Lễ hội tưởng nhớ danh nhân Nguyễn Đình Chiểu tại huyện Ba Tri

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 28-6, tại huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre), UBND tỉnh Bến Tre đã tổ chức lễ hội với chủ đề "Nguyễn Đình Chiểu-Cuộc đời và sự nghiệp" nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của danh nhân.
 

Lễ hội trưng bày hơn 300 hiện vật, tư liệu, hình ảnh về danh nhân Nguyễn Đình Chiểu.

Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (tên thường gọi Đồ Chiểu) sinh ngày 1-7-1822 tại làng Tân Thới, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (nay thuộc phường Cầu Kho, quận 1, TP. Hồ Chí Minh).

Chân dung Nhà thơ yêu nước của dân tộc - Nguyễn Đình Chiểu (Ảnh chụp qua tư liệu)
Chân dung Nhà thơ yêu nước của dân tộc - Nguyễn Đình Chiểu (Ảnh chụp qua tư liệu)


Ông xuất thân từ một gia đình nhà nho, thân sinh của ông là người làng Bồ Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Sau Hòa ước Nhâm Tuất 1862, Đồ Chiểu về Ba Tri (Bến Tre) dạy học, làm thuốc và sáng tác thi, phú chống giặc. Nhờ sống gắn bó với Nhân dân, ông hiểu đồng bào của mình sâu sắc hơn. Chính trong thời gian này, Nguyễn Đình Chiểu sáng tác truyện thơ đầu tiên Lục Vân Tiên. Tác phẩm đề cập đến vấn đề đạo nghĩa ở đời, mang dấu ấn tự truyện đã được nhanh chóng phổ biến rộng rãi trong dân gian. Nhiều người dù không biết chữ nhưng vẫn đọc thuộc làu. Sau đó nghệ thuật “nói thơ Lục Vân Tiên” ra đời, hình thức này làm cho truyện Lục Vân Tiên thêm hấp dẫn và dễ đi vào lòng người.

Ngày 17-2-1858, giặc Pháp chiếm thành Gia Định. Ông cùng gia đình chạy về quê vợ ở làng Thanh Ba (huyện Cần Giuộc). Cũng tại nơi đây, ông đã sáng tác áng văn bất hủ "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" ngợi ca chiến công anh hùng của những người "dân ấp Dân Lân" trong trận tấn công đồn Tây Dương, mà người bạn đồng khoa với ông là Đỗ Trình Thoại đã hy sinh cùng với 7 nghĩa quân khác. Tác phẩm Dương Từ-Hà Mậu trong đó có câu thơ nổi tiếng “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm, Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” cũng được sáng tác tại đây.


Khi 3 tỉnh miền Đông rơi vào tay quân Pháp, không chịu sống trong vùng chiếm đóng của giặc, Nguyễn Đình Chiểu cùng gia đình xuôi thuyền về làng An Đức, tổng Bảo An, tỉnh Vĩnh Long (nay là huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre).

Lãnh đạo tỉnh Bến Tre tham quan tại buổi triển lãm. Ảnh nguồn Báo Thanh Niên
Lãnh đạo tỉnh Bến Tre tham quan tại buổi triển lãm. Ảnh nguồn Báo Thanh Niên



Đầu tiên Cụ sống nhờ nhà một người bạn là ông nghè Long. Ít lâu sau, cụ cất được một ngôi nhà lá tại làng An Bình Đông (nay là Ô 2 thị trấn Ba Tri). Tại đây, Cụ tiếp tục dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho dân, đồng thời vẫn giữ mối liên hệ chặt chẽ với những sĩ phu yêu nước như Phan Văn Trị, Nguyễn Thông và lực lượng kháng chiến. Khi được tin Trương Định hy sinh (19-8-1864), nhà thơ xúc động, viết bài Văn tế và Mười hai bài thơ liên hoàn điếu người anh hùng. Mười bài thơ điếu Đốc binh Phan Tòng hy sinh trong trận Giồng Gạch (1868), người bạn bè thân thiết với Cụ, lời lẽ rất thống thiết, có những câu thơ tâm huyết như tạc vào đá: "Tinh thần hai chữ phau sương tuyết, khí phách ngàn thu rỡ núi non".  

Thời gian này, Nguyễn Đình Chiểu sáng tác nhiều thơ văn bi tráng nhất, tiếc thương những đồng bào, bạn bè, đồng chí đã ngã xuống vì sự nghiệp độc lập, tự do của Tổ quốc. Nổi bật là thiên hùng bút Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh. Đồng bào ở đây kể lại rằng chính ông đứng ra làm lễ tế những nghĩa sĩ Lục tỉnh ngay tại chợ Ba Tri. Khi đọc xong bài điếu, nước mắt chảy ràn rụa và ông lăn ra nằm bất tỉnh.

