Đak Pơ nỗ lực giảm nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, công tác xóa đói, giảm nghèo luôn được các cấp, các ngành huyện Đak Pơ đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều chương trình, dự án được triển khai đồng bộ, kịp thời đã giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững, qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên toàn huyện xuống còn 9,8% (theo tiêu chí cũ) vào cuối năm 2015.

Hiệu quả từ các chương trình giảm nghèo

Theo báo cáo của UBND huyện Đak Pơ, trong giai đoạn 2011-2015, toàn huyện có 1.835 hộ thoát nghèo nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, dự án giảm nghèo của trung ương và địa phương. Một trong những dự án được triển khai đạt hiệu quả là “Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo”. Dự án được thực hiện vào năm 2013 với sự tham gia của 20 hộ nghèo, mỗi hộ được hỗ trợ 1 con bò cái sinh sản và được tập huấn kỹ thuật làm chuồng, chăn nuôi và cách phòng bệnh. Đến nay, đàn bò phát triển ổn định và phần lớn đã sinh sản. Nhờ có thêm thu nhập từ việc bán bê con, đến nay, có 14/20 hộ thoát nghèo, đạt 70%. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn Chương trình 135 giai đoạn 2011-2015, huyện Đak Pơ đã đầu tư xây dựng nhiều công trình công cộng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn và hỗ trợ hơn 80 tấn phân bón NPK, 270 kg bắp giống, 136 con bò cái sinh sản cho hàng trăm hộ nghèo trên địa bàn đầu tư sản xuất và vươn lên thoát nghèo.

 

Đường vào trụ sở Huyện ủy và UBND huyện Đak Pơ. Ảnh: H.T
Đường vào trụ sở Huyện ủy và UBND huyện Đak Pơ. Ảnh: H.T

Ngoài ra, các chương trình cấp cho không thu tiền các mặt hàng chính sách; chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt, tiền điện, y tế cho hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đã giúp hàng ngàn hộ nghèo giải quyết khó khăn về sinh hoạt và tạo động lực để hộ nghèo yên tâm lao động sản xuất. Đặc biệt, chính sách cho vay giải quyết việc làm với tổng dư nợ gần 6 tỷ đồng đã giải quyết việc làm cho 628 lao động và giúp nhiều hộ thoát nghèo. Anh Đinh Hnghit (làng Bung Bang, xã Yang Bắc), một trong những hộ thoát nghèo nhờ được vay vốn sản xuất, chia sẻ: Trước đây, phần vì chưa có kinh nghiệm, phần vì thiếu vốn đầu tư nên việc sản xuất của gia đình không đạt hiệu quả. Từ khi được vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn xóa đói giảm nghèo của huyện, gia đình tôi đầu tư mua bò cái về nuôi và sinh được 3 bê con, bán được 17 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, tôi đầu tư cải tạo đất trồng 1 ha mì mỗi năm lãi 20-30 triệu đồng và gia đình tôi đã thoát nghèo.

Phấn đấu mỗi năm giảm 3,5-4% số hộ nghèo

Ông Nguyễn Công Chánh-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đak Pơ cho biết: Công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện thời gian qua luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của huyện. Từ đó, huyện đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong giải quyết việc làm, thay đổi nếp nghĩ cách làm trong sinh hoạt và sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho hộ nghèo. Tuy nhiên, hiện tại, huyện vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong công tác giảm nghèo như: nguồn lực để thực hiện các mục tiêu giảm nghèo còn hạn chế; việc huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho công tác giảm nghèo chưa tương xứng với tiềm năng của một số địa phương; chưa có sự phối hợp lồng ghép giữa công tác cho vay vốn với công tác khuyến nông, lâm, ngư và tập huấn hướng dẫn cách làm ăn nên việc sử dụng vốn vay còn kém hiệu quả. Ngoài ra, các chương trình, chính sách dành cho hộ nghèo còn dàn trải dẫn đến hiệu quả chưa cao; các chương trình cấp cho không một số mặt hàng không phù hợp dẫn đến lãng phí; nhiều hộ nghèo còn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; trình độ canh tác thấp kém và một số tập quán lạc hậu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất...

Trong thời gian tới, huyện Đak Pơ phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3,5% đến 4%. Theo ông Chánh, năm 2016 và những năm tiếp theo, huyện Đak Pơ sẽ tiếp tục kiện toàn các tổ công tác đi cơ sở để giúp đỡ các xã, thị trấn quản lý hộ nghèo và thực hiện các chương trình giảm nghèo; các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của huyện theo dõi các làng đồng bào dân tộc thiểu số để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng nhằm kịp thời giúp đỡ nhân dân trong mọi lĩnh vực. Ngoài ra, huyện sẽ tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ sự đầu tư của trung ương, của tỉnh thông qua các chương trình, mục tiêu, các dự án; các chính sách trợ giúp người nghèo trên các lĩnh vực: chăm sóc sức khỏe, giáo dục, trợ cước, trợ giá; giải quyết việc làm, dạy nghề và mở rộng các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế để giúp hộ nghèo nâng cao năng suất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống và vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nhật Hào

Có thể bạn quan tâm