Chăm chút cho "chân đế" của nền kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo thông tin từ Bộ Tài chính, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của bộ này về việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ (doanh thu không quá 50 tỷ đồng/năm và số lượng công nhân tham gia bảo hiểm xã hội bình quân không quá 100 người/năm) và siêu nhỏ (doanh thu không quá 3 tỷ đồng/năm và số nhân công tham gia bảo hiểm xã hội không quá 10 người/năm). Mức giảm thuế từ 20% hiện nay xuống còn 15-17%.
Bộ Tài chính tính toán rằng, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như vậy có thể làm giảm thu ngân sách mỗi năm khoảng 9.200 tỷ đồng. Việc giảm thuế này trong ngắn hạn có gây áp lực lên cân đối ngân sách nhà nước, nhưng về dài hạn sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tăng tích tụ, tích lũy, tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần tăng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp cho ngân sách nhà nước vào những năm sau.
Thực ra, việc giảm thuế này đáng lẽ phải làm từ mấy năm trước, vì chuyện thu thuế luôn phải tính đường dài và tính sao cho đối tượng nộp thuế có thể phát triển để… có tiền mà nộp thuế. Tận thu bao giờ cũng đi kèm với nguy cơ tận diệt, dù ở bất cứ lĩnh vực nào.
Những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp, nhưng đó là những tế bào cơ bản làm nên nền kinh tế thị trường Việt Nam. Sự lớn mạnh của khối doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ này sẽ kích thích sự phát triển kinh tế đất nước, tạo sự ổn định và bền vững cho phát triển kinh tế. Điều đó còn lớn hơn cả việc ngân sách mỗi năm có thể giảm thu khoảng 9.200 tỷ đồng từ khối doanh nghiệp này.
Tính cho cùng thì số tiền 9.200 tỷ đồng tuy lớn thật, nhưng nó không mất đi đâu cả. Một khi nó góp phần tái đầu tư cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, một khi những doanh nghiệp này phát triển qua từng năm thì có thể coi đó là sự đầu tư của Nhà nước cho sự phát triển doanh nghiệp.
Đó không hề là số tiền thất thoát hay thua lỗ, nó là số tiền tạo nên sự phát triển. Đến một lúc nào đó, nếu tình hình kinh tế cho phép, chắc Chính phủ còn giảm thuế thêm nữa cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Mục đích của thuế là đóng góp cho ngân sách nhưng cũng còn là kích thích sự phát triển. Nếu những doanh nghiệp nhỏ phát triển thành những doanh nghiệp vừa, những doanh nghiệp siêu nhỏ tiến lên thành những doanh nghiệp nhỏ thì tổng số tiền thuế thu được hàng năm của Nhà nước sẽ tăng một cách bền vững. Ngược lại, nếu những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ này phá sản thì thuế cũng không còn, mà sự phát triển bền vững thì bị đe dọa.
Lâu nay, người ta hay chăm chú tới những tập đoàn lớn, những tổng công ty lớn mà quên đi rằng, đóng góp cho “chân đế” của nền kinh tế chính là vô vàn những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Một nền kinh tế thị trường toàn diện là nền kinh tế thị trường luôn chăm sóc không chỉ những doanh nghiệp lớn còn cả với từng doanh nghiệp nhỏ. Chính sách thuế có thể tạo rào cản hay tạo động lực cho sự phát triển. Chống thất thu thuế, chống trốn thuế hay lậu thuế còn mang lại nguồn thu lớn hơn nhiều so với giảm thuế cho những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Ngay những nước phát triển, họ cũng rất chú trọng chăm sóc các doanh nghiệp nhỏ, thường giảm chứ ít khi tăng thuế đối với các doanh nghiệp này, vì họ biết, chăm sóc các doanh nghiệp nhỏ là trực tiếp chăm sóc đến người dân. Hầu hết người dân nếu tham gia kinh tế thị trường đều bắt đầu từ những doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ. Họ có phát triển được hay không trước hết tùy thuộc vào bản thân, nhưng cũng phụ thuộc rất nhiều vào những chính sách, trong đó đặc biệt là chính sách thuế của nhà nước.
Nền kinh tế thị trường có định hướng của chúng ta phải định hướng tới người dân là chính. Làm cho người dân tham gia kinh tế thị trường được khá giả, có cuộc sống tốt đẹp hơn, ấy là định hướng xã hội chủ nghĩa thành công vậy.
 THANH THẢO

Có thể bạn quan tâm