Tây Nguyên: Mới vào vụ hồ tiêu đã lỗ nặng, nông dân điêu đứng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không một tiếng cười, chỉ còn những giọt nước mắt “mặn đắng” của hàng trăm hộ dân ở Gia Lai khi đang bước vào một vụ tiêu buồn. Hiện, giá hồ tiêu chỉ còn từ 43.000 - 45.000 đồng/kg, khiến những người nông dân chân đất “một nắng hai sương” lỗ nặng.
Vào vụ thu hoạch tiêu lần này, chúng tôi ghé thăm huyện Mang Yang, nơi được mệnh danh là "thủ phủ" hồ tiêu thứ 3 của Gia Lai sau huyện Chư Sê và Chư Pưh. Đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh những vườn tiêu chết khô, trơ trụi, trái ngược hẳn với cảnh tươi vui, sung túc những năm về trước.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, do giá hồ tiêu hiện rớt đến mức chạm đáy, chỉ còn 43.000 đồng/kg nên nông dân không còn ai mặn mà chăm sóc.
Mới đầu vụ giá hồ tiêu đã giảm mạnh khiến nông dân điêu đứng.
Thời điểm này dù đã bước vào đợt thu chính, nhưng khi chúng tôi nhắc đến việc thu hái tiêu chỉ nhận được những cái lắc đầu ngao ngán và khuôn mặt chán nản của nhiều hộ dân. Nhiều chủ vườn thậm chí không bước ra vườn, chẳng biết tiêu của nhà đã hái xong chưa.
Hầu hết năng suất ở các vườn tiêu năm nay đều giảm mạnh
Khuôn mặt thất thần bên 2.300 trụ tiêu đang cho thu hoạch, chị Ngô Thị Ba (41 tuổi, trú tại làng Groi, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang) buồn rầu nói: “Tôi trồng tiêu mấy năm nay nhưng chưa bao giờ thấy giá cả xuống đến mức như vậy. Giờ cũng chẳng thiết tính toán gì luôn, vì tính có được đồng nào đâu quay ra quay vào lại chất thêm núi tiền nợ. Giá tiêu thì ngày càng giảm mà công cán lại tăng. Trước tết, tôi đã thuê hết 13 triệu tiền công, ra tết mỗi ngày thuê 12 công hái nữa. Trồng, chăm sóc mà không thu hoạch thì không được, nhưng thu hoạch rồi cũng chẳng biết xoay xở đâu trả tiền công…”.
Giá tiêu giảm nhiều nhà vườn không thể xuất bán, tiền thuê nhân công đành khất nợ
Với hơn 2.000 trụ tiêu, năm ngoái chị Ba thu về 7 tấn rưỡi nhưng năm nay ước tính chỉ đạt khoảng 4 tấn. Không những năng suất thấp, giá cả cũng rớt thảm từ 60.000 đồng/kg xuống còn 43.000 đồng/kg nên nhiều hộ dân không đầu tư chăm sóc như trước. Chính vì vậy, ở hàng nghìn trụ tiêu xuất hiện bệnh rụng đốt, vàng lá và nấm hồng rồi chết dần.
Năng suất, giá giảm khiến nhiều nông dân chán nản không muốn chăm sóc tiêu.
Cũng vào thời điểm này, thời tiết khá thất thường ngày nắng gắt nên thúc ép quá trình làm chín tiêu. Người dân phần chán nản không muốn hái, phần vì không đủ tiền thuê nhân công nên hàng nghìn trụ tiêu hái muộn chín rũ, rụng xuống.
Nhiều vườn tiêu đã chín đỏ rực nhưng chủ vườn cũng chẳng mặn mà thu hái.
Cùng chung tình trạng “bỏ thì thương mà vương thì tội” như bao nông dân khác, bà Lê Thị Thúy (xã Đăk Djrăng, huyện Mang Yang) cũng đang ngán ngẩm bên 3 tạ tiêu “mặn chát” mới thu được. “Năm ngoái 600 trụ này hái bói tôi đã thu về 5 tạ, năm nay thu chính chỉ được 3 tạ. Đã thua về năng suất nay giá cả còn “chua chát” hơn, năm ngoái 60.000 đồng/kg bán vẫn chưa trả hết nợ năm nay chỉ còn 43.000 đồng/kg” - cô Thúy ngậm ngùi nói. 
Huyện Chư Sê cũng từng được mệnh danh là "thủ phủ" hồ tiêu thì nay đã “biến thành” những “nghĩa địa” tiêu trên vùng đất đỏ. Các tỷ phú tiêu một thời nay tha hương cầu thực nơi đất khách. Giá tiêu sụt giảm chạm đáy khiến đời sống của người dân lao vào bế tắc, ngập trong đống nợ.
Nhiều vườn tiêu chết chỉ còn trơ trụ.
Với hơn 3.000 trụ tiêu, năm nay gia đình ông Phạm Văn Hưng (trú tại thôn Hố Lao, xã Chư Pơng, huyện Chư Sê) chỉ còn hơn 1.000 trụ có thể cho thu hoạch còn lại chết trắng. Tưởng rằng sẽ vớt vát được chút ít để trang trải một phần chi phí nhưng năng suất vụ mùa vừa qua  cũng giảm hơn một nữa khiến cuộc sống gia đình càng thêm khó khăn.
Trần Hiền (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm