Hành hương về Xóm Ké

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một ngày tháng tư năm 2013, chúng tôi hành hương về Xóm Ké-chiến khu xưa thời kỳ đầu chống Pháp của Tỉnh ủy Gia Lai và của Huyện ủy An Khê. Hỏi những người đang sinh sống trên đất Song An, thì đôi người biết tích xưa, còn lại với họ chỉ tên gọi một vùng đất rẫy.

Tôi-kẻ hành hương, lặng lẽ tìm về… được khích lệ bởi câu nói của vị tiền bối từng làm báo Sáng, từng là thợ in báo tại chiến khu Xóm Ké ngày nào-bác Nguyễn Thái Thưởng: “Các cháu đã lặn lội ra tận Huế tìm tôi, quý lắm, nhưng các cháu đã tìm về Xóm Ké chưa? Báo ta đã từng in và phát hành ở đó”.

Ngượng ngùng tôi nói thác: “Dạ, tháng tư năm nay chúng cháu quyết về”. Thật bất ngờ, chuyến đi trong tôi đã gặt hái nhiều điều, đong đầy cả niềm vui và cả nỗi niềm về đất và người Xóm Ké.

 

Bà Võ Thị Hường (xã Song An, thị xã An Khê) là du kích của chiến khu Xóm Ké những năm 1946-1954. Ảnh: Quốc Ninh
Bà Võ Thị Hường (xã Song An, thị xã An Khê) là du kích của chiến khu Xóm Ké những năm 1946-1954. Ảnh: Quốc Ninh

Chuyện người muôn năm cũ

Ngồi trước mặt tôi là một bà lão tuổi đã ngoại bát tuần. Khoảng lặng giữa chúng tôi hơi lâu, sau câu hỏi về chiến khu Xóm Ké ngày chống Pháp. Bà lục lại trong ký ức, nhớ về cái thuở xa xưa, khi bà còn là một cô du kích tuổi mới trăng tròn. Rồi những kỷ niệm cuộc đời như ào về. Bà nói nhanh, sợ như nếu không kịp thì lại mất…

“…Hồi ở chiến khu Xóm Ké, tôi là du kích, liên tục từ năm 1946 đến năm 1954 lúc làm cứu thương, lúc làm công tác dân vận; ngày cùng anh em tăng gia sản xuất, sẵn sàng chiến đấu; tối trở vào làng tuyên truyền vận động nhân dân chống Pháp. Nói thì vậy, chứ cuộc sống gian khổ và ác liệt lắm. Chúng tôi là du kích nhưng vũ khí chỉ là gậy gộc, giáo mác.

Đêm đi công tác nghe tiếng cọp gầm mà lạnh lưng. Bà bảo, gọi là Xóm Ké, nhưng cũng chỉ có dăm bảy nóc nhà của người Kinh như ông Dương Mọi, ông Ba Nga… lên đây khai hoang lập ấp mà hình thành nên xóm, nên làng. Họ cũng chính là nòng cốt sản xuất lương thực cung cấp cho chiến khu. Cũng bởi do vị trí ở ngay dưới chân núi Ông Bình-căn cứ của nghĩa quân Tây Sơn ngày xưa vừa hiểm trở vừa có núi non che chở nên tỉnh, huyện chọn đây là căn cứ…”.

Bỗng dưng giọng bà sững lại, mắt bà ngấn nước, quay sang phía ông Sáu Hồng-người chồng, bà hỏi như câu hỏi đã ngàn lần: “Ông nhớ cái thằng Hòa Việt gian không?”. Ông Sáu, trả lời bà như đã ngàn lần trước đó: “Sao không. Cái thằng trời đánh á”. Câu chuyện của ông bà Hường tự dưng lắng về nỗi đau buồn, mà đâu hẳn ai cũng chứng kiến, chịu đựng.

Con mắt còn lại của bà nhìn vào không gian sâu thẳm: “Có lần, tôi được cấp trên phân công cùng với chú Nhâm quân báo thuộc bộ đội trong chiến khu Xóm Ké, đêm vào thị trấn An Khê làm công tác dân vận và tìm mua thuốc men, đồng thời cũng để nắm tình hình, đi gần đến nơi thì bất ngờ gặp địch phục kích. Thằng Hòa Việt gian, nó ném lựu đạn về phía chúng tôi. Lựu đạn không nổ. Nó nhảy ra vồ lấy chú Nhâm, hai bên vật lộn nhau, vì quá bất ngờ nên chú Nhâm phản ứng không kịp, thằng Hòa đè chú xuống vừa cắt cổ chú, vừa la lối, máu chú Nhâm phọt lên thành dòng-hình ảnh ghê rợn và đau lòng ấy đến bây giờ tôi vẫn nhớ…”. “Hắn giết chú Nhâm và bọn Pháp đã thưởng cho hắn 1 cân muối”-ông Sáu Hồng xót xa thêm vào câu chuyện.  

Bà Hường đau xót: “Chỉ vì vài cân muối và vài đồng bạc trắng Đông Dương mà hắn đã giết chết 7 cán bộ cách mạng-toàn những người họ hàng với hắn, có lần tên Hòa chỉ điểm cho Pháp giết chết 70 người ở xã Song An”. Rồi bà Hường nhắc lại sự việc mà mình từng chứng kiến: “Hắn là tên đại ác các cháu ạ. Sau giải phóng, hắn vẫn còn sống. Hắn sống ở đây, tại đất Song An này.

Nhưng ông trời có mắt, suốt những năm cuối đời, hắn bị căn bệnh mà mọi người bảo trời hành, hắn bò lê bò càng khắp xó xỉnh, ngủ bờ ngủ bụi, cứ kêu như chó, thân thể thì thối dần, thối dần đến chết…”. Sau một đỗi im lặng, bà Hường trầm giọng kể lại cho chúng tôi nghe câu được câu chăng, về cuộc đời của mình. Chuyện bà kể thật giản đơn: Hai ông bà đều là phận mồ côi, cả hai đều mất cha mẹ từ nhỏ. Bà có một người em duy nhất Võ Phương là liệt sĩ thời chống Mỹ. Ông Sáu Hồng là du kích Bình Giang, gặp bà trong kháng chiến mà nên vợ nên chồng…

Chúng tôi gặp được bà cũng là chuyện không ngờ. Đang loay hoay không biết gặp ai, tìm ai từng có mặt tại chiến khu Xóm Ké, thì thật may ông Phạm Minh Sanh, Trưởng thôn Trường An 3 đưa chúng tôi đến gặp bà. Có thể lắm, bà Hường là một trong những người hiếm hoi còn sống, từng là chiến sĩ chiến khu Xóm Ké. Ban đầu, câu chuyện của bà kể cho chúng tôi không đầu không cuối, nhớ đâu nói đấy. Nhưng khi chúng tôi cố gắng nói cho bà hiểu rằng, chúng tôi muốn hiểu về chiến khu ngày ấy, về những tên người, tên đất như Phan Thêm, Phạm Thuần, Trần Thị Nguyên-những cán bộ cách mạng ngày ấy, rồi nhắc chuyện về Đỗ Trạc bị bọn Pháp xử bắn… thì dường như kích thích đúng điểm nhớ của bà Hường. Nói riết rồi bà lại ước: “Phải chi chân tôi còn đi được, tôi sẽ dẫn mấy chú vào Xóm Ké…”.

 

Xóm Ké hôm nay chỉ còn là nương rẫy. Ảnh: Văn Khánh
Xóm Ké hôm nay chỉ còn là nương rẫy. Ảnh: Văn Khánh

Dấu xưa và những nỗi niềm…

Anh Khánh- một người dân trong thôn tự nguyện chở tôi trên chiếc xe máy chuyên dụng đi rẫy của mình. Sau 20 phút, anh bảo: “Đến rồi”. Xóm Ké là đây ư? Trước mắt tôi giờ đây chỉ là nương rẫy mì, bắp ngút ngàn đến tận chân núi. Tôi cố hình dung ra nơi ngày xưa các cụ làm cách mạng từng ở. Khánh dẫn tôi lần theo con suối nhỏ và giải thích: Con suối này gọi là suối Ké, bởi thế nên khi có dân ở thì gọi là Xóm Ké.

Còn theo lời bà Hường thì khi lập chiến khu, các cụ làm lán ở ven suối. Bà còn bảo, dấu tích xưa chỉ còn nền lán trại ven suối. Chiến khu Xóm Ké thuộc làng Thượng Bình (nay thuộc xã Song An, thị xã An Khê) nằm cách thị xã An Khê 15 km về phía Đông Bắc, là một thung lũng rộng chừng 20 km2; được bao bọc bởi núi non hiểm trở, nhiều khe suối, hang động. Nơi đây từng là căn cứ của một bộ phận của nghĩa quân Tây Sơn, mà núi Ông Bình đã là di tích lịch sử, tiếp giáp với vùng tự do Vĩnh Thạnh, Bình Định. Đây cũng là căn cứ địa của huyện An Khê và của Tỉnh ủy Gia Lai từ những năm 1946-1950.

