15 năm Phú Thiện: Những bước tiến vững chắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) được thành lập cuối tháng 3-2007, trên cơ sở chia tách từ huyện Ayun Pa (cũ), dân số ban đầu hơn 64.000 người, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm gần 60%, tổng diện tích tự nhiên trên 50.000 ha. Sau 15 năm thành lập, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Phú Thiện đã đoàn kết xây dựng địa phương phát triển nhanh, bền vững.
Nỗ lực vượt qua khó khăn
Những năm đầu mới thành lập, Đảng bộ và Nhân dân huyện Phú Thiện đối mặt với không ít khó khăn, thử thách. Đó là một huyện thuần nông, nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế; công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tập trung; thương mại-dịch vụ quy mô không đáng kể; kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, yếu kém. Các vấn đề về việc làm, môi trường, dịch bệnh còn đặt ra nhiều thách thức. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tiềm ẩn nhiều yếu tố mất ổn định, nhất là hoạt động phục hồi tổ chức FULRO, “Tin lành Đê ga”. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân còn nhiều khó khăn...
Trước tình hình đó, được sự quan tâm đầu tư của trung ương, của tỉnh và quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, chính quyền cùng sự đoàn kết đồng lòng của quân và dân các dân tộc, huyện Phú Thiện đã nhanh chóng ổn định tình hình, sắp xếp, kiện toàn bộ máy chính quyền các cấp và các cơ quan chuyên môn từng bước khắc phục khó khăn, đi vào hoạt động ổn định.
Thị trấn Phú Thiện ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: Đức Phương
Thị trấn Phú Thiện ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: Đức Phương
“Lúc mới thành lập, đội ngũ cán bộ của huyện vừa thiếu lại vừa yếu. Phần lớn cán bộ, công chức, viên chức công tác ở huyện Phú Thiện chuyển từ thị xã Ayun Pa về, nhà cửa ở bên đó, ít nhiều đều không muốn xa gia đình. Nhiều cán bộ trẻ còn thiếu kinh nghiệm, nhất là kinh nghiệm thực tế cơ sở. Tuy vậy, nhờ làm tốt công tác tư tưởng, rồi thực hiện phương châm vừa công tác vừa đào tạo, bồi dưỡng nên dần dà đội ngũ được bổ sung, rèn luyện và tiến bộ, đáp ứng yêu cầu công việc. Đáng chú ý là huyện đã nhanh chóng triển khai thực hiện Đề án 03 của Tỉnh ủy về tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp đại học bố trí về cơ sở công tác, thực hiện chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để họ an tâm công tác và gắn bó lâu dài”-ông Đỗ Ngọc Thành-nguyên Bí thư Huyện ủy-cho biết.
Thành tựu nhiều mặt
Được các cấp, các ngành quan tâm giúp đỡ, sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị-xã hội, đặc biệt là sự đoàn kết, đồng lòng của người dân, Phú Thiện đã có bước tiến dài trong hành trình tiến kịp với các địa phương khác trong tỉnh. Đến năm 2021, 17 chỉ tiêu kinh tế-xã hội hầu hết đều đạt và vượt so với Nghị quyết của HĐND huyện đề ra. Trong đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 11,03%, tổng giá trị sản xuất đạt 3.111,46 tỷ đồng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tổng vốn đầu tư phát triển xã hội 765,7 tỷ đồng, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 35,527 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người 36 triệu đồng/năm...
Là vùng chuyên canh cây lúa nước với hơn 6.000 ha, có đại công trình thủy lợi Ayun Hạ với năng lực tưới 13.500 ha, từ năm 2016, huyện Phú Thiện triển khai thí điểm mô hình cánh đồng mẫu lớn trên một số cây trồng chủ lực như lúa, mía, rau. Sau đó, nhanh chóng hình thành 21 cánh đồng lúa một giống, 13 cánh đồng mía lớn và 1 cánh đồng rau lớn; trong đó có 2 cánh đồng mẫu lớn với 100% hộ dân tộc thiểu số tham gia. Đặc biệt, “Gạo Phú Thiện” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận bảo hộ độc quyền nhãn hiệu, giúp nâng tầm giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ, cải thiện thu nhập cho nông dân, thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển. Năm 2021, UBND huyện phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời liên kết sản xuất, tiêu thụ toàn bộ sản phẩm lúa cho người dân với tổng diện tích 145,7 ha. Mô hình là tiền đề quan trọng thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương cũng như xây dựng thương hiệu gạo Phú Thiện.
Mô hình cánh đồng lúa lớn một giống huyện Phú Thiện. Ảnh: Đức Phương
Mô hình cánh đồng lúa lớn một giống huyện Phú Thiện. Ảnh: Đức Phương
Cũng với nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, tháng 8-2019, huyện Phú Thiện được chọn triển khai xây dựng mô hình hợp tác xã (HTX) điểm kiểu mới của tỉnh. Các HTX sau đó nhanh chóng đổi mới hoạt động và mang lại hiệu quả thiết thực. Điển hình như HTX nông nghiệp Chư A Thai (xã Ia Ake) liên kết với các hộ thành viên sản xuất các bộ giống lúa tốt nhằm góp phần nâng cao chất lượng gạo Phú Thiện, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Đầu năm 2021, huyện Phú Thiện chính thức trở thành địa phương thứ 3 của tỉnh thành lập và đi vào hoạt động Trung tâm Trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP và nông sản sạch, địa điểm tại HTX nông nghiệp Chư A Thai giới thiệu và kinh doanh 56 sản phẩm OCOP, 25 sản phẩm nông sản sạch.
