Emagazine

E-magazine Chiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ cuối: Những gạch nối hòa bình


Đến giờ, ông Võ Văn Sung (thôn Cửa Khẩu, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) vẫn nhớ hoài cuộc trò chuyện với cô con gái nhỏ ngày cô còn bé. Ông kể: “Mỹ Lệ hỏi tôi: “Ba ơi, sao nước da con hơi đen thế? Con xin tẩy cho trắng nhé!”. Tôi liền nói: “Đừng con, chính nhờ màu da này mà ba yêu mẹ con đấy!”. Dù giờ đây bà Son Pholla-vợ ông, một phụ nữ Khmer-qua đời đã 21 năm, song đôi lúc nhìn ngắm làn da bánh mật, đôi mắt to sáng long lanh của các con, các cháu mình, ông chợt thấy dường như bà vẫn còn đâu đây.

Năm 1978, đang học dở lớp 12 thì người thanh niên Võ Văn Sung gia nhập đoàn quân tình nguyện Việt Nam sang chiến trường K làm nghĩa vụ quốc tế. Với khao khát hiểu biết sâu sắc về đất nước và con người nơi đây, ngoài thời gian làm nhiệm vụ, ông Sung tự học tiếng Khmer để giao tiếp tốt hơn. Thông qua việc tiếp xúc với cán bộ và Nhân dân nước bạn, vốn ngôn ngữ của ông ngày càng khá dần lên.

Năm 1982, ông được điều về làm phiên dịch cho Bộ Tư lệnh Mặt trận 579 (Quân khu 5). Từ sự phối hợp giữa phía ta và Quân đội của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia trong cuộc chiến đánh đổ chế độ diệt chủng, ông và cô gái Son Pholla-một sĩ quan quân đội nước bạn đã đem lòng thương yêu nhau. Được các lãnh đạo phía bạn đã sẵn sàng đứng ra làm giấy bảo lãnh cho mối tình xuyên biên giới, họ đã vượt những trở lực lớn lúc bấy giờ để đến được với nhau.

Một cái kết thật viên mãn dành cho ông bà khi đến nay cả 6 người con đều trưởng thành, trong đó 3 người nối nghiệp cha trở thành sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, 1 người là bác sĩ, 1 người là kỹ sư. Đáng nói, dù bà Pholla qua đời song nhân duyên Việt-Cam như được tiếp tục sắp đặt khi người con thứ 2 của ông bà cũng nên duyên với một cô gái nước bạn.

Không chỉ được nhiều người biết đến với mối tình được xem là cầu nối hữu nghị giữa 2 đất nước, ông Sung còn đóng vai trò là người phiên dịch khó lòng thay thế tại các hoạt động đối ngoại giữa tỉnh Gia Lai và các tỉnh bạn của Vương quốc Campuchia. Gần đây nhất, trong những chuyến thăm, chúc Tết Nguyên đán 2024 của chính quyền, lực lượng vũ trang các tỉnh Đông Bắc Campuchia tại Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai, ông Sung vẫn là người thực hiện nhiệm vụ này. Không có gì đáng ngạc nhiên bởi sau hơn hàng chục năm trở về từ cuộc chiến song vẫn thường xuyên tham gia các hoạt động ngoại giao, tìm kiếm hài cốt quân tình nguyện Việt Nam…, sự gắn bó, am hiểu của ông đối với đất nước, văn hóa, con người nước bạn là vô cùng sâu sắc. Ông chia sẻ một kỷ niệm đáng quý:

Sinh sống tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh suốt 40 năm qua, ông Sung vui mừng chứng kiến sự trở mình, đổi thay của một vùng biên viễn. Ông nhận định: Mảnh đất Đức Cơ trong chiến tranh là địa danh lịch sử, khi hòa bình là cửa ngõ giao thương chiến lược nối Đông Bắc Campuchia và Tây Nguyên, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội toàn vùng cũng như giao lưu hợp tác hữu nghị giữa Nhân dân 2 nước. Đặt bản thân vào bối cảnh đó, ông hiểu rằng mình sẽ còn tiếp tục cống hiến chừng nào còn có thể.

Ông Võ Văn Sung nói về trách nhiệm của bản thân với vai trò “sứ giả" của tình hữu nghị.

Đến giờ, không nhiều cựu chiến binh chiến trường K có dịp về thăm lại Đức Cơ, nơi mà chỉ một bước chân qua biên giới là họ chính thức bước vào đời lính chiến. Có người vì khoảng cách địa lý xa xôi, có người còn khó khăn trong cuộc sống đời thường. Trong điều kiện đó, chuyện trở lại những địa danh từng gắn bó với các trận chiến sinh tử như đền Preah Vihear, cao điểm 547… trên đất bạn lại càng bất khả. Ấy vậy mà có một người cựu chiến binh từng tham gia phục vụ chiến trường K vẫn qua lại những nơi ấy nhiều lần để khảo sát du lịch. Đó là ông Nguyễn Tấn Thành-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Gia Lai (từng công tác ở Ban Quân lực, Phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai-Kon Tum (cũ). Những chuyến đi đó không nằm ngoài mục tiêu khảo sát, tìm kiếm sản phẩm phù hợp để phát triển du lịch nói chung, loại hình du lịch về chiến trường xưa nói riêng.

Đầu năm 2024, ở tuổi ngoài 60, ông vẫn tự cầm lái đưa đoàn cựu chiến binh đi một vòng cung qua 13 tỉnh trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam. Ông cho biết, giao thông qua 3 nước cũng như từ Đức Cơ đi các tỉnh Đông Bắc Campuchia đều thông suốt, rất thuận lợi để hình thành các tour, tuyến du lịch xuyên biên giới bằng đường bộ.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh thông tin, kế hoạch phát triển du lịch khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được lãnh đạo 3 nước thông qua với mong muốn đưa du lịch khu vực phát triển bền vững, trở thành điểm đến hấp dẫn. Gia Lai là một trong 5 tỉnh của Việt Nam nằm trong kế hoạch này. Trong năm 2024, tỉnh cũng có kế hoạch khảo sát để tham gia hiệu quả vào kế hoạch phát triển du lịch quốc gia. Nếu hình thành được tour du lịch chiến trường xưa ở vùng biên giới Đức Cơ, nơi này sẽ trở thành một điểm kết nối quan trọng trong tuyến du lịch của khu vực Tam giác phát triển.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh chia sẻ: Đức Cơ nằm ở vị trí thuận lợi trên quốc lộ 19B của Việt Nam nối với quốc lộ 78 của Campuchia. Hiện nay, ở khu vực này có 2 địa điểm thu hút khách du lịch là Quốc môn Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh và cột mốc số 30 đánh dấu chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc. Hàng năm, Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ đón nhiều đoàn cựu chiến binh và người thân các liệt sĩ về thăm. Nơi đây cũng thường diễn ra các đại lễ cầu siêu thu hút phật tử, Nhân dân 2 nước Việt Nam-Campuchia tham dự. Nếu Đức Cơ có thêm loại hình du lịch chiến trường xưa thì sẽ làm dày thêm trải nghiệm cho du khách, nhất là khách quốc tế.

Tuy nhiên, theo ông Thành, du lịch chiến trường xưa ở Đức Cơ muốn trở thành một sản phẩm đủ sức hấp dẫn thì rất cần được quan tâm đầu tư. Đó là xây dựng một nhà trưng bày các kỷ vật chiến tranh và nếu có thể thì nên phát triển thành một bảo tàng chiến tranh, trong đó có nhà lưu niệm trưng bày kỷ vật của liệt sĩ chiến trường K. Trò chuyện với chúng tôi, ông Thành khá hứng thú với ý tưởng xây dựng mô hình tái hiện “không gian chiến tranh” để thế hệ sau này hiểu được sự khốc liệt của cuộc chiến và tinh thần cao cả của người lính tình nguyện Việt Nam.

Ông Thành cho biết thêm, hiện các đơn vị lữ hành đã đưa 2 địa điểm là Quốc môn và cột mốc biên giới vào chương trình tour.


Tình cảm, trách nhiệm của thế hệ hưởng trái ngọt hòa bình cũng luôn hướng về nơi những người lính tình nguyện ngã xuống trên đất bạn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch-Trưởng ban Chỉ đạo tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Ban Chỉ đạo 515) tỉnh có rất nhiều chuyến đi đến các tỉnh Đông Bắc Campuchia với tình cảm tri ân như vậy. Đặc biệt, Trưởng ban Chỉ đạo 515 tỉnh cũng chính là cháu gái của cố Đại tá Nguyễn Hữu Hà (quê Bình Phú, Tây Sơn, Bình Định)-nguyên Chính ủy Sư đoàn 307. Giờ đây, ông đang an nghỉ cạnh liệt sĩ, Đại tá Trương Hồng Anh-nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2 tại Nghĩa trang Quân khu 5 (TP. Đà Nẵng). Thi thoảng có dịp về Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch vẫn đến thắp hương cho người bác anh hùng và đồng đội của ông tại nghĩa trang này.

Chia sẻ về nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo 515, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch cho biết, việc tìm kiếm thông tin, cất bốc quy tập và đưa hài cốt liệt sĩ về nước không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm, tình cảm thiêng liêng mà mỗi cán bộ, chiến sĩ luôn đặt để toàn bộ tâm sức. Ngoài đầu tư trang-thiết bị hiện đại để hỗ trợ tìm kiếm; rà soát, bổ sung bản đồ thông tin liệt sĩ, Ban Chỉ đạo tăng cường công tác đối ngoại nhân dân. “Việc tổ chức tiễn, đón các liệt sĩ cũng hết sức chu đáo, trang nghiêm nhằm tri ân sự đóng góp xương máu của họ đối với hòa bình của khu vực và thế giới, nhất là giúp nước bạn thoát khỏi họa diệt chủng. Đây cũng là dịp để thế hệ trẻ của 2 nước hiểu được giá trị hòa bình để tiếp tục vun đắp tình hữu nghị giữa đôi bên”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch khẳng định.

Ngoài ra, tỉnh Gia Lai cũng sẽ hỗ trợ cho cán bộ, chiến sĩ trong đội tìm kiếm, quy tập hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia học tiếng Khmer để thuận lợi trong giao tiếp, thực hiện nhiệm vụ và công tác đối ngoại. Trưởng ban Chỉ đạo 515 tỉnh thông tin thêm, với sự thống nhất và hỗ trợ của nước bạn, Gia Lai đang triển khai xây dựng đền thờ cho các liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam tại tỉnh Ratanakiri.


Có thể bạn quan tâm

Bảo tồn trống da

E-magazineBảo tồn trống da

(GLO)- Đối với người Tây Nguyên, tiếng trống đã trở thành thanh âm cội nguồn, không tách rời khỏi đời sống văn hóa tinh thần của cư dân nơi núi rừng Trường Sơn. Vì vậy, việc bảo tồn các loại trống da trong cộng đồng Bahnar, Jrai được thực hiện với những cách thức rất đặc biệt.

Mùa ươi bay

E-magazineMùa ươi bay

(GLO)- Ươi là loại cây thân gỗ, mọc nhiều trong các cánh rừng ở Chư Păh, Ia Grai, Chư Prông, Kbang… Từ giữa tháng 2 năm nay, cây ươi rừng ở Gia Lai đồng loạt ra quả. Giá thu mua hạt ươi 100-700 ngàn đồng/kg tùy loại. Sẽ không có gì đáng nói nếu cây ươi không bị khai thác theo kiểu tận diệt. 
Quà lưu niệm mang bản sắc văn hóa: “Sứ giả” du lịch

E-magazineQuà lưu niệm mang bản sắc văn hóa: “Sứ giả” du lịch

(GLO)-Quà lưu niệm không chỉ đơn thuần mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần quảng bá hình ảnh địa phương đến với mọi miền. Phát huy lợi thế đó, những năm gần đây, các ngành, các cấp ở TP. Pleiku đã từng bước đa dạng sản phẩm quà tặng du lịch gắn liền với bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc.
Chiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ 3: Người về từ chiến trường K

E-magazineChiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ 3: Người về từ chiến trường K

(GLO)- Trong suốt 10 năm người lính tình nguyện Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế, có người may mắn trở về, người đến giờ vẫn còn nằm lại trên đất bạn. Nhưng, như lời một người lính trở về thì “một cuộc sống trung thực và can đảm không cho phép chúng ta sống hời hợt, đại khái”.

Xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hiện đại

E-magazineXây dựng nền nông nghiệp thông minh, hiện đại

(GLO)- Theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, một số doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân đang bước đầu áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và hướng đến nền nông nghiệp thông minh, hiện đại.

Canh cánh nỗi lo mía cháy

E-magazineCanh cánh nỗi lo mía cháy

(GLO)- Thời tiết nắng nóng kéo dài cùng với sự bất cẩn của người dân trong đốt dọn ruộng mía tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao. Bà con nông dân đang canh cánh nỗi lo mía cháy.