Đứng bên suối Ké phóng tầm mắt nhìn ra xa là ngọn núi Ông Bình. Tôi lại nhớ đến lời của ông Nguyễn Trung Tín-nguyên Bí thư chi bộ đầu tiên của Vĩnh Thạnh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định kể rằng, khi một bộ phận của Tỉnh ủy Gia Lai từ Vĩnh Thạnh chuyển về chiến khu Xóm Ké trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến ở Gia Lai, là người thông thạo vùng này, ông đã dẫn đường đưa các cán bộ Gia Lai khi ấy xuyên núi từ Vĩnh Thạnh qua núi Ông Bình về chiến khu.

Và chính ông đã ở lại đây một thời gian cùng xây dựng hậu cứ. Tôi cũng lại nhớ tới lời tâm tình của ông Nguyễn Thái Thưởng khi nói về những ngày ông tham gia in báo, in truyền đơn tại chiến khu Xóm Ké. Vừa mới đây thôi, vợ chồng ông Sáu Hồng đã kể tôi nghe về những trận đánh ác liệt ở cầu A Dưng, trong trận này, ta diệt và bắt sống hàng trăm tên địch…

Tôi lại nhớ đến những dòng chữ trang trọng trong Lịch sử Đảng bộ thị xã An Khê xuất bản năm 2010 khi viết về Xóm Ké: “Quân và dân Xóm Ké kiên cường chiến đấu, đánh bại hàng chục cuộc càn quét quy mô cỡ tiểu đoàn của địch, bảo vệ an toàn cho cơ quan lãnh đạo. Chiến khu Xóm Ké là cái gai nhức nhối của giặc Pháp, nhưng là niềm tự hào của nhân dân An Khê…”.

Tự hào là vậy, nhưng khi tận thấy chiến khu xưa hầu như không còn dấu vết, trong lòng tôi day dứt tự hỏi, một chiến khu thời chống Pháp đã đi vào lịch sử như thế sao không có một tấm bia, một cột mốc. Con đường vào Xóm Ké hôm nay tôi đi vẫn chỉ là lối mòn gập ghềnh sỏi đá mà người dân Song An vẫn đi hàng ngày.

Các vị như Phan Thêm, Phan Bá, Trần Thị Nguyên, Phạm Thuần, Nguyễn Xuân từng sống chiến đấu ở đây trong những tháng năm gian khổ nhất để lãnh đạo cả tỉnh, cùng cả nước đánh thắng Pháp. Giá mà có tấm bia khắc ghi tên họ, giá mà mấy khu lán trại nền còn đó được dựng lên để thế hệ trẻ về nguồn, như mong muốn của ông Võ Cơ- nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Song An.

Quốc Ninh

Có thể bạn quan tâm

Tôi đi chiến dịch Điện Biên

Tôi đi chiến dịch Điện Biên

(GLO)- "Tôi có cảm tưởng như cả đất nước, tất cả các dân tộc đang hành quân đi giành lấy độc lập tự do. Làm sao mà có thể đè bẹp ý chí của cả một dân tộc yêu nước. Tôi vô cùng tự hào là người chiến sĩ Ê Đê thuộc Tây Nguyên miền Nam duy nhất cũng có mặt trong đoàn quân ấy".

Giải cứu thú rừng

Giải cứu thú rừng

Những đôi chân mải miết trên từng ngóc ngách, đôi tay rớm máu gỡ lấy những chiếc bẫy thú. Trọng trách của họ là bảo vệ, giải cứu thú rừng mắc bẫy trong những cánh rừng già trên dãy Trường Sơn ở Quảng Nam.
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

Cánh đồng Mường Thanh được dòng sông Nậm Rốm tưới tắm bồi đắp hàng nghìn năm. Nhưng cánh đồng Mường Thanh thực sự gieo trồng có hiệu quả tăng đột biến là nhờ vào Đại công trình thủy nông Nậm Rốm. Đó là công trình hình thành từ bàn tay, khối óc của lớp thanh niên xung phong (TNXP) hơn 60 năm trước.
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

Đứng ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, phóng tầm mắt về phía tây là một màu xanh trải dài bất tận của cánh đồng Mường Thanh. Từ trận địa đầy bom đạn, hầm hào, Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn nhất Điện Biên, tạo ra những hạt gạo vang danh cả nước…
Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.