Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trưa 9-12, em Đinh Hoàng Long (học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Chí Thanh) đã tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh sau hơn 3 ngày cấp cứu do vết thương quá nặng. Hiện nay, đối tượng bắn em Long là Huỳnh Văn Dũng đã bị cơ quan Công an bắt tạm giam để điều tra. Đây là một vụ án đau lòng không chỉ với gia đình em Long mà cả gia đình Huỳnh Văn Dũng. Bởi lẽ, chỉ vì nghe em trai kể lại có mâu thuẫn với Long, dù chưa biết mặt Long nhưng Dũng vẫn ra tay bắn học sinh này.

Ảnh internet
Ảnh internet

Như chúng ta đều biết, chính sách pháp luật nước ta đối với thanh-thiếu niên đều có sự quan tâm đặc biệt.  Điều 37 Hiến pháp 2013 xác định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em”. Điều 91, Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Thanh-thiếu niên phạm tội không chỉ là gánh nặng cho gia đình, ảnh hưởng đến nhà trường mà còn cho xã hội. Hiện nay, ngoài việc lo toan về vật chất cho con cái, gia đình còn phải bỏ nhiều thời gian để quản lý, giáo dục. Khi con cái gây ra tội, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật thì công sức của gia đình, nhà trường coi như uổng phí. Nếu ở trong nhà tù các em có cải tạo tốt thì cũng mất quá nhiều thời gian, sau khi ra tù khó theo kịp những người bạn cùng trang lứa hoặc có tâm lý mặc cảm, tội lỗi. Thậm chí có trường hợp sau khi ra tù không thành người tốt mà tiếp tục phạm tội.

Thiết nghĩ, để phòng tránh các trường hợp trẻ em phạm tội cần có những biện pháp hữu hiệu từ gia đình, nhà trường, xã hội. Trong đó, gia đình là quan trọng nhất. Cha mẹ, người thân phải thường xuyên gần gũi với trẻ em để nắm bắt, uốn nắn kịp thời những biểu hiện lệch lạc. Do lứa tuổi thiếu niên thường rất thích thể hiện, đua đòi, không nghĩ tới hậu quả của việc làm nên dễ phạm tội. Vì vậy, gia đình cần quản lý thời gian chặt chẽ để các em ít tiếp xúc với môi trường xấu.

Về phía nhà trường cần có phương pháp dạy môn Giáo dục công dân phù hợp với lứa tuổi để các em ý thức được việc phạm tội sẽ bị trả giá rất đắt. Ngoài ra, cần có các hoạt động ngoại khóa, dã ngoại, tham quan phiên tòa, nhà tù để từ đó các em hiểu được tội phạm sẽ bị pháp luật trừng phạt như thế nào.

Các tổ chức đoàn thể cũng cần tăng cường hơn nữa việc giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho thiếu niên bằng những biện pháp phù hợp. Các phương tiện thông tin đại chúng cần có những chương trình tuyên truyền bổ ích, phù hợp với lứa tuổi giúp các em không sa đà vào tệ nạn xã hội.

Ngoài ra, gia đình, nhà trường và xã hội cần quan tâm phối hợp giáo dục ý thức, tạo kỹ năng sống đẹp, sống có ích, đẩy lùi cái xấu, cái ác trong các em. Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”.

Nguyễn Quang Quý

Có thể bạn quan tâm