Tác phẩm "Ngư tiều y thuật vấn đáp" được viết vào giai đoạn cuối đời với một niềm tâm sự sâu lắng, xót xa hơn trước cảnh đất nước bị giặc xâm chiếm, nhưng không hề tuyệt vọng.

Bến Tre không phải là nơi sinh của nhà thơ, nhưng lại là nơi vinh hạnh được ông chọn để sống, hoạt động trong suốt 26 năm đầy biến cố phức tạp vào giai đoạn cuối đời và đã vĩnh viễn gửi xương cốt tại đây. Ngày 3-7-1888, sau cơn bệnh nặng Cụ qua đời, hưởng thọ 66 tuổi. Cái chết của Cụ đã để lại niềm tiếc thương vô hạn, lớp lớp học trò, con cháu, bạn bè gần xa, những thân chủ được Cụ chữa khỏi bệnh và những đồng bào quanh vùng hoặc đã chịu ơn hoặc vì mến nghĩa Cụ với lòng tôn kính, ngưỡng mộ.

Tại lễ hội cũng trưng bày các tác phẩm của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh nguồn Báo Thanh Niên
Tại lễ hội cũng trưng bày các tác phẩm của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh nguồn Báo Thanh Niên


Hơn một phần tư thế kỷ, sống trên đất Bến Tre, Nguyễn Đình Chiểu đã để ở đây một ảnh hưởng to lớn và một di sản tinh thần vô cùng quý báu, góp phần tạo nên truyền thống kiên cường, bất khuất của một vùng đất anh hùng. Cụ đã dùng ngòi bút để ca ngợi các cuộc kháng chiến của nghĩa quân, tố cáo tội ác của giặc Pháp, kiên quyết chống bọn vua quan bán nước, không hợp tác với giặc, giữ vẹn tấm lòng yêu nước, thương dân. Hiện nay, nhiều con đường, trường học, bệnh viện ở Bến Tre và các thành phố lớn trong cả nước đã được vinh dự mang tên Cụ. Từ năm 1946 đến 1948, tỉnh Bến Tre được đổi tên là tỉnh Đồ Chiểu.

Để tỏ lòng thành kính với Cụ Đồ, hàng năm, vào ngày 1-7, người dân tỉnh Bến Tre tổ chức lễ hội Nguyễn Đình Chiểu. Lễ hội ngày càng được nâng lên sau mỗi năm tổ chức để xứng đáng với công đức của Cụ. Phần lễ được tổ chức long trọng, trang nghiêm, phần hội cũng không kém phần sôi nổi với nhiều hoạt động như: bốc thuốc miễn phí, thi nấu ăn, kéo co, đập niêu, triển lãm ảnh, Liên hoan đờn ca tài tử, Liên hoan hóa trang các nhân vật trong truyện Lục Vân Tiên, ngâm thơ, múa lân, thi đấu võ thuật… Khách tham dự từ Trung ương và các tỉnh đến mỗi năm mỗi tăng.

Ngày 23-11-2021 tại Paris (Pháp), Tổ chức UNESCO đã thông qua nghị quyết vinh danh Nguyễn Đình Chiểu Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ, nhà văn hóa lớn của nhân loại. Năm nay, tỉnh Bến Tre đã có nhiều hoạt động vinh danh nhà thơ có số phận khá đặc biệt này.

 

PHƯƠNG VI (tổng hợp)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Hà Hoài Phương: Tự khúc

Thơ Hà Hoài Phương: Tự khúc

(GLO)- "Tự khúc" của tác giả Hà Hoài Phương là những chiêm nghiệm rất thực về cuộc đời. Sau cơn mưa trời lại sáng, không có điều gì tồn tại mãi, dù đó có là những niềm vui, hạnh phúc hay khổ đau...
Xếp sách nghệ thuật

Xếp sách nghệ thuật

(GLO)- Như một kiến trúc sư với nguyên vật liệu là sách, các nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai đã dày công sáng tạo và mô phỏng thành công nhiều công trình văn hóa-lịch sử đẹp mắt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa đọc.
Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

(GLO)- Đất trời Tây Nguyên trong bung biêng thanh âm cồng chiêng, men cay rượu cần nồng nàn, vấn vít, nhịp xoang quyến luyến, tay nắm tay chẳng rời... được nhà thơ Ngô Thanh Vân một lần nữa nhắc đến trong bài thơ "Vào hội".

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...