Emagazine

E-magazine Chiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ 4: “Không điều gì bị lãng quên”


Không mùa khô nào, cán bộ, chiến sĩ Đội K52 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) có mặt ở nhà. Những ngày này, họ đang phơi mình dưới cái nắng như thiêu đốt của 3 tỉnh Đông Bắc Campuchia (Ratanakiri, Stung Treng và Preah Vihear) để tiếp tục công việc tìm kiếm và hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam. Các liệt sĩ đã chờ đợi quá lâu để được trở về trên đất nước mình. Do vậy, 67 cán bộ, chiến sĩ Đội K52 đều xác định đây là nhiệm vụ thiêng liêng, phải khẩn trương tiến hành bằng tất cả tâm sức.

15 giờ mà nhiệt độ ngoài trời tại tỉnh Stung Treng vẫn đang ở mức 42-43 độ C. Thượng tá Nguyễn Xuân Toản-Đội trưởng Đội K52-cho hay, do thời tiết quá khắc nghiệt nên để “trốn nắng” thì hàng ngày, từ 5 giờ 30 phút, anh em trong đội đã vội ăn bữa sáng để bắt tay vào việc; đến 10 giờ 30 phút thì dừng tay vì lúc này cái nắng nóng bắt đầu lên đến đỉnh điểm. Buổi chiều, từ 15 giờ đội mới có thể tiếp tục làm việc. Cái nắng như rang khiến nguồn nước tại chỗ khan hiếm. Để có nước sạch phục vụ nấu nướng, họ phải đặt mua từ nơi khác, sau đó chạy tăng bo thêm 10 cây số nữa mới chở được về đến nơi. Khó khăn trong công tác quy tập còn đến từ việc địa hình thay đổi nhiều do quá trình đô thị hóa, nhân chứng đa phần già yếu, nguồn thông tin ngày càng ít ỏi.

Chưa hết, theo Đội trưởng Đội K52, số mìn còn sót lại trên chiến địa xưa nhiều vô kể nên càng phải hết sức cẩn trọng, chặt chẽ.

Chính vì thế, khi đào xới, phát hiện được những mảnh xương của liệt sĩ cùng các di vật sau hàng chục năm nằm sâu dưới đất lạnh, khỏi phải nói anh em trong Đội vui mừng như thế nào. Từng ống xương, từng chiếc thắt lưng, bi đông… được nâng niu như tài sản quý. Đáng tiếc, đến giờ, những lọ penicilin cũng không thể giữ cho mảnh giấy ghi thông tin về nhân thân các anh khỏi ố mục. Từ đầu mùa khô 2023-2024 đến nay, Đội K52 đã tìm kiếm được 18 hài cốt liệt sĩ, hầu hết đều chưa xác định được thông tin. Tuy nhiên, Thượng tá Toản khẳng định: “Chúng tôi đã lấy mẫu sinh phẩm để sau này phục vụ công tác giám định ADN”. Có cha là bộ đội chống Mỹ, anh trai cũng trở về từ chiến trường K, Thượng tá Toản hiểu rõ hơn ai hết niềm mong mỏi được đón người thân trở về của các gia đình liệt sĩ, dù đó chỉ còn là chút di cốt, di vật.

Cán bộ, chiến sĩ Đội K52 luôn xác định trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ để khẩn trương đưa các anh về đất mẹ càng sớm càng tốt.

Được sự quan tâm của Chính phủ 2 nước, sự phối hợp giúp đỡ tận tình của chính quyền và người dân nước bạn Campuchia, từ năm 2001 đến mùa khô 2022-2023, cán bộ, chiến sĩ Đội K52 đã tìm kiếm, quy tập, hồi hương 1.468 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ trên đất bạn Campuchia về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ. Đáng quý hơn, sát cánh cùng Đội K52 ngay từ năm đầu tiên tổ chức tìm kiếm, quy tập (năm 2001) có một người lính trở về từ chiến trường K: Thượng tá, nguyên Phó Chỉ huy trưởng đơn vị quân báo 2287 (Quân khu 5) Võ Văn Sung. Trong hơn 20 mùa khô, không chỉ tham gia công tác này với vai trò phiên dịch cho Ban Chuyên trách tìm mộ liệt sĩ tỉnh Gia Lai, ông còn mang nặng nghĩa tình của một đồng đội đi tìm đồng đội. Những câu thơ của nhà văn-chiến sĩ Đoàn Tuấn đã nói thay tâm tư ông trong những mùa khô lặn lội trên đất bạn:

Ông Sung nhớ lại: 12 năm kể từ ngày người lính tình nguyện Việt Nam cuối cùng rút khỏi Campuchia sau khi giúp bạn đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, củng cố chính quyền thì công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mới được tiến hành trên tinh thần hợp tác, hữu nghị giữa ta và bạn. Lúc này, tình hình thực tế mang lại vô số khó khăn: Đường sá chưa được đầu tư, nhiều đoạn vẫn còn là đường đất, mìn còn sót lại không ít; an ninh chính trị của nước bạn có một số vấn đề nhạy cảm; người dân các tỉnh Đông Bắc Campuchia chưa hiểu hết ý nghĩa các đợt quy tập nên công tác dân vận là khâu vô cùng quan trọng… Vì vậy, đợt đầu tiên hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ đã để lại cho người cựu chiến binh này cảm xúc đặc biệt. Đồng đội trở về từ chiến địa, cả những người may mắn lớn lên trên một đất nước yên hàn đang làm tất cả để các anh biết rằng, không một ai trong số các anh bị lãng quên.


