Ia Lang nguyên sơ một thuở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ia Lang bây giờ thuộc huyện Đức Cơ nhưng trước khi thành lập huyện mới năm 1991, xã thuộc huyện Chư Prông. Năm 1985, thực hiện chủ trương tăng cường cán bộ cho cơ sở, tôi và Nguyễn Tấn Đức, bấy giờ là cán bộ Liên đoàn Lao động tỉnh và Ninh Đức Cảnh-Phó Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh được huyện phân công về xã này làm công tác tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương. 

Thời gian sau, xã lại được bổ sung thêm 3 cán bộ huyện nữa, trong đó có ông Vũ Đình Hồng-Phó Bí thư Huyện ủy tăng cường xuống chỉ đạo xã. Ia Lang bấy giờ được coi là yếu nhất huyện, phải tăng cường một lực lượng "hùng hậu" như vậy để vực phong trào của xã đi lên.

Ia Lang lúc ấy có 6 làng Jrai và 2 thôn Kinh. Trung tâm xã là làng Dit Le. Sở dĩ được coi là trung tâm bởi Dit Le có... Chủ tịch UBND xã Rơ Lan Bá. Đường vào Dit Le là một lối mòn xuyên giữa rừng, nhiều quãng nước xói thành mương sâu hoắm. Muốn vào làng, cách nhanh nhất là… đi bộ. Dit Le đẹp nhất trong các làng với những ngôi nhà sàn lợp tranh đều tăm tắp như đổ ra từ một khuôn, cùng quay về  hướng Tây Nam.

Ngày mùa, từ quãng 8 giờ trở đi, làng như thiêm thiếp ngủ bởi trẻ con, người lớn đều lên rẫy. Ông Bá cũng theo cả nhà lên rẫy. Chức Chủ tịch UBND xã với ông có vẻ như nghề tay trái. Ai có việc giấy tờ thì chờ đến tối hoặc lên rẫy tìm. Cho đến khi ánh ngày chớm thoa son trên những rặng cây rừng, một ngày miệt mài trên rẫy kết thúc, cái làng thiếp ngủ ban trưa mới như bừng thức. Trên mỗi cầu thang nhà, tiếng giã gạo vang lên thình thịch, tiếng trẻ con vờn đuổi nhau cười nắc nẻ. Lúc này, những người đi “buôn làng” cũng bắt đầu đi từng nhà cất tiếng chào mời, đổi chác.

Bà con Ia Lang cũng như đồng bào dân tộc thiểu số nói chung vốn không biết chế biến bất kỳ một thứ bánh kẹo gì, bởi vậy, kẹo, bánh đa, bánh rán… toàn những thứ không chỉ hấp dẫn trẻ con mà cả người lớn nữa. Không một đồng tiền mặt, tất cả đều “hàng đổi hàng”. Một lon gạo là năm chiếc kẹo chanh hoặc hai chiếc bánh đa nướng hoặc ba chiếc bánh rán… Chẳng ai tiếc, chẳng ai suy tính thiệt hơn. Dường như ai cũng thả tự do cái nhu cầu hưởng thụ của mình trong mùa no đủ, dù có thể chỉ vài tháng sau mùa suốt lúa, không ít nhà phải ăn mì hay củ mài thay cơm. Chỉ nhộn lên một lúc để rồi bóng đêm vừa sập xuống, làng lại thiêm thiếp ngủ…

Ngày tiếp ngày, một nhịp điệu thanh bình cứ lặng lẽ trôi như thế. Chẳng thấy một cuộc cãi vã, chẳng thấy ai to tiếng với ai. Ai cũng một vẻ thật thà, chất phác cứ như là đang thuở nguyên sơ. Hình như với bà con lúc ấy, trên đời này không có chuyện gian trá, lọc lừa. Tính cách ấy khiến tôi nhớ mãi những chuyện nghe cứ đậm chất “humour”.