Chăm lo ổn định cuộc sống bà con dân tộc thiểu số là thành tích lớn của địa phương. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ huyện đã chủ động xây dựng và triển khai thực hiện Đề án phát triển kinh tế-xã hội các làng gồm: Pông, Kinh Pêng, Trớ và Hek (là vùng căn cứ kháng chiến của xã Chư A Thai). Khởi phát thành công từ làng Pông-làng nông thôn mới đầu tiên của tỉnh, ngày 13-2-2018, Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh” được ban hành. Địa phương quán triệt và cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Đề án phát triển kinh tế-xã hội 4 làng Đồn, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ ra khắp tỉnh về xây dựng làng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến cuối năm 2021, toàn huyện có 5 xã và 14 làng đạt chuẩn nông thôn mới. Theo ông Nguyễn Văn Phụng-nguyên Chủ tịch UBND huyện: “Xây dựng cánh đồng lớn, làm thay đổi bộ mặt 4 làng Đồn trong thực hiện Chỉ thị 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy mà sau đó các địa phương khác nghiên cứu, vận dụng là những kết quả nổi bật trong chặng đường phát triển của huyện”. 
Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực y tế, giáo dục đều có bước tiến quan trọng. Cùng với công tác giảm nghèo, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị số 06 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo và xóa nhà tạm cho gia đình chính sách năm 2017”. Phú Thiện cũng là một trong những địa phương về đích sớm trong công tác này.
Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử được chú trọng đầy đủ. Kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2030, trọng tâm là phát huy lợi thế điểm du lịch hồ Ayun Hạ, Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi và Di sản văn hóa phi vật thể “Lễ cúng cầu mưa của Yang Pơtao Apuih”; hướng dẫn, vận động người dân địa phương tham gia làm du lịch, phát triển du lịch cộng đồng. Tạo sự liền mạch trong hoạt động thăm thú, khám phá tuyến du lịch thác Phú Cường-hồ Ayun Hạ-Khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi và thực hiện Đề án kết nối tuyến du lịch giữa 2 huyện Chư Sê-Phú Thiện đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Công tác xây dựng hệ thống chính trị, sự lãnh đạo của Đảng, quản lý và điều hành của chính quyền, hoạt động của Mặt trận và đoàn thể chính trị-xã hội các cấp phát huy hiệu quả. Đảng bộ huyện hiện có 39 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc với hơn 2.600 đảng viên; tình trạng thôn, làng “trắng” đảng viên đã không còn. Ông Nguyễn Hoàng Phong-Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy-nhìn nhận: “Các nghị quyết của Đảng được Đảng bộ huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, đạt kết quả quan trọng. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị được thực hiện nghiêm túc, đạt nhiều kết quả”. Hệ thống chính trị được xây dựng, củng cố theo hướng tinh gọn, đồng bộ, phù hợp với yêu cầu. Công tác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ và có nhiều đổi mới. Cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp có nhiều đổi mới trong việc xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm. Công tác dân vận ngày càng đổi mới theo hướng gần dân, bám sát cơ sở; huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả công tác dân vận chính quyền, tạo niềm tin, sự đồng thuận của người dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Tăng cường các hoạt động đối thoại, tiếp xúc trực tiếp, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, từ đó có giải pháp xử lý phù hợp, đồng thời đấu tranh phòng-chống các luận điệu xuyên tạc, kích động, lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch.
Hành trình đi tới  
Chặng đường phía trước mở ra nhiều thời cơ, thuận lợi, song khó khăn, thách thức cũng còn nhiều, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và người dân Phú Thiện phải có nỗ lực lớn. Trong năm kế hoạch 2022, Phú Thiện phấn đấu đạt tốc độ GRDP 11,07%; thu nhập bình quân đầu người 39 triệu đồng/năm; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo 2% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025); xây dựng 1 xã và 7 làng đạt chuẩn nông thôn mới.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Phú Thiện tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, các công trình giao thông, thủy lợi, khu vực thị trấn để thêm khang trang, quy củ. Tích cực triển khai thực hiện các nghị quyết chuyên đề về nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hình thành chuỗi giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh Chương trình OCOP; đẩy mạnh công tác bảo tồn phát huy giá trị văn hóa gắn với thu hút đầu tư phát triển du lịch, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, mô hình HTX gắn với du lịch nông thôn.
“Huy động các nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng đô thị và nông thôn mới theo hướng phát triển kết cấu hạ tầng. Đây là tiền đề để huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2025. Xúc tiến thực hiện các dự án đầu tư để hoàn thiện các hạng mục lớn, quản lý tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng-an ninh, nội chính, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền,... góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XIX đề ra”-ông Nguyễn Ngọc Ngô-Phó Chủ tịch UBND huyện-cho biết.
THẤT SƠN

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

(GLO)- Chiều 12-1, tại Hội trường 19-5 huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã về thăm và trao quà Tết cho 100 công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại 2 huyện Chư Prông, Đức Cơ và Công ty Quang Đức.
Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

(GLO)- Sáng 12-1, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Xuân đoàn kết-Tết yêu thương“ nhằm tạo khí thế vui tươi, đầm ấm nhân dịp Tết Quý Mão 2023 và chia sẻ khó khăn với hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn.
Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

(GLO)- Đó là anh Cao Thanh Bình, dân tộc Chứt, ở làng Mơ Nú (xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Từ người làm thuê, 20 năm sau, anh trở nên giàu có. Không chỉ nỗ lực làm giàu cho bản thân, anh còn góp phần lan tỏa hình ảnh sống tích cực, tham gia giải quyết việc làm tại địa phương.
Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

(GLO)- Sáng 10-1, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Gia Lai, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức Chương trình trao quà Tết Quý Mão 2023 của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đến 200 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh và trao tặng kinh phí hỗ trợ 22 nhà “Mái ấm Công đoàn“ cho đoàn viên khó khăn về nhà ở.
SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

(GLO)- Sau 2 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Hỗ trợ giao thông SOS Gia Lai đã được công nhận là CLB trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Đây là sự động viên, khích lệ kịp thời và tiếp thêm nguồn động lực để các thành viên tiếp tục chung tay hỗ trợ cộng đồng.
Phố núi ngày đầu năm

Phố núi ngày đầu năm

(GLO)- Phố núi Pleiku bước vào ngày đầu tiên của năm mới 2023 trong tiết trời trong lành, thoáng đãng. Không khí đông đúc, tất bật của những ngày thường dường như được thay bằng bức tranh yên bình với hình ảnh người người vui xuân và kỳ vọng vào những điều tốt đẹp. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã ghi lại những khoảnh khắc này trong ngày đầu năm.