Hàng Việt "lên ngôi"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cách đây khoảng 5 năm, các mặt hàng hoa quả, thực phẩm, bánh kẹo, hàng tiêu dùng, quần áo, giày dép, chăn, màn, đồ chơi trẻ em… có nguồn gốc từ Trung Quốc tràn ngập các chợ nông thôn nhờ ưu thế giá rẻ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hàng Trung Quốc đã dần vắng bóng, thay thế vào đó là các mặt hàng do doanh nghiệp trong nước sản xuất.

Trong chuyến đi công tác tại huyện Krông Pa mới đây, chúng tôi có dịp đến một số chợ nông thôn ở các xã vùng xa. Điều thú vị là hàng hóa ở đây khá phong phú, đầy đủ các mặt hàng từ thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả... đến quần áo, giày dép, đồ gia dụng và hầu hết đều do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất.

 

Hàng Việt về nông thôn. Ảnh: A.K
Hàng Việt về nông thôn. Ảnh: A.K

Chị Nguyễn Thị Hồng Đào-người buôn bán hàng mỹ phẩm, quần áo, đồ gia dụng ở chợ Ia Rsai (huyện Krông Pa) nói: “Trước đây, tôi bán nhiều mặt hàng giá rẻ có nguồn gốc từ Trung Quốc như đồ chơi trẻ em, hàng tiêu dùng, đồ may mặc, giày dép… Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, sức mua các mặt hàng này rất chậm nên dần dần tôi không nhập hàng về bán nữa. Hiện tại, toàn bộ sản phẩm tôi bán ở đây là hàng Việt Nam lấy từ chợ Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh”. Để chứng minh thêm lý do vì sao chọn hàng Việt để bán, chị Đào cho biết, một đôi tất trẻ em hiệu Amigo do cơ sở Ánh Minh (Việt Nam) sản xuất giá 17.500 đồng, trong khi hàng Trung Quốc giá 15.000 đồng. Mặc dù rẻ hơn 2.500 đồng nhưng hàng Trung Quốc lại kém xa về chất lượng. Vì vậy, người dân sẵn sàng chi thêm vài ngàn đồng nữa để mua hàng Việt Nam về sử dụng.
 

Trong năm 2016, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại Gia Lai sẽ tổ chức 7 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn trên địa bàn tỉnh, tăng 1 phiên chợ so với năm 2015. Quy mô và cách thức tổ chức các phiên chợ trong năm 2016 sẽ được cải tiến nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân nông thôn.

Cùng chung quan điểm này, anh Võ Hoàng Huynh-chủ shop giày dép tại trung tâm xã Chư Rcăm (huyện Krông Pa) cho biết: Hàng Trung Quốc tuy mẫu mã đẹp, bắt mắt người tiêu dùng nhưng chất lượng lại kém. 3 năm trước, tôi có nhập lô hàng từ Trung Quốc nhưng bán không được, để lâu bị ẩm bong tróc da bên ngoài nên từ đó đến nay tôi chuyển sang bán hàng do các công ty trong nước sản xuất. Giờ ít người mua hàng Trung Quốc lắm, dù giá cả rẻ hơn hàng Việt đôi chút.

Theo ghi nhận của chúng tôi ở một vài chợ nông thôn tại huyện Krông Pa, hiện nay, hầu hết các mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc đã dần vắng bóng. Qua quá trình kiểm tra, kiểm soát nguồn hàng của các ban quản lý chợ ở đây cho thấy, số lượng hàng Trung Quốc về chợ trong thời gian gần đây giảm rất nhiều. Sở dĩ các tiểu thương không nhập hàng Trung Quốc về bán nữa là vì hàng Việt Nam hiện mẫu mã khá đa dạng, chất lượng bảo đảm, giá cả phù hợp với thu nhập của người dân thôn quê. Hiện tại, các mặt hàng quần áo, hàng tiêu dùng bán ở chợ nông thôn chủ yếu là hàng trong nước sản xuất, còn các mặt hàng như trái cây, rau củ, quả chủ yếu lấy từ Đà Lạt, các nhà vườn trong tỉnh hoặc từ các tỉnh miền Tây.

Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn ở tỉnh ta đã mang lại những hiệu ứng tích cực và đưa nhiều loại sản phẩm thiết yếu của các doanh nghiệp sản xuất trong nước đến gần với người tiêu dùng nông thôn. Tuy nhiên, những phiên chợ hay chuyến hàng Việt về nông thôn vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Theo phản ánh từ nhiều doanh nghiệp từng tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, không ít phiên chợ hàng Việt tổ chức còn khá rời rạc, thiếu sự liên kết, chuyên nghiệp. Thậm chí, một vài doanh nghiệp chưa có ý thức coi trọng khách hàng khi bán hàng lỗi mốt, hàng tồn, hàng kém chất lượng. Mặt khác, các chuyến hàng khi về đến các xã đều diễn ra trong thời gian rất ngắn và không cố định; hàng hóa, mẫu mã sản phẩm chưa phong phú, đa dạng, chất lượng chưa ổn định nên không thu hút được đông người mua. Tại các chợ ở địa phương vẫn còn các đại lý trên địa bàn bày bán sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thậm chí còn có cả hàng giả, hàng nhái. Bản thân doanh nghiệp khi tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn cũng vấp phải không ít khó khăn. Phần lớn kinh phí thực hiện đưa hàng Việt về nông thôn đều do doanh nghiệp tự trang trải. Chưa kể tình hình kinh tế suy thoái, thu nhập giảm sút nên sức mua của người dân cũng hạn chế… Do đó, để hàng Việt thật sự chiếm lĩnh thị trường nông thôn cần có cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận với thị trường tiêu thụ rộng lớn này.

Anh Khoa

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

(GLO)- Để đảm bảo cung ứng điện trong thời điểm nắng nóng kéo dài, ngành Điện Gia Lai đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời kêu gọi khách hàng thực hành tiết kiệm và sử dụng điện an toàn, hiệu quả.
Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.