Một góc thị trấn Chư Prông. Ảnh: Hoàng Cư
Một góc thị trấn Chư Prông. Ảnh: Hoàng Cư
Bấy giờ, để chống đói trong những ngày giáp hạt, huyện chủ trương cho các hộ khó khăn mượn gạo, vào mùa thì trả lại. Lợi dụng sự thật thà, cả tin của bà con, một anh chàng ở công ty lương thực bèn nghĩ cách kiếm chác. Cân treo là thứ bây giờ chẳng còn ai dùng nhưng thời ấy rất phổ biến. Vậy là anh ta đập cong chiếc kim về phía trước. Như vậy để đầu kim ở vào vị trí cân bằng, anh ta sẽ kiếm lợi cả chục ký gạo. Việc ăn gian cứ thế diễn ra với hàng chục người mà bà con chẳng ai mảy may nghi ngờ. Cho đến khi một người ở làng Dit Rông mang gạo đến trả nợ. Thấy đổ gạo mãi vào bao mà chiếc kim cân vẫn không vào vị trí thăng bằng, ông bực mình mang gạo về và đi tìm chúng tôi: “Hồi mượn gạo Nhà nước, mình đong được 2 chiếc ghè đầy. Giờ đi trả cũng đong đầy 2 ghè, lại thêm vào nhiều nữa mà cái cân nói vẫn chưa đủ. Đề nghị các anh giải quyết thắc mắc cho mình”. Nghe vậy, chúng tôi vội đến nơi xem thử. Lúc này sợ lộ, anh chàng kia đã đập chiếc kim trở lại vị trí ban đầu. Tuy nhiên, trước chứng cứ không thể chối cãi, anh ta buộc phải trả lại số gạo ăn gian.
“Bằng nhau đồng bào”-câu nói vui thời ấy là để chỉ nguyên tắc công bằng trong ứng xử cộng đồng của đồng bào dân tộc thiểu số. Thực sự, tôi đã chứng kiến bà con Ia Lang sống đúng như vậy. Bấy giờ, xã có một cánh đồng hoang rộng 9 ha. Sư đoàn 320 khai hoang rồi chia cho bà con một nửa, nửa còn lại bộ đội cấy lúa. Làm như vậy thực ra là để bà con thấy được lợi thế của cây lúa nước, vừa tiện thể chỉ dẫn họ cách làm. Thế nên khi thu hoạch được 9 tấn thóc, lãnh đạo Sư đoàn đã giao hết lại cho huyện để chia cho bà con. Lãnh đạo huyện xuống họp cán bộ xã, bàn chỉ nên chia cho các gia đình chính sách, hộ khó khăn vì số thóc không nhiều. Ai nấy đều nhất trí. Thế nhưng, khi huyện về thì số thóc đó lại được đem chia đều cho tất cả mọi nhà trong xã. Kết quả là mỗi hộ chỉ được vỏn vẹn có 7 kg thóc. Hỏi, ông Dú-Bí thư Đảng ủy xã-trả lời: Bà con xưa nay có gì cũng phải chia đều, nay làm khác họ sẽ thắc mắc, mất đoàn kết là không được!
Hơn ba chục năm trôi qua, Ia Lang bây giờ đã đổi thay nhiều. Những cánh rừng xưa đã được thay thế bằng thảm xanh của cao su, cà phê. Những cán bộ lãnh đạo xã thời ấy nhiều người đã mất và những chuyện trên đây có vẻ cũng đã thành cổ tích. Cuộc sống tất yếu là như vậy, chỉ mong sao cho tình người là vẫn sáng trong, đôn hậu như nguyên sơ ngày ấy.
NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm

Sức sống mới ở làng tái định cư

Sức sống mới ở làng tái định cư

(GLO)- Sau gần 30 năm chuyển về nơi ở mới, cuộc sống của người dân 5 làng tái định cư thuộc xã Đăk Trôi (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đã thay đổi tích cực. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững, từng bước xây dựng cuộc sống no đầy.
Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

(GLO)- Sáng 25-4, thầy giáo Vũ Văn Tùng-đại diện “Tủ bánh mì 0 đồng” phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Ia Pa tặng ngôi nhà cho gia đình em Nay H'Lại (lớp 6, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp, xã Pờ Tó).
Phú An chuyển mình

Phú An chuyển mình

(GLO)- Từ vùng quê nghèo đói ngày nào, Phú An trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) “về đích” nông thôn mới.
Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.