Sai phạm của AMAX trong định giá AVG thời ông Phạm Nhật Vũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo Thanh tra Chính phủ, kết quả thẩm giá trị doanh nghiệp AVG tại thời điểm 31.3.2015 là 16.565 tỷ đồng định do AMAX đưa ra không có cơ sở pháp lý, không tin cậy. MobiFone đã sử dụng để đàm phán với nhóm cổ đông AVG của ông Phạm Nhật Vũ về giá mua cổ phần, trách nhiệm thuộc về Giám đốc AMAX Võ Văn Mạnh và các thẩm định viên liên quan theo quy định tại Khoản 2 Điều 42 Luật Giá.
Ông Phạm Nhật Vũ và Võ Văn Mạnh. (Ảnh: MPS)
Giám đốc AMAX sai phạm ra sao trong việc định giá AVG?
Trong vụ án Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông MobiFone và các đơn vị có liên quan, bên cạnh quyết định Khởi tố bị can; Lệnh bắt bị can để tạm giam; Lệnh khám xét đối với Phạm Nhật Vũ, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), về tội “Đưa hối lộ” quy định tại Khoản 4 Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ngoài ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an còn Quyết định Khởi tố bị can; Lệnh bắt bị can để tạm giam; Lệnh khám xét đối với Võ Văn Mạnh, nguyên Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX và Hoàng Duy Quang, nhân viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX, về tội "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Điều 220 Bộ luật Hình sự năm 2015, vai trò đồng phạm.
Bị can Hoàng Duy Quang, nhân viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX, vai trò đồng phạm. (Ảnh: MPS)
Trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG, Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thẩm định giá AMAX (AMAX) được nhắc tới với vai trò đơn vị được MobiFone thuê thẩm định giá trị AVG.
Theo đó, khi lựa chọn Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thẩm định giá AMAX (AMAX), MobiFone chỉ căn cứ vào báo giá thấp nhất trong 03 đơn vị tư vấn, không thực hiện theo quy trình chỉ định thầu, vi phạm quy định tại Điều 55 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26.6.2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
Về phía AMAX, MobiFone thuê AMAX thẩm định giá trị AVG tại thời điểm 31.3.2015; sử dụng kết quả thẩm định giá của AMAX theo phương pháp tài sản để đàm phán giá mua cổ phần của các cổ đông AVG, nhưng việc thẩm định giá của AMAX đã vi phạm nghiêm trọng Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, cụ thể: đã sử dụng trái phép nguồn số liệu dự báo kế hoạch kinh doanh do VCBS lập để thẩm định giá, trong khi số liệu này không có cơ sở; vi phạm các tiêu chuẩn thẩm định giá.
Vì vậy, theo Thanh tra Chính phủ, giá trị doanh nghiệp AVG tại thời điểm 31.3.2015 là 16.565 tỷ đồng không có cơ sở pháp lý, không tin cậy, MobiFone đã sử dụng để đàm phán với nhóm cổ đông AVG về giá mua cổ phần. Trách nhiệm thuộc về Giám đốc AMAX và các thẩm định viên liên quan theo quy định tại Khoản 2 Điều 42 Luật Giá.
Tổng số tiền theo hợp đồng mà MobiFone đã ký với 02 công ty tư vấn là AMAX và VCBS số tiền 3,19 tỷ đồng; đã chi số tiền 1,54 tỷ đồng, gây thiệt hại cho MobiFone. Vậy nên, Chủ tịch HĐTV; Tổng Giám đốc và Phó Tổng giám đốc phụ trách Tài chính - Kế toán của MobiFone chịu trách nhiệm xử lý, thu hồi số tiền 1,54 tỷ đồng chi phí tư vấn đã chi cho 02 công ty tư vấn.
Những thông tin bất ngờ về AMAX
Theo tìm hiểu của PV, tại thời điểm được MobiFone thuê thẩm định giá trị AVG, Công ty TNHH Đầu tư và Thẩm định giá AMAX mới hoạt động gần 5 năm.
Cụ thể, theo thông tin từ phía AMAX, doanh nghiệp được thành lập ngày 25.6.2010 theo GCNĐKKD số 0310103206 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp phép, trụ sở chính tại 50-C9 đường 11, khu Miếu Nổi, P2, Q.Phú Nhuận, TP.HCM và 8 chi nhánh, văn phòng tại các địa phương như Hà Nội, Huế, Hải Phòng.
Doanh nghiệp do ông Võ Văn Mạnh làm Giám đốc có vốn điều lệ 3,8 tỉ đồng và hoạt động trong các lĩnh vực thẩm định giá, thẩm tra dự toán, quyết toán công trình, tư vấn dự án đầu tư, tư vấn doanh nghiệp, nghiên cứu thị trường và thăm dò dư luận, thông tin bất động sản và đấu giá tài sản.
AMAX tự giới thiệu là thuộc top 10 trong lĩnh vực thẩm định giá ở Việt Nam với loạt khách hàng lớn như Vietcombank, SCB, Tập đoàn Hoàn Cầu, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát...
P.V (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm