Trở lại Krong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đầu tháng 6, tôi và nhà văn Nguyễn Hoàng Thu được anh Đoàn Minh Phụng-nguyên Tổng Biên tập Báo Gia Lai, cũng là một cán bộ giao liên thời kháng chiến, rủ về thăm lại chiến khu xưa.
Trước đây, tôi và các bạn đồng nghiệp đã vài lần tìm về khu căn cứ của Tỉnh ủy Gia Lai trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước nhằm tìm hiểu, khảo sát những địa điểm mà các ban, ngành, đơn vị của tỉnh đóng chân ngày ấy trên vùng đất đầu nguồn sông Ba thuộc xã Krong, huyện Kbang ngày nay. Những năm đó, tôi may mắn được gặp một nhân chứng sống quan trọng là chú Trịnh Văn Cư (Bá Lâm). Trước đây, gia đình chú Cư sống ở thị trấn Kông Chro, sau chuyển về định cư tại phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa. Chú Cư là người đầu tiên cùng với đồng chí Trần Như Trinh (Hlang) và đồng chí Nguyễn Thanh Bình (Aka) được tổ chức phân công đi khảo sát, tìm hiểu để chọn khu căn cứ cách mạng của tỉnh. Đồng chí Trần Như Trinh-Chánh Văn phòng Tỉnh ủy được giao làm Trưởng ban Xây dựng căn cứ, trực tiếp chỉ huy. 
Khi còn tại thế, chú Trịnh Văn Cư có kể lại: Bấy giờ, anh Năm Vinh (Nguyễn Trung Thành)-Bí thư Tỉnh ủy đã trực tiếp gặp gỡ và động viên tôi trước lúc lên đường làm nhiệm vụ quan trọng. Tôi rất cảm động trước tấm chân tình của đồng chí lãnh đạo tỉnh với những lời trao đổi, căn dặn hết sức cặn kẽ. Tôi biết đây là công việc đầy khó khăn, gian khổ nhưng được các anh lãnh đạo chọn mặt gửi vàng là vinh dự rồi… Những ngày sau đó, tôi và các đồng đội của mình hồ hởi lên đường với sứ mệnh nặng nề mà cách mạng giao phó. Từ đó, suốt gần 3 năm cùng ăn, cùng ở và cùng làm với đồng bào Bahnar vùng khu 10 (xã Krong ngày nay), tôi và các đồng chí trong đội công tác vừa vận động xây dựng cơ sở cách mạng tại chỗ, vừa băng rừng lội suối tìm vị trí thuận lợi, đảm bảo an toàn để thiết lập căn cứ địa. Tôi hiểu rằng, để hình thành một khu căn cứ cách mạng đảm bảo bí mật, vững chắc thì nơi đó phải cách xa cơ sở của địch nhưng phải gần dân và được sự che chở, bao bọc của dân; có địa thế tiến thoái thuận lợi, có đường giao thông huyết mạch có thể liên lạc thông suốt từ khắp nơi để vừa nhận được chỉ thị cấp trên, vừa chỉ đạo các địa bàn và cơ sở cách mạng ở địa phương; có nguồn cung cấp nhân tài, vật lực cho cuộc kháng chiến… Và vùng rừng núi Krong, nơi đầu nguồn sông Ba bấy giờ là địa điểm tốt nhất để Tỉnh ủy và các ban, ngành đặt chân ổn định, lâu dài. Đến năm 1958 thì Tỉnh ủy và các ban, ngành chính thức chuyển về vị trí này để lãnh đạo đồng bào các dân tộc địa phương dốc toàn lực đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cho đến ngày toàn thắng.
Nhà trưng bày ở Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong, huyện Kbang. Ảnh: Bùi Quang Vinh
Nhà trưng bày ở Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong, huyện Kbang. Ảnh: Bùi Quang Vinh
Sau ngày hòa bình lập lại, một thời gian dài chúng ta chưa có điều kiện để tu bổ, tôn tạo, bảo tồn khu căn cứ lịch sử này. Cho đến dịp kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng tỉnh (17/3/1975-17/3/2018), Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh mới hoàn chỉnh việc tu bổ và khánh thành khu di tích lịch sử cơ quan Tỉnh ủy tại căn cứ địa cách mạng khu 10, lập bia tri ân, khắc ghi công lao của các thế hệ đi trước, phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, phấn đấu vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ngày nay, khi trở lại khu căn cứ, tôi và các đồng nghiệp hết sức ngạc nhiên và vui mừng vì những điều trăn trở trước đây của chính mình và những cán bộ kháng chiến đã được hoàn thiện một phần cơ bản. Khu căn cứ cách mạng của tỉnh trong kháng chiến chống Mỹ đã được phục dựng một số hạng mục chính, nhất là khu đầu não chỉ huy của Tỉnh ủy ở bên suối Kpier. Tại đây còn xây dựng khu đền thờ các liệt sĩ, có phòng trưng bày tư liệu, nhà khách, phòng bảo vệ khá khang trang. Đường đi lối lại từ đường Trường Sơn Đông vào trung tâm xã Krong (thị trấn Dân Chủ cũ), rồi các con đường nhánh vào khu di tích đã được tu sửa, đi lại khá thuận lợi. Tại vị trí nơi các ban, ngành của tỉnh đóng chân thời chiến như HĐND cách mạng và UBND cách mạng tỉnh Gia Lai, cơ quan Ban Kinh tài tỉnh, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy… cũng đã được xây dựng nhà bia di tích kiên cố.
Nhân đây, tôi cùng anh Đoàn Minh Phụng cũng trao đổi về việc lập bia di tích của cơ quan báo Đảng bộ tỉnh thời kháng chiến. Tờ báo địa phương đã từng được in ấn và xuất bản tại vùng đất lịch sử này. Bấy giờ, Báo Gia Lai có tên gọi là Thống Nhất, Quyết Thắng, Giải Phóng. Cơ sở in báo thời kháng chiến đặt tại làng Tăng Lăng, gần với khu vực của Ban Tuyên huấn. Bia di tích của báo địa phương nằm trong quần thể di dích khu căn cứ cách mạng của tỉnh nếu được xây dựng kịp thời trong dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Báo Gia Lai (16/3/1947-16/3/2022) sẽ là niềm tự hào của đội ngũ làm báo tỉnh nhà cũng như những người làm báo cách mạng hiện nay.
BÙI QUANG VINH

Có thể bạn quan tâm

Sức sống mới ở làng tái định cư

Sức sống mới ở làng tái định cư

(GLO)- Sau gần 30 năm chuyển về nơi ở mới, cuộc sống của người dân 5 làng tái định cư thuộc xã Đăk Trôi (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đã thay đổi tích cực. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững, từng bước xây dựng cuộc sống no đầy.
Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

(GLO)- Sáng 25-4, thầy giáo Vũ Văn Tùng-đại diện “Tủ bánh mì 0 đồng” phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Ia Pa tặng ngôi nhà cho gia đình em Nay H'Lại (lớp 6, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp, xã Pờ Tó).
Phú An chuyển mình

Phú An chuyển mình

(GLO)- Từ vùng quê nghèo đói ngày nào, Phú An trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) “về đích” nông thôn mới.
Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.