Đẩy mạnh hoạt động quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng là một quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước có mục tiêu hoạt động nhằm huy động các nguồn lực của xã hội để bảo vệ và phát triển rừng, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng; nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng của những người được hưởng lợi từ rừng hoặc có các hoạt động ảnh hưởng trực tiếp đến rừng; nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, sử dụng và bảo vệ rừng cho các chủ rừng góp phần thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp.

Phạm vi hoạt động của Quỹ liên quan đến các đối tượng là tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân được sử dụng và hưởng lợi các dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). DVMTR là các giá trị sử dụng môi trường rừng bao gồm: thực vật rừng, động vật rừng, vi sinh vật rừng, nước, đất, không khí và cảnh quan tự nhiên. Bên cung ứng DVMTR là tổ chức, cá nhân người lao động trong ngành lâm nghiệp, người trực tiếp đầu tư vốn và lao động để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; bên sử dụng DVMTR là các nhà máy thủy điện, nhà máy sản xuất nước, các công ty du lịch… sử dụng DVMTR để sản xuất ra các sản phẩm như điện, nước sạch, sản phẩm dịch vụ…
 

Vườn Quốc gia Kông Ka Kinh. Ảnh: Minh Dưỡng
Vườn Quốc gia Kông Ka Kinh. Ảnh: Minh Dưỡng

Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Gia Lai được UBND tỉnh thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7-2012 đến nay đã đạt một số kết quả bước đầu. Cùng với việc vừa nhanh chóng xây dựng tổ chức bộ máy quản lý, Quỹ đã kịp thời triển khai công tác thống kê, rà soát xác định các đối tượng sử dụng DVMTR trên địa bàn tỉnh. Tính đến nay có 20 cơ sở thủy điện (với 28 nhà máy) sử dụng DVMTR trong phạm vi lưu vực nội tỉnh và 6 nhà máy thủy điện thuộc lưu vực liên tỉnh (Ia Ly, Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4, Sê San 4A và Sông Ba Hạ) và 1 cơ sở sản xuất nước sạch (với 2 nhà máy). Sau khi UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch thu tiền DVMTR năm 2011 và 2012, Quỹ đã tiến hành công tác ký kết hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR giữa Quỹ và các đơn vị sử dụng DVMTR để huy động nguồn tài chính cho Quỹ với kết quả bước đầu đã thu được 70 tỷ đồng đạt 109% dự toán thu.

Có thể coi đây là một nguồn tài chính ngoài ngân sách nhà nước quan trọng, làm tăng thêm nguồn lực cho ngân sách địa phương góp phần giải quyết các nhiệm vụ kinh tế-xã hội liên quan đến nghề rừng trên địa bàn tỉnh. Mức thu tiền chi trả theo quy định hiện hành được xác định là 20 đồng/kwh điện thương phẩm và 40 đồng/m3 nước sạch. Quỹ cũng thực hiện chi trả tiền DVMTR cho 18 Ban Quản lý Rừng phòng hộ, đặc dụng và 11 Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh với số tiền trên 47 tỷ đồng cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Mức chi trả trực tiếp cho người nhận khoán bảo vệ rừng là 250.000 đồng/ha rừng giao khoán; mức chi trả cho chủ rừng đối với diện tích rừng chưa giao khoán là 140.000 đồng/ha. Ngoài ra, các chủ rừng còn nhận được 10% trên tổng số tiền chi trả trực tiếp cho người nhận khoán để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Chính sách chi trả DVMTR bước đầu đã phát huy tác dụng tích cực. Thời gian qua, Quỹ đã góp phần huy động nguồn thu tài chính, theo đó giảm bớt gánh nặng chi tiêu của ngân sách nhà nước, bảo đảm nguồn tài chính chủ động để phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Các tổ chức, cá nhân sử dụng DVMTR nhận thức được trách nhiệm của mình đã chấp hành chính sách một cách nghiêm túc.

Năm 2013, Ban Quản lý Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan đề xuất cho UBND tỉnh có những quy định, hướng dẫn, cơ chế quản lý các nguồn tài chính hình thành của Quỹ để tổ chức thực hiện chính sách chi trả DVMTR đến từng đối tượng cung ứng và sử dụng DVMTR phù hợp tình hình thực tế ở địa phương nhằm huy động kịp thời nguồn chi trả và thực hiện chi trả đúng đối tượng theo quy định hiện hành. Nâng cao ý thức chấp hành chính sách chi trả tiền DVMTR đối với các đơn vị sử dụng DVMTR. Theo cơ chế chính sách chi trả DVMTR, người sử dụng DVMTR có trách nhiệm trả tiền cho bên cung ứng dịch vụ. Khoản chi trả này được xem là nghĩa vụ bắt buộc bên sử dụng DVMTR phải trả cho bên cung ứng DVMTR. Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh có nhiệm vụ tổ chức nhận ủy thác chi trả tiền DVMTR cho các chủ rừng. Các đơn vị sử dụng DVMTR có trách nhiệm thu nộp khoản tiền đóng góp bắt buộc nêu trên theo quy định của Nhà nước vào Quỹ để hình thành nguồn tài chính để thực hiện chi trả cho các chủ rừng-người cung cấp DVMTR. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR qua các hình thức tuyên truyền phù hợp. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng chủ động phối hợp với các cơ quan tuyên truyền ở địa phương cung cấp thông tin về chính sách chi trả tiền DVMTR với mục đích giúp cho các cơ sở sử dụng DVMTR nắm vững chính sách chi trả, từ đó có trách nhiệm tự giác đăng ký, kê khai nộp tiền chi trả vào Quỹ, mặt khác tạo ra sự đồng thuận cao trong xã hội góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng.  

Bên cạnh đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng có trách nhiệm hướng dẫn đến các cơ sở sử dụng DVMTR thực hiện các quy định về thủ tục đăng ký kế hoạch nộp tiền chi trả DVMTR, kê khai nộp tiền và quyết toán tiền chi trả DVMTR đối với Quỹ. Quỹ sẽ tham gia phối hợp với ngành lâm nghiệp và các ngành hữu quan trong quá trình tiến hành rà soát, xác định diện tích rừng cung ứng DVMTR của từng chủ rừng; trong nghiệm thu diện tích rừng cung ứng DVMTR; trong triển khai thực hiện các dự án liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng và thực hiện chính sách chi trả DVMTR.  

Trần Trưng

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

(GLO)- Để đảm bảo cung ứng điện trong thời điểm nắng nóng kéo dài, ngành Điện Gia Lai đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời kêu gọi khách hàng thực hành tiết kiệm và sử dụng điện an toàn, hiệu quả.
Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.