và khối tư nhân với cơ quan nhà nước trong bảo tồn rạn san hô và phát triển bền vững khu vực biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.