Học sinh Gia Lai rộn ràng đến trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nối tiếp lớp 1, sáng 29-8, học sinh các lớp còn lại trên toàn tỉnh đã rộn ràng đến trường, bắt đầu năm học mới 2022-2023. Năm nay, dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát đã phần nào giúp không khí ngày tựu trường thêm vui tươi, gắn kết.

Giáo viên và học sinh Trường THCS Phạm Hồng Thái (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) phấn khởi trong ngày tựu trường. Ảnh: Đức Thụy
Giáo viên và học sinh Trường THCS Phạm Hồng Thái (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) phấn khởi trong ngày tựu trường. Ảnh: Đức Thụy

Khoác lên người bộ quần áo tinh tươm, em Nguyễn Thị Ngọc Phụng-Lớp 9.2, Trường THCS Nguyễn Du (xã Chrôh Pơnan, huyện Phú Thiện) phấn khởi đến trường trong tâm thế hân hoan khó tả. Sau gần 3 tháng nghỉ hè, Phụng và các bạn gặp lại nhau bằng nụ cười rạng rỡ và những cái ôm siết chặt. “Em đã chuẩn bị đầy đủ sách giáo khoa, đồ dùng học tập và đồng phục, sẵn sàng cho năm học cuối cấp. Em sẽ cố gắng tạo ra thật nhiều kỷ niệm đẹp bên bạn bè cũng như phấn đấu duy trì thành tích học sinh giỏi như một món quà tặng thầy cô và ba mẹ trước khi chuyển lên bậc THPT”-Phụng bày tỏ.

Năm học 2022-2023, Trường THCS Nguyễn Du có 10 lớp với 380 học sinh; trong đó, khối 7 và 9 học buổi sáng, khối 6 và 8 học buổi chiều. Cô Đào Thị Thúy-Phó Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: Dịp hè vừa qua, nhà trường đã tiến hành tu sửa cơ sở vật chất, làm mới cổng và tường rào; mua sắm bổ sung 3 ti vi thông minh lắp đặt tại các phòng học; đồng thời, tổ chức dọn dẹp vệ sinh trường lớp nhằm tạo cảnh quan khang trang, sạch đẹp để đón học sinh. Trong ngày tựu trường, học sinh sẽ nhận lớp, nghe giáo viên chủ nhiệm phổ biến nội quy lớp học cũng như đăng ký mượn sách giáo khoa nếu có nhu cầu.


Tương tự, tại xã biên giới Ia Krai (huyện Ia Grai), gần 500 học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 của Trường Tiểu học Lê Quý Đôn cũng phấn khởi đến trường. Theo thầy Trần Văn Chương-Hiệu trưởng nhà trường, đại dịch Covid-19 được kiểm soát giúp không khí tựu trường thêm vui tươi, nhộn nhịp. Sĩ số các lớp cơ bản ổn định, học sinh có vắng nhưng không đáng kể. Bước vào năm học 2022-2023, nhà trường sẽ cố gắng nâng cao chất lượng giáo dục, triển khai thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các lớp 1, 2 và 3. Tuy nhiên, hiện nay, trường chưa có giáo viên Tiếng Anh và Tin học, trong khi đây là 2 môn học bắt buộc ở lớp 3 theo chương trình mới.

4 Học sinh Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (xã Ia Krai, huyện Ia Grai) tham gia sinh hoạt tập thể trong giờ ra chơi ngày 29-8. Ảnh đơn vị cung cấp
Học sinh Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (xã Ia Krai, huyện Ia Grai) tham gia sinh hoạt tập thể trong giờ ra chơi ngày 29-8. Ảnh đơn vị cung cấp



Với đặc thù học sinh đến từ nhiều địa phương khác nhau nên Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh đã thông báo cho học sinh tựu trường sớm hơn 1 ngày so với kế hoạch chung. Đối với lớp 10, giáo viên chủ nhiệm sẽ hướng dẫn các em làm thủ tục nhập học; nhận phòng ở nội trú và các đồ dùng cá nhân và  hướng dẫn bước đầu để các em làm quen với môi trường mới. Tối 28-8, nhà trường đã tổ chức buổi sinh hoạt nội trú đầu tiên cho toàn thể học sinh để phổ biến, quán triệt về việc chấp hành nội quy, quy định của nhà trường và việc thực hiện nền nếp ăn ở, học tập nội trú. “Sáng 29-8, học sinh tiếp tục được giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn, sắp xếp lớp học và nhận sách vở, đồ dùng học tập. Trong tuần, chúng tôi cũng sẽ tổ chức một số hoạt động để các em làm quen, hòa nhập với môi trường nội trú; đồng thời, khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để tổ chức lễ khai giảng năm học mới đảm bảo vui tươi, an toàn”-Hiệu trưởng Võ Thành Nguyên cho biết.

Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh hướng dẫn học sinh sắp xếp, làm quen với môi trường nội trú khi tựu trường. Ảnh: Mộc Trà
Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh hướng dẫn học sinh sắp xếp, làm quen với môi trường nội trú khi tựu trường. Ảnh: Mộc Trà


Từ sáng sớm, các cơ sở giáo dục ở khu vực phía Đông tỉnh cũng đã đón hơn 50.000 học sinh từ bậc học mầm non đến THPT đến tựu trường theo kế hoạch. Tại Trường Mầm non Ánh Dương (phường An Phú, thị xã An Khê), cán bộ, giáo viên và nhân viên đều có mặt đầy đủ để hỗ trợ việc đón học sinh. Theo Hiệu trưởng Đinh Thị Như Hiền, do còn bỡ ngỡ với trường lớp, nhiều trẻ đã quấy khóc, không chịu ở lại lớp. Dự lường trước tình huống, Ban Giám hiệu đã cử những giáo viên có kinh nghiệm, giỏi kỹ năng tiếp cận trò chuyện, dỗ dành trẻ và hướng dẫn các bé vui chơi.

Ngày 29-8, Trường Mầm non Ánh Dương (phường An Phú, thị xã An Khê) rộn ràng đón hơn 100 trẻ đến lớp. Ảnh: Ngọc Minh
Ngày 29-8, Trường Mầm non Ánh Dương (phường An Phú, thị xã An Khê) rộn ràng đón hơn 100 trẻ đến lớp. Ảnh: Ngọc Minh


Còn tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Krong (xã Krong, huyện Kbang)-ngôi trường vùng căn cứ cách mạng có 100% học sinh là người dân tộc Bahnar-không khí vui tươi của ngày tựu trường cũng lan tỏa khắp các lớp. Thầy Nguyễn Văn Thuấn-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: “Toàn trường có 232 học sinh, trong đó, bậc tiểu học là 145 học sinh và THCS là 87 học sinh. Sau 1 tuần ổn định nền nếp đối với lớp 1, hôm nay, thầy-cô giáo tiếp tục đón học sinh các lớp còn lại. Trong tuần đầu, chúng tôi tập trung cho các em làm quen, ôn tập kiến thức; chuẩn bị phòng ăn, ở và vệ sinh giường chiếu, chăn, màn để ngày 4-9, học sinh vào ở bán trú. Nhà trường cũng vận động các nhà hảo tâm tài trợ sách, vở, xe đạp, học bổng với tổng giá trị gần 70 triệu đồng để tiếp bước đến trường cho các em có hoàn cảnh khó khăn”.

Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Krong (xã Krong, huyện Kbang) vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ sách, vở cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Văn Thuấn
Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Krong (xã Krong, huyện Kbang) vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ sách, vở cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Văn Thuấn


Nhận được sự hỗ trợ trước thềm năm học mới, em Đinh Thị Nhím (lớp 8) không giấu được sự xúc động. Nhím bộc bạch: “Bố em đã qua đời, hiện em đang sống cùng mẹ và em trai. Vì mẹ thường xuyên đau ốm nên em có ý định nghỉ học để ở nhà đỡ đần mẹ. Biết hoàn cảnh, thầy cô và bạn bè đã động viên em tiếp tục tới lớp. Nhà trường còn kêu gọi Mạnh Thường Quân hỗ trợ cho em 1 chiếc xe đạp, đồ dùng học tập và học bổng 1 triệu đồng”.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh bước vào năm học mới, chính quyền các địa phương cũng dành sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh nghèo. Ông Nguyễn Tiến Đãng-Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa-thông tin: Năm học 2022-2023, toàn huyện có 46 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học và THCS với 21.852 học sinh. Từ các nguồn vốn sự nghiệp giáo dục và ngân sách huyện, nhiều công trình gồm nhà hiệu bộ, phòng học, cổng hàng rào, sân bê tông... đã được đầu tư xây dựng tại các trường. Hiện các công trình đã cơ bản hoàn thành, được nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cũng đang lập thủ tục, hồ sơ mua sắm bổ sung máy vi tính phục vụ 2 phòng Tin học và 40 ti vi thông minh cho các trường học. Ngoài ra, các trường cũng chủ động trích nguồn kinh phí chi thường xuyên cũng như huy động các tổ chức cá nhân hỗ trợ mua bổ sung các thiết bị như bàn ghế, sách giáo khoa cho tủ sách dùng chung của các bậc học, nhất là sách các lớp 1, 2, 3, 6, 7, đảm bảo có đủ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn mượn để học tập. Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo ngành Giáo dục, các trường học tuyên truyền, vận động học sinh trong độ tuổi tiêm phòng Covid-19 đầy đủ trước khi bước vào năm học mới.

Các học sinh tay bắt mặt mừng sau gần 3 tháng nghỉ hè xa cách. Ảnh: Đức Thụy
Các học sinh tay bắt mặt mừng sau gần 3 tháng nghỉ hè xa cách. Ảnh: Đức Thụy



Trao đổi với P.V, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Duy Định cho biết: Để chuẩn bị cho ngày tựu trường, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các đơn vị trường học phải hoàn thành công tác tổng dọn vệ sinh, trang trí trường lớp trước ngày 22-8 đối với bậc tiểu học và trước 29-8 đối với các bậc học còn lại. Sau khi học sinh tựu trường, thầy và trò cần tập trung chuẩn bị tốt cho năm học mới, trước mắt là tổ chức lễ khai giảng đảm bảo ngắn gọn, trang nghiêm vào sáng ngày 5-9 theo đúng hướng dẫn của Sở tại Công văn số 2158/SGDĐT-VP ngày 23-8-2022.
 

NHÓM PHÓNG VIÊN

Có thể bạn quan tâm

Võ Đặng Ngọc Lâm: Tài không đợi tuổi

Võ Đặng Ngọc Lâm: Tài không đợi tuổi

(GLO)- Yêu thích tin học cộng với năng lực tiếng Anh tốt đã giúp em Võ Đặng Ngọc Lâm-học sinh lớp 5/3, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (phường Ia Kring, TP. Pleiku) đạt được thành tích cao tại nhiều sân chơi tri thức.
Ươm mầm tài năng tiếng Anh trong trường học

Ươm mầm tài năng tiếng Anh trong trường học

(GLO)- Song song với các tiết học chính khóa, nhiều trường học tại huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã tích cực tổ chức ngoại khóa tiếng Anh nhằm tạo môi trường cho học sinh phát triển kỹ năng nghe-nói cũng như thúc đẩy phong trào học ngoại ngữ trong nhà trường.