Hàng chục năm sau khi trở về với đời thường và cuộc mưu sinh, đến nay, những người lính chiến trường K vẫn gìn giữ nhiều hiện vật mà với người khác là vô tri, với họ là vô giá. Thời gian gần đây, Ban Liên lạc truyền thống cựu chiến binh Sư đoàn Bộ binh 307 (Mặt trận 579, Quân khu 5) đang vận động cựu chiến binh đóng góp những “tài sản” quý này với mong muốn xây dựng nhà lưu niệm trưng bày kỷ vật của liệt sĩ chiến trường K tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ-“ngôi nhà thiêng” của hàng vạn liệt sĩ qua các cuộc kháng chiến.

Trân trọng bày ra những kỷ vật được trao tặng, ông Phạm Thanh Chung-Thành viên Ban Liên lạc-lần lượt giới thiệu với chúng tôi về “người bạn đường” của lính suốt chặng đường hành quân. Đó là chiếc bi đông đựng nước do các cựu chiến binh Vương Hữu Quyên, Phạm Ngọc Triết (TP. Đà Nẵng), Lê Văn Bảy (tỉnh Quảng Nam) đóng góp; can vàng đựng nước do cựu chiến binh Ngô Bá Vinh (tỉnh Khánh Hòa) gửi về. Nói như ông Chung, chúng từng chứng kiến sự khổ sở của người lính khi phải chiến đấu ở xứ sở mà “cái nóng như thiêu đốt ở những triền dông không một bóng cây, dưới chân là đá, trên đầu nắng như đổ lửa… Thiếu nước, cái nóng bên trong cơ thể còn ghê gớm hơn hơi nóng trên 45 độ C bên ngoài. Máu đã đặc lại đến giới hạn cuối cùng, cơ thể khô kiệt, không còn nước để tiết mồ hôi…”.

Chiếc la bàn của cựu lính trinh sát Đinh Văn Trí (TP. Hồ Chí Minh) hay mặt nạ chống độc của người đồng đội Đặng Từ Tiên (tỉnh Phú Yên) đóng góp cũng là những hiện vật gợi rất nhiều ký ức sâu đậm về đời lính chiến. Có một bộ quần áo còn khá mới được cựu chiến binh Man Đức Khanh (tỉnh Bình Định) gấp gọn gửi về đã “kể lại” câu chuyện xúc động. Ngày đó, dù trang phục thiếu thốn nhưng hầu như người lính nào cũng dành lại một bộ tươm tất nhất để dành trong ba lô với suy nghĩ: nếu mình chẳng may nằm xuống thì đồng đội chí ít cũng có kỷ vật mang về trao gửi lại cho gia đình. Họ luôn trong tâm thế sẵn sàng hy sinh như thế trước mỗi trận đánh.


Ông Phạm Thanh Chung giới thiệu về những kỷ vật chiến trường quý giá được cựu lính tình nguyện Việt Nam gìn giữ qua hàng chục năm.

Cầm lên một kỷ vật trông như chiếc thố lớn bằng sắt, ông Chung cho hay đây là chiếc “mâm 6” đựng cơm đủ cho 6 anh em thương binh sau các cuộc chiến, do cựu chiến binh Trầm Lợi Tín (tỉnh Khánh Hòa) gửi tặng kèm dòng chữ:

Ông Chung bồi hồi kể, có những thương binh đã ăn bữa ăn cuối cùng từ mâm 6 này rồi hy sinh vì vết thương quá nặng. Ngoài ra, nhiều tập sách đã xuất bản ghi lại hồi ức chiến trường K cũng được các nhà văn, cựu chiến binh gửi tặng để làm phong phú thêm thông tin, hiện vật cho nhà trưng bày sau khi được xây dựng.

Từ tỉnh Đồng Nai, cựu lính trinh sát Sư đoàn 307 Võ Văn Hà chia sẻ với chúng tôi niềm xúc động khi được nhìn ngắm lại số kỷ vật mà đồng đội từ nhiều vùng miền trong cả nước đóng góp. “La bàn Mỹ, cực kỳ hiếm. Còn cái can vàng, lính 307 nhìn thấy là sợ tới già!”-ông tếu táo nói. Trở về sau 6 năm khổ nhọc trên chiến trường, với tố chất của con người sinh ra ở vùng “đất võ trời văn” Bình Định, ông Hà viết lại những gì mình chứng kiến, trải nghiệm với giọng kể cực kỳ chi tiết, cuốn hút, sau đó đăng tải trên một số trang mạng. Một kênh YouTube đã biên tập lại các bài viết này thành 33 kỳ liên tiếp, thu hút sự chú ý đông đảo người nghe.

Ông Hà cho hay, ông bắt đầu đời lính chiến ngay từ khi bước chân qua cửa ngõ Đức Cơ vào năm 1978 nhưng khi phục viên thì qua ngả Phnôm Pênh, vậy nên bẵng đi từ bấy đến nay, ông chưa từng một lần trở lại Đức Cơ.

Tìm lại những kỷ vật cá nhân im tiếng suốt gần 40 năm qua, ông Hà cho hay ông còn giữ lại chiếc mũ cối và bản Lý lịch quân nhân có chữ ký của Đại úy Trần Bá Khánh-Trung đoàn trưởng Trung đoàn 95, Sư đoàn 307 lúc bấy giờ. Với niềm quyến luyến, ông cho biết sẽ cân nhắc về việc gửi tặng cho Ban Liên lạc.

Rồi người lính trinh sát ngày nào nhắn thêm đôi dòng mà chúng tôi hiểu rằng, khi gõ những dòng ấy, có thể lòng ông đang dậy lên một con sóng: “Trong trái tim và suy nghĩ của anh em chúng tôi, Đức Cơ là mảnh đất rất nhiều yêu thương và cảm xúc. Trong đời, những tháng ngày hào hùng thời trai trẻ ai mà không trân quý. Giờ đây, có một ước mơ nguyên vẹn còn mãi trong tôi: Một lần được trở lại Đức Cơ, để được là một người lính trẻ thời ôm súng bảo vệ đất nước, để sống lại những tháng ngày đẹp nhất của đời người”.

Có thể bạn quan tâm

Bảo tồn trống da

E-magazineBảo tồn trống da

(GLO)- Đối với người Tây Nguyên, tiếng trống đã trở thành thanh âm cội nguồn, không tách rời khỏi đời sống văn hóa tinh thần của cư dân nơi núi rừng Trường Sơn. Vì vậy, việc bảo tồn các loại trống da trong cộng đồng Bahnar, Jrai được thực hiện với những cách thức rất đặc biệt.

Mùa ươi bay

E-magazineMùa ươi bay

(GLO)- Ươi là loại cây thân gỗ, mọc nhiều trong các cánh rừng ở Chư Păh, Ia Grai, Chư Prông, Kbang… Từ giữa tháng 2 năm nay, cây ươi rừng ở Gia Lai đồng loạt ra quả. Giá thu mua hạt ươi 100-700 ngàn đồng/kg tùy loại. Sẽ không có gì đáng nói nếu cây ươi không bị khai thác theo kiểu tận diệt. 
Quà lưu niệm mang bản sắc văn hóa: “Sứ giả” du lịch

E-magazineQuà lưu niệm mang bản sắc văn hóa: “Sứ giả” du lịch

(GLO)-Quà lưu niệm không chỉ đơn thuần mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần quảng bá hình ảnh địa phương đến với mọi miền. Phát huy lợi thế đó, những năm gần đây, các ngành, các cấp ở TP. Pleiku đã từng bước đa dạng sản phẩm quà tặng du lịch gắn liền với bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc.
Chiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ cuối: Những gạch nối hòa bình

E-magazineChiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ cuối: Những gạch nối hòa bình

(GLO)- Những người lính từ mặt trận trở về, những người chỉ lặng lẽ phía sau phục vụ chiến đấu và cả những người sinh ra dưới bầu trời không tiếng súng… đều tiếp tục tự nguyện trở thành gạch nối hòa bình giữa 2 quốc gia, 2 dân tộc, hóa giải sâu sắc những đau thương để lại từ một cuộc chiến.

Chiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ 3: Người về từ chiến trường K

E-magazineChiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ 3: Người về từ chiến trường K

(GLO)- Trong suốt 10 năm người lính tình nguyện Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế, có người may mắn trở về, người đến giờ vẫn còn nằm lại trên đất bạn. Nhưng, như lời một người lính trở về thì “một cuộc sống trung thực và can đảm không cho phép chúng ta sống hời hợt, đại khái”.

Xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hiện đại

E-magazineXây dựng nền nông nghiệp thông minh, hiện đại

(GLO)- Theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, một số doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân đang bước đầu áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và hướng đến nền nông nghiệp thông minh, hiện đại.

Canh cánh nỗi lo mía cháy

E-magazineCanh cánh nỗi lo mía cháy

(GLO)- Thời tiết nắng nóng kéo dài cùng với sự bất cẩn của người dân trong đốt dọn ruộng mía tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao. Bà con nông dân đang canh cánh nỗi lo mía